Thứ Tư, 10 tháng 8, 2022

TRỊ THÓI GHEN GHÉT, ĐỐ KỴ

Ganh ghét, đố kỵ là đặc tính tiêu cực trong tính cách của con người. Nó hình thành khi một người cảm thấy mình thua kém người khác và tức giận vì điều đó. Ganh ghét, đố kỵ khác với cạnh tranh và ganh đua, là một phần căn nguyên cản trở sự phát triển của tổ chức, đơn vị nói riêng và xã hội nói chung.

Từ xa xưa, thói ganh ghét, đố kỵ đã xuất hiện và ông cha ta đúc kết ra nhiều câu châm ngôn để mỉa mai như: “Con gà tức nhau tiếng gáy”, “Trâu buộc ghét trâu ăn”, “Ăn không được thì đạp đổ”, “Ghen ăn, tức ở”… Trong xã hội hiện đại, thói ganh ghét, đố kỵ không những không giảm đi mà dường như phát triển rộng hơn, mức độ nguy hiểm tăng thêm. Không những chỉ đố kỵ với người tài hơn mình, giàu hơn mình, giờ đây có người còn đố kỵ với người sắp có chức vụ cao hơn mình, có nhà đẹp hơn nhà mình, có con giỏi hơn con mình... Trên mạng xã hội gần đây liên tục có những câu chuyện về “GATO” (ghen ăn tức ở), “ném đá” khi thấy người khác có những suy nghĩ và hành động khác thường, trong đó có cả những người giỏi hơn người khác.

Đã có rất nhiều câu chuyện cười ra nước mắt về thói ganh ghét, đố kỵ của một số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hiện nay. Cơ quan nọ quy hoạch hai cán bộ ở vị trí chủ trì, cả hai đều đã được cấp trên cho đi đào tạo, luân chuyển, xem chừng “kẻ tám lạng, người nửa cân”… Sắp đến “giờ G” chính thức chọn người thay thế, một trong hai vị này ganh tị với người kia, bày đặt ra chuyện khai man lý lịch, rồi thuê hẳn một cán bộ về hưu viết “tâm thư” đến cấp trên nhằm triệt hạ đối thủ của mình. Thế nhưng, “gậy ông lại đập lưng ông”, “cháy nhà mới ra mặt chuột”, nhờ “trò bẩn” của vị này mà cả cơ quan đã nhận ra bộ mặt thật của người đố kỵ…

Lại có người đứng đầu một cơ quan không muốn cán bộ dưới quyền giỏi hơn mình, có học hàm, học vị cao hơn mình nên cương quyết không cho người dưới quyền đi học. Khi cấp dưới nghiên cứu khoa học, có giải thưởng cũng tìm đủ lý do để cấp dưới phải từ chối nhận, bởi lẽ “sếp” không muốn người khác có giải thưởng cao hơn mình… Nguy hiểm hơn, có những người thể hiện lòng ganh ghét, đố kỵ bằng cách lôi kéo người có chung suy nghĩ để soi mói, nói xấu sau lưng và tìm cách cản trở đồng chí, đồng nghiệp. Họ còn tỏ ra vui sướng trước thất bại của người khác; thậm chí lươn lẹo “quy chụp, biến báo” người tốt thành người xấu, tâng bốc mình lên để được cấp trên ưu ái mình…Sự ganh ghét, đố kỵ thường không chỉ dừng lại trong suy nghĩ của con người mà luôn bộc lộ ra ngoài thông qua hành động, lời nói để giải tỏa ẩn ức mặc cảm tự ti. Điều này làm cho con người càng trở nên thấp kém hơn chứ không mang lại suy nghĩ tích cực cần vươn lên để hoàn thiện bản thân. Có nhà văn đã so sánh người có thói ganh ghét, đố kỵ như đang đi trên đầm lầy, chẳng bao giờ được hạnh phúc bởi càng muốn ngoi lên thì lại càng bị dìm xuống.

Thói đố kỵ như một chén thuốc độc mà mình tự chuốc lấy. Thói ganh tị đẩy xa mình với người khác, khiến người đố kỵ ngày càng cô độc. Không chấp nhận người khác hơn mình, cũng đồng nghĩa với việc sẽ làm tổn thương người khác. Những người có tính như thế thì tâm không bao giờ thanh thản, ăn không ngon, ngủ không yên.

Để trị được bệnh ganh ghét, đố kỵ trong giai đoạn hiện nay cần phải có những liều thuốc đặc trị mới. Trước hết, cần phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục. Cần phải giáo dục trẻ em nhận ra bản thân có điều này giỏi nhưng còn yếu kém mặt kia. Mặt giỏi thì ta phát huy và truyền kinh nghiệm cho người khác, mặt kém thì học của người giỏi hơn để hoàn thiện bản thân. Giáo dục tình yêu thương trong tâm hồn con trẻ để dẹp tan những mầm mống của ganh ghét, đố kỵ. Sự yêu thương cũng làm ta bao dung, dễ học hỏi, chia sẻ với nhau hơn trong mọi việc.

Thực tế cho thấy, con người sẽ không thể từ bỏ được tính đố kỵ nếu không thể chiến thắng nổi bản thân. Để chiến thắng được bản thân, ngoài việc giáo dục, rèn luyện, cần phải có cơ chế ràng buộc, ví dụ như việc kiểm tra, thanh tra, giám sát của các cơ quan chức năng.

Các tổ chức Đảng, tổ chức chính trị xã hội cần phải coi thói ganh ghét, đố kỵ, không muốn người khác hơn mình là kẻ thù vô hình, vì thế, cần phải tuyên chiến với vấn nạn này. Trong nhận xét, đánh giá, đề bạt, khen thưởng phải thật sự khách quan, dân chủ, công khai và đúng thực chất, không bao che, không ích kỷ hẹp hòi, thành kiến cá nhân. Thực hiện nghiêm túc chế độ tự phê bình và phê bình, rà soát từ trong cấp ủy đến từng đảng viên, ai có biểu hiện ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình phải chấn chỉnh, chỉ rõ cho họ thấy để họ “tự soi”, “tự sửa”. Nếu không sửa được thì phải đưa ra khỏi đội ngũ để góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; xây dựng hệ thống chính trị chuyên nghiệp, gần dân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét