Thứ Tư, 10 tháng 8, 2022

TRỊ BỆNH THIẾU TRÁCH NHIỆM CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN

 


Gần đây, một số cán bộ, đảng viên có chức quyền trong các cơ quan, đơn vị, địa phương vi phạm kỷ luật, pháp luật, không làm tròn vai trò, trách nhiệm “công bộc” có dấu hiệu ngày càng tăng. Điều này cho thấy tính tiền phong, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên trước nhân dân ở mức đáng lo ngại.

Điển hình là những đại án, những vụ việc tiêu cực bị đưa ra ánh sáng mà cán bộ, đảng viên có chức quyền là nhân vật chính. Khi đương nhiệm, họ “nói có người nghe, đe có người sợ”. Họ phát biểu định hướng, động viên nhân dân bằng những mỹ từ, rao giảng đạo đức…, nhưng việc làm của họ thì trái ngược. Họ đã không hoàn thành trách nhiệm “công bộc”, là tác nhân sâu xa có thể gây ra “tự diễn biến”,“tự chuyển hóa” như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Kết luận số 21-KL/TƯ ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã chỉ ra.

Xin dẫn ra vài sự việc gần đây. Vào ngày 5-8 vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa đã đình chỉ sinh hoạt Đảng đối với ông Lưu Vũ Lâm, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy, nguyên Chủ tịch UBND huyện Yên Định; ông Hoàng Văn Phúc, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Định; ông Hà Duyên Lục, đảng viên Chi bộ Ban Tổ chức Huyện ủy, Đảng bộ cơ quan Dân Đảng huyện Yên Định. Những cá nhân trên bị đình chỉ sinh hoạt Đảng do bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”... Cũng trong ngày 5-8, Thanh tra tỉnh Gia Lai chuyển hồ sơ sai phạm trong đầu tư các dự án mua sắm phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin sang cơ quan Công an để tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi sai sót, gây thất thoát ngân sách nhà nước nhiều tỷ đồng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các sự việc nêu trên, trong đó thiếu trách nhiệm là một nguyên nhân chính không thể chối bỏ. Họ đã thiếu trách nhiệm trong đôn đốc thực hiện, trong kiểm tra, giám sát.

Thực trạng trên khiến nhân dân bức xúc, các cán bộ, đảng viên chân chính đau xót, bởi những giá trị cao đẹp bao thế hệ đi trước dày công vun đắp bị vấy bẩn. Họ xót vì trong thời bình, dù được Đảng giáo dục, bồi dưỡng bài bản, được chăm lo cả vật chất và tinh thần, nhưng vì lợi ích cá nhân mà nhiều cán bộ, đảng viên đã bị “đạn bọc đường” hạ gục, sa vào “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, khiến cho nguồn lực của đất nước suy kiệt. Họ xót vì những hành vi đó không còn cá biệt, ở phạm vi hẹp mà đã lan ra nhiều cơ quan, đơn vị, từ trung ương tới địa phương, khiến tính ổn định, bền vững và phát triển của tổ chức Đảng các cấp có nguy cơ bị phá vỡ...

Trách nhiệm của cán bộ, đảng viên vốn không phải là vấn đề mới, nhưng trong hoàn cảnh hiện nay thì nó là vấn đề mang tính thời sự rất cao. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng giải thích: “Tinh thần trách nhiệm là gì? Là khi Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công. Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy là không có tinh thần trách nhiệm”. Những giải thích này đã nói lên tất cả.

Đảng muốn mạnh thì phải có nhiều cán bộ, đảng viên tâm huyết, trách nhiệm, tin tưởng, nêu cao bản lĩnh chính trị, tinh thần cống hiến và được tổ chức khéo léo. Muốn cán bộ, đảng viên có trách nhiệm cao với công việc, thực sự vì sự phát triển đất nước phồn thịnh, thực sự vì hạnh phúc của nhân dân, vấn đề quan trọng nhất là Đảng phải đi trước một bước, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo để tạo ra được môi trường làm việc chuyên nghiệp, đậm chất phục vụ, cống hiến và văn hóa.

Thực tế cho thấy, ở bất cứ xã hội nào, con người đều có xu hướng tìm đến nơi làm việc an nhàn, có thu nhập cao, ổn định. Nếu bỏ quên tiêu chí, ào ạt dung nạp những phần tử cơ hội, mang nặng chủ nghĩa cá nhân vào tổ chức thì sớm muộn môi trường ấy cũng bị vẩn đục, xáo trộn và khủng hoảng. Hiện nay, trong Đảng ta, tình trạng cán bộ, đảng viên có tư tưởng “làm quan phát tài” đã đến lúc cần báo động. Nhiều người vào cơ quan công quyền, đến với Đảng không vì tận tâm cống hiến mà thay vào đó là tìm mọi cách để có chức, có quyền và chờ cơ hội, thời cơ để được giàu có, danh vọng.

Mặt khác, việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ ở các cơ quan, đơn vị, địa phương còn nhiều khiếm khuyết, trong đó có nhiều biểu hiện mang nặng chủ nghĩa cá nhân, thiên về lợi ích vật chất, chưa chuyên tâm phục vụ nhân dân, đã khiến môi trường công tác bị vẩn đục, khiến tiêu cực nảy mầm, phát triển.

Để phát huy trách nhiệm cán bộ, đảng viên, vấn đề quan trọng là phải đánh giá đúng năng lực cán bộ để tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm và sử dụng họ vào đúng chuyên môn, sở trường mà trong đó phục vụ và cống hiến phải được đặt là trung tâm. Cần tăng cường luân chuyển cán bộ để hạn chế, phá vỡ sự câu kết lợi dụng chức vụ làm việc xấu. Thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện và ngăn chặn hiện tượng cán bộ, đảng viên câu kết với người ở cơ quan, đơn vị, địa phương khác và thậm chí với doanh nghiệp bên ngoài để trục lợi.

Đảng ta đúc rút kinh nghiệm rằng, muốn biết cán bộ thế nào thì phải hỏi dân. Cần phải cải cách đánh giá cán bộ thông qua giám sát, nhận xét của nhân dân trên nguyên tắc trung thực, công bằng. Có như vậy mới thúc đẩy được trách nhiệm, tâm huyết của cán bộ, đảng viên đúng đắn, ý nghĩa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét