Thứ Tư, 10 tháng 8, 2022

TỰ MÌNH TỰ GIÁC TỰ SOI, TỰ SỬA


Làm người, ai cũng có cái mạnh, cái yếu; làm việc ai cũng có “sở trường, sở đoản”, có hạn chế, khuyết điểm, có cái đúng, cái sai,... Thói thường, cái hay, cái tốt không chỉ mình biết mà được người khác nói ra, khen, động viên nên rất dễ nhận ra; cái chưa hay, chưa tốt vì nhiều lẽ mà ít được nhắc tới. Biết được cái hay, cái tốt để phát huy, biết cái hạn chế, cái xấu để sửa là rất cần thiết.
Khi đã nói “tự mình, tự soi, tự sửa” là muốn nói đến sự tự nguyện, tự giác, sự dũng cảm, sự cầu thị đối với những hạn chế, khuyết điểm, với những thói hư, tật xấu,... của “cái tôi”, của bản thân mình.
Thực chất của “tự soi, tự sửa” chính là thường xuyên tự phê bình, tự điều chỉnh mình, như một thói quen rửa mặt hàng ngày. Soi, sửa bao gồm soi, sửa về nhận thức, về hành động, về đạo đức lối sống,... để có nhận thức đầy đủ, đúng đắn, ngang tầm, có hành động tích cực, hiệu quả, đưa lại lợi ích chính đáng cho Dân, cho Đảng, trong đó có bản thân mình, có đạo đức lối sống lành mạnh, văn minh. Hồ Chí Minh nói: “Khuyết điểm cũng như một chứng bệnh. Phê bình là thuốc để chữa bệnh khuyết điểm”.
Hiện nay, một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý nhận thức chưa đầy đủ tính chất, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói chưa đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật. Một trong những biện pháp để thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đó là: Tự soi, tự sửa.
Nghị quyết Trung ương 4 lần này đã đặt ra yêu cầu là phải tự soi. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải tự soi trong từng công việc, trong từng lời nói và việc làm, trong chính suy nghĩ của mình để tự thấy hạn chế, khuyết điểm mà sửa, nhất là những hạn chế, khuyết điểm thuộc về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Làm được như vậy mới giải quyết được tận gốc, làm rõ được nguyên nhân, mới “chữa đúng bệnh” và tạo ra được động lực mới.
🇻🇳
Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm đến tự soi, tự sửa
Cách đây gần một thế kỷ - năm 1927, trong cuốn Đường Kách mệnh, khi bàn về tư cách người cán bộ, Bác Hồ đã đề cập ba mối quan hệ: Tự mình phải/ Đối với người phải/ Làm việc phải.
Trong “tự mình phải”, Người nêu rất cụ thể, giải thích rất gọn, nhưng rất kỹ và rõ về: Cần kiệm - Hòa mà không tư - Cả quyết sửa lỗi mình - Cẩn thận mà không nhút nhát - Hay hỏi - Nhẫn nại - Hay nghiên cứu xem xét - Vị công vong tư - Không hiếu danh, không kiêu ngạo - Nói thì phải làm - Giữ chủ nghĩa cho vững - Hy sinh - Ít lòng tham muốn về vật chất - Bí mật.
Trong “đối với người phải”, Người chỉ rõ: Với từng người phải khoan thứ - Với đoàn thể thì nghiêm - Có lòng bày vẽ cho người - Trực mà không táo bạo - Hay xem xét người.
Còn trong “Làm việc phải”: Xem xét hoàn cảnh kỹ càng - Quyết đoán - Dũng cảm - Phục tùng đoàn thể.
Nếu để ý sẽ thấy, Bác nói nhiều, nói cụ thể, chi tiết và đòi hỏi cao với “tự mình phải”. Khi nói “đối với tự mình” là nói đến yếu tố chủ quan, yếu tố bên trong, yếu tố quyết định; còn “đối với người” là nói đến yếu tố khách quan, yếu tố bên ngoài. Triết học Mác-xít chỉ rõ rằng yếu tố chủ quan, yếu tố bên trong bao giờ cũng là yếu tố đóng vai trò quyết định.
🇻🇳
Gần một thế kỷ, lời dạy của Bác vẫn còn nguyên giá trị thời sự
Thực hiện nghiêm, thường xuyên “tự soi, tự sửa” sẽ có giá trị to lớn, thiết thực về lý luận và thực tiễn
Đảng ta có nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định phục vụ cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng, nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên.
Tổ chức sinh hoạt chuyên đề “tự soi, tự sửa” là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng nhằm “Nhận diện và đấu tranh, ngăn chặn các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến", "tự chuyển hoá” trong nội bộ” và được coi là giải pháp trọng tâm nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Như vậy, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị phải bắt đầu từ con người và từ mỗi người - đây được coi là nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Một tập thể mà ai cũng có ý thức “tự soi, tự sửa” thì chắc chắn tập thể ấy sẽ tốt hơn, mạnh hơn.
Trong đổi mới, nhận thức rõ ý nghĩa to lớn, sâu xa của tự soi, tự sửa, Đảng là: “Sức mạnh của Đảng, của mỗi đảng bộ và đảng viên không chỉ ở ưu điểm mà còn ở chỗ nhận rõ và sửa chữa bằng được những vấn đề tồn tại, những sai lầm, khuyết điểm và tự vượt lên chính bản thân mình”.
Đảng ta là Đảng cầm quyền. Cán bộ lãnh đạo, quản lý từ Trung ương đến cơ sở đều là đảng viên. Đội ngũ này trong sạch, vững mạnh thì Đảng trong sạch, vững mạnh. Cán bộ ở cấp càng cao thì quyền hành càng cao. Dù to hay nhỏ, có quyền mà không giữ được đạo đức cách mạng thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân. Nguy hiểm nhất là đảng viên hư hỏng sẽ đưa quần chúng đến hư hỏng. Vì vậy, cán bộ, đảng viên phải tự giác, thường xuyên, hằng ngày, suốt đời tự soi, tự sửa như chuyện rửa mặt hằng ngày để giữ vững đạo đức cách mạng, cao nhất là thực hành cần, kiệm, liêm, chính cho dân học tập, noi theo.
Bác Hồ dạy chúng ta: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh”. Phương châm ấy phải được thường xuyên quán triệt, thấm nhuần, kiên trì thực hiện, trở thành một thói quen, một nền nếp, một phong trào, cũng như Bác từng nói: “Mỗi người tốt, việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”. Từ dưới lên trên, ai cũng thực hành như vậy, cán bộ, đảng viên làm trước thì “làng nước” sẽ “theo sau”. Tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, “nói một đàng làm một nẻo” hoặc chỉ hô hào, còn làm là việc của cán bộ, đảng viên cấp dưới, không phải của mình.
Tự soi, tự sửa là việc của chính mình, là đấu tranh ngay với cái tôi ở trong mình. Soi đúng thì sẽ sáng hơn, sửa đúng thì sẽ đẹp hơn. Mỗi cá nhân tốt đẹp hơn thì cả tập thể cũng sẽ tốt đẹp hơn.
ST
Không có mô tả ảnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét