Tháng
Tám năm 1945 là tháng có những ngày trọng đại và vẻ vang nhất trong lịch sử dân
tộc Việt Nam. Trong những ngày lịch sử quan trọng đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng
cùng Mặt trận Việt Minh, toàn dân ta đã nổi dậy khởi nghĩa, giành lấy chính
quyền, xoá bỏ chế độ quân chủ, đánh bại bọn đế quốc xâm lược, giành lại độc
lập, tự do, dân chủ, hạnh phúc cho nước nhà…
Khi đề cập đến Cách mạng tháng Tám, có nhà nghiên cứu nước
ngoài đã nhận xét một cách hình ảnh rằng: Cụ Hồ và Mặt trận Việt Minh đã lãnh
đạo nhân dân “đòi lại ngôi nhà của mình”. Là những người trong cuộc, hơn ai
hết, nhân dân Việt Nam hiểu sâu sắc rằng cái gọi là “ngôi nhà mới đòi lại được
ấy” trải qua gần một thế kỷ dưới “quyền bảo hộ” của thực dân Pháp nay cột đã
xiêu, mái đã dột, trong nhà tiền không, gạo cũng không. Với trên 90% dân số mù
chữ, bên cạnh một khí thế cách mạng rất cao là một trình độ dân trí rất thấp.
Chỉ trong và sau mấy tháng giáp hạt, nạn đói đã cướp đi sinh mạng của 2 triệu
đồng bào tức 10% dân số. Cũng đúng mùa thu năm đó, nước lũ ngập trắng đồng trên
10 tỉnh châu thổ sông Hồng do đê bị vỡ vì hàng năm không được thực dân Pháp tu
bổ. Để chấn hưng đất nước, trong quỹ của Chính phủ chỉ có chừng 1,5 triệu đồng
bạc Đông Dương mà hơn ½ trong số đó là rách nát không tiêu được. Ngân hàng Đông
Dương vẫn còn nằm trong tay quân Pháp, chúng còn dùng các thủ đoạn nhằm phá giá
đồng bạc 500 của chính phủ ta, bên cạnh đó quân Tưởng còn đem các loại tiền
quan kim, quan tệ mất giá tung ra thị trường làm cho nền tài chính Việt Nam
càng thêm nguy ngập. Về đối ngoại, chính quyền Việt Nam non trẻ đứng trước tình
thế “bốn không”: không tiền, không vũ khí, không đồng minh và không ngoại
thương. Trong điều kiện đó, nguy cơ trực tiếp là đất nước ở vào tình thế “lửa
cháy hai đầu” khi quân Tưởng và quân Pháp (núp dưới bóng quân Anh) tiến vào
nước ta với những mưu toan thâm độc.
Trong bối cảnh đất nước được ví như “ngàn cân treo sợi tóc”,
chỉ trong vòng 16 tháng, Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu không những
đã bảo vệ được thành quả Cách mạng tháng Tám mà còn củng cố được mọi mặt của
đất nước trước khi bước vào Toàn quốc kháng chiến. Nguồn gốc sâu xa và nguyên
nhân trực tiếp của thắng lợi đó chính là mối quan hệ máu thịt giữa Chính phủ
với nhân dân.
Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính quyền các
cấp nhanh chóng được xây dựng và có mối quan hệ máu thịt với nhân dân. Niềm tin
và sự đồng thuận giữa chính quyền và người dân đã trở thành sức mạnh để đưa đất
nước vượt qua mọi khó khăn, ứng phó với mọi thử thách. Cũng chính với lòng tin
và sự đồng thuận đó, nhân dân sẵn sàng hưởng ứng cuộc vận động chống giặc đói
do Chính phủ phát động. Kết quả của “Tuần lễ vàng” là thêm một minh chứng hùng
hồn về lòng tin và sự đồng thuận của nhân dân đối với chính quyền cách mạng non
trẻ. Người dân từ nông thôn đến thành thị, từ dân nghèo cho đến những điền chủ,
những nhà tư sản, tuỳ theo khả năng của mình đều tự nguyện đóng góp của cải,
vàng bạc vào công quỹ. Cũng chính với lòng tin và sự đồng thuận đó mà phong
trào Bình dân học vụ được nhân dân hưởng ứng sôi nổi trong phạm vi cả nước.
Cũng chính với lòng tin và sự đồng thuận đó mà 95% nhân dân hai miền Nam, Bắc
không ngại nguy hiểm vượt sự đe doạ và súng đạn của kẻ thù để đi bỏ lá phiếu
bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước nhà. Dân tin Chính phủ và ngược lại Chính phủ
tin dân với một lòng tin tuyệt đối. Giữa nhân dân và Chính phủ là sự đồng thuận
hoàn toàn khiến cho mọi thủ đoạn, xuyên tạc, gây chia rẽ của kẻ thù đều không
thể lay chuyển được lòng tin đó. Ví như ít ngày sau khi Chính phủ ký với Pháp
bản Hiệp định sơ bộ 6/3, một số lãnh đạo các đảng đối lập đã cho bắc loa ngay
tại bờ hồ Hoàn Kiếm rêu rao “Việt Minh bán nước cho Pháp” thì lập tức hàng ngàn
quần chúng kéo đến, vây quanh chất vấn, hô khẩu hiệu đả đảo khiến kẻ thù phải
khiếp sợ. Tháng 12/1946, khi thực dân Pháp buộc nhân dân ta phải cầm súng, cũng
chính sức mạnh keo sơn giữa Chính phủ và toàn dân là nhân tố quyết định việc
hình thành thế mới, lực mới để cả nước chủ động bước vào cuộc kháng chiến toàn
quốc.
Nhìn
lại những năm đầu thập kỷ 40 của thế kỷ XX, trong quá trình lãnh đạo triển khai
Nghị quyết Trung ương 8 tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền, Hồ Chí Minh đã
khẳng định: dựa vào dân, dựa chắc vào dân thì không kẻ địch nào có thể tiêu diệt
được. Phương châm đó không những đã góp phần có ý nghĩa quyết định vào thắng lợi
của Cách mạng Tháng Tám, của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ mà cả
đến tận ngày nay. Ngày nay, trong điều kiện nước nhà đã độc lập, thống nhất và
đang trên đà đổi mới, thiết nghĩ, mỗi thành viên trong hệ thống chính trị càng
phải quán triệt sâu sắc bài học dựa vào sức dân mà Đại hội Đảng XI đã khẳng định:
Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng
của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan
liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với
vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét