Thứ Năm, 4 tháng 8, 2022

ỨNG XỬ VĂN HÓA NƠI CÔNG CỘNG


Ở các nước phát triển trên thế giới, việc ứng xử văn hóa nơi công cộng luôn được xem là một hành vi văn minh, biểu thị sự hiểu biết và ý thức trách nhiệm của người dân đối với cộng đồng. Vì thế, chính quyền các nước này luôn chú trọng việc tuyên truyền, giáo dục và khuyến khích người dân thực hiện lối sống văn minh, hiện đại. Đó cũng là việc thể hiện sự phát triển và quảng bá hình ảnh đẹp của quốc gia, dân tộc ra thế giới.
Ở nước ta, việc ứng xử văn hóa nơi công cộng cũng được các cấp, các ngành và các địa phương coi trọng bằng các phong trào như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Nét đẹp công chức”, “Thanh niên thanh lịch”, “Thành phố văn minh”... Mục đích của các phong trào này là xây dựng ý thức, trách nhiệm của người dân đối với cộng đồng bằng những hành vi ứng xử phù hợp với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc cũng như xu thế phát triển của xã hội. Từ những phong trào này đã xuất hiện những tấm gương bình dị, cao quý; những gương sáng giữa đời thường; những việc làm tử tế hay những hành động đẹp, nghĩa tình.
Nhưng nhìn vào thực tế, chúng ta vẫn thấy trong xã hội tồn tại một bộ phận không nhỏ người dân, nhất là trong giới trẻ có những hành xử thiếu văn hóa ở nơi công cộng. Ta có thể kể đến những hành động chen lấn, xô đẩy nhau và những câu nói tục, chửi thề khi vào xem các lễ hội, các trận bóng đá hay ở các khu chợ đông; rồi những hành vi phóng nhanh, vượt ẩu khi tham gia giao thông; xả rác bừa bãi ra đường, kênh rạch, vẽ bậy lên tường; ngồi gác chân lên ghế trong rạp chiếu phim; ăn mặc phản cảm đi vào chốn tôn nghiêm; đánh, chửi nhau hay nô đùa chỗ đông người; không nhường nhịn, giúp đỡ người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai trên các phương tiện giao thông công cộng... Những hành vi này không chỉ gây bức xúc, khó chịu, thậm chí gây thiệt hại cho người khác mà còn làm xấu đi hình ảnh của quê hương, đất nước với những người xung quanh và bạn bè quốc tế.
Ứng xử nơi công cộng là sự giao tiếp của con người với nhau và ý thức của mỗi người đối với môi trường sống. Nếu giao tiếp biểu thị sự tôn trọng, quan tâm, giúp đỡ người khác cũng như ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường sống thì đó là những hành vi ứng xử văn hóa. Điều này cũng cho thấy, giao tiếp nơi công cộng bộc lộ rõ nét nhất sự lịch thiệp và khả năng giao tế của mỗi người. Trong không gian giao tiếp ngày càng mở rộng như hiện nay thì văn hóa ứng xử của mỗi người cần được nâng lên một tầm cao mới, để tô đẹp thêm cho môi trường văn hóa nơi bản thân mình đang sinh sống, học tập.
Trên thực tế, ứng xử nơi công cộng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách của mỗi con người, nhất là đối với giới trẻ. Trong cuộc sống, bản thân ta không thể tồn tại hoặc làm nên chuyện gì nếu không có những sự giúp đỡ trực tiếp hoặc gián tiếp từ bên ngoài. Xã hội càng phát triển thì con người càng phụ thuộc vào nhau. Vì vậy, sống và giao tiếp trong cộng đồng, mọi người phải biết “cảm ơn” và “xin lỗi” một cách chân thành. Biết tôn trọng người khác và ứng xử một cách khiêm tốn, lễ độ, là những bí quyết đơn giản giúp ta tạo được ấn tượng đẹp trong mắt nhìn của người khác.
Ứng xử văn hóa nơi công cộng không chỉ giúp xã hội ngày càng văn minh, hiện đại và tốt đẹp hơn mà còn góp phần hình thành những nhân cách đẹp và hoàn thiện, phát triển của mỗi người. Trong giai đoạn hiện nay, việc ứng xử văn hóa nơi công cộng, cũng là sự chung sức của người dân để đất nước vững bước đi trên con đường hội nhập và phát triển, cũng như quảng bá hình ảnh đẹp của xã hội, con người Việt Nam ra thế giới.
QĐND
Có thể là hình ảnh về 7 người, mọi người đang đứng, ngoài trời và văn bản
15
4 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét