Công cuộc đổi mới của Việt Nam đã diễn ra trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội: kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại,... trong một tổng thể thống nhất. Mặc dù, bước đi của đổi mới là vấn đề vô cùng nhạy cảm và hệ trọng. Theo đó, quan điểm của Đảng ta là đổi mới toàn diện, nhưng đặt trọng tâm vào đâu, lĩnh vực nào đi trước, lĩnh vực nào đi sau,... để bảo đảm cho đổi mới vận hành đúng hướng, giành thắng lợi, đòi hỏi một tư duy lý luận sâu sắc và nghệ thuật lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Đứng vững trên lập trường, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Đảng ta đã cân nhắc cẩn trọng, lựa chọn và ưu tiên tập trung giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị. Đảm bảo, xuyên suốt quá trình đó, Đảng ta luôn nhấn mạnh, quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị là một “nội dung cốt lõi quan trọng trong các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng ta từ khi đổi mới đến nay”.
Trên phương diện tổng
thể, “Đảng ta bắt đầu công cuộc đổi mới từ đổi mới về tư duy chính trị trong
việc hoạch định đường lối và các chính sách đối nội, đối ngoại. Không có sự đổi
mới đó thì không có mọi sự đổi mới khác”. Mặt khác, Đảng cũng nhấn mạnh: “Đổi
mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị, chính là nhân tố
có ý nghĩa quyết định bảo đảm cho công cuộc đổi mới nói chung đi tới thắng
lợi”. Đó còn là ban hành Hiến pháp mới (năm 1992 và năm 2013), hàng trăm đạo
luật, pháp lệnh bảo đảm cho đổi mới kinh tế; đổi mới tổ chức và hoạt động của
Nhà nước, cả về lập pháp, hành pháp và tư pháp; phát huy tốt hơn vai trò của
nhân dân, thực hành dân chủ về chính trị, huy động nhân dân vào công tác quản
lý nhà nước, giám sát và phản biện xã hội. Những đổi mới đó chính là đổi mới
chính trị. Không có những đổi mới chính trị đồng bộ đó thì không thể có thành
tựu đổi mới kinh tế như ngày nay. Song, đổi mới chính trị không có nghĩa là
thay đổi chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa, đúng như Đảng ta đã xác định rõ: “Đổi
mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị không phải là hạ
thấp hoặc thay đổi bản chất của nó, mà là nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của
Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân”. Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị lần
thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (tháng 1-2015): Đổi mới chính
trị không phải là làm thay đổi chế độ chính trị, thay đổi bản chất của Đảng ta,
Nhà nước ta mà là đổi mới cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy, kiện toàn nâng
cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đổi mới phương thức công tác, lề lối làm việc,
cải cách hành chính, chống tệ quan liêu, lãng phí, tham nhũng gây phiền hà cho
dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, đáp
ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ
vững độc lập, chủ quyền quốc gia, dân tộc.
Suy cho cùng, thực chất
của đổi mới chính trị là đổi mới tư duy nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội
và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; đổi mới cơ chế, chính sách mà
hạt nhân cơ bản là giải quyết hợp lý, hài hòa quan hệ lợi ích; đổi mới cơ cấu
tổ chức và cơ chế vận hành của hệ thống chính trị để xây dựng chế độ xã hội chủ
nghĩa ngày càng tươi đẹp, thực hiện tốt nền dân chủ xã hội chủ nghĩa nhằm phát
huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp
quyền xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế - xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng
Cộng sản Việt Nam. Điều đó một lần nữa khẳng định, công cuộc đổi mới ở Việt Nam
vừa có đổi mới kinh tế, vừa kết hợp đổi mới chính trị.
Thực tiễn lịch sử Việt
Nam đã minh chứng, xét về mặt kinh tế, không hề có cơ sở để nảy sinh chế độ
chính trị đa nguyên. Vì, trong các thành phần kinh tế ở nước ta, kinh tế tư bản
(nhất là kinh tế tư bản tư nhân) chưa bao giờ giữ được vị trí thống trị. Chế độ
phong kiến ở Việt Nam tồn tại hàng nghìn năm cũng không tạo ra được thành phần
kinh tế tư bản chủ nghĩa trong lòng nó. Kinh tế tư bản chủ nghĩa kiểu thực dân
ở nước ta được du nhập cùng với chế độ thuộc địa trước đây. Do đó, những nhà tư
sản đầu tiên là tư sản Pháp, sau đó dần dần mới xuất hiện các nhà tư sản người
Việt. Tuy nhiên, giai cấp tư sản này ngay khi mới hình thành đã bị tư sản Pháp
chèn ép, cùng với đó là hoàn cảnh của một nước thuộc địa nửa phong kiến, nên
giai cấp tư sản Việt Nam bị phân hóa thành hai bộ phận: tư sản mại bản và tư
sản dân tộc.
Sau
gần 40 năm đổi mới, gắn với nền kinh tế nhiều thành phần, ở Việt Nam đã và đang
định hình khu vực kinh tế tư nhân ngày càng lớn mạnh, được Đảng và Nhà nước tôn
trọng, khuyến khích phát triển, đem lại nhiều kết quả ích nước, lợi nhà, nhưng
phần lớn vẫn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Đội ngũ doanh nhân
ngày càng đông đảo, có vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế đất nước.
Chúng ta cần thấy rằng, trong điều kiện
có Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo, chính quyền của nhân dân, do nhân dân
và vì nhân dân, thì mối quan hệ kinh tế, quan hệ giai cấp (kể cả quan hệ giữa
chủ sử dụng lao động và người lao động trong doanh nghiệp tư nhân) không giống
như trong chế độ do giai cấp bóc lột nắm chính quyền. Bằng hàng loạt các công
cụ trong tay của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, từ hệ thống pháp luật,
chính sách (quy hoạch, thuế, tín dụng, thương mại, đầu tư...), kinh tế nhà nước
gắn với nguồn lực nhà nước (đất đai, đầu tư công, vốn trong doanh nghiệp nhà
nước) đến các biện pháp hành chính, tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân
dân,... bảo đảm phát huy mặt tích cực, giảm thiểu mặt tiêu cực của kinh tế tư
nhân, giữ vững định hướng đóng vai trò quyết định bảo đảm cho sự thắng thế của
yếu tố xã hội chủ nghĩa đối với yếu tố phi xã hội chủ nghĩa, trong đó có yếu tố
tư bản chủ nghĩa, vốn vẫn tồn tại trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội,
đấu tranh rất khó khăn, phức tạp.
Chúng ta luôn khẳng định
rằng, thực hiện đổi mới nhưng kiên trì mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội đích
thực. Đổi mới để có chủ nghĩa xã hội nhiều hơn chứ không phải quay lại chủ
nghĩa tư bản. Kinh tế thị trường tự do, nhà nước pháp quyền (tư sản) và đa
nguyên chính trị là đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa tư bản hiện đại. Chúng ta
không đi theo hướng đó vì nó không phù hợp và không đáp ứng nguyện vọng của cả
dân tộc Việt Nam. Chúng ta thực hiện kinh tế thị trường theo định hướng xã hội
chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân,
do nhân dân, vì nhân dân và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, gắn với cơ chế “Đảng
lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”... Với những cơ sở lý luận và
thực tiễn sinh động, đầy thuyết phục, có thể nhất quán khẳng định rằng, chúng
ta thực hiện kinh tế đa thành phần nhưng vẫn bảo đảm nhất nguyên về chính trị,
giữ vững vai trò và sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam là hoàn
toàn hợp lý và là bước đi đúng đắn.
Hơn một phần 3 thế kỷ,
thực hiện đường lối đổi mới của Đảng “Chúng ta đã đạt được những thành tựu to
lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm
trước đổi mới. Như lời đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: “Đất
nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày
nay”. Thành tựu đó là kết quả của nhiều nguyên nhân, nhiều nhân tố, nhưng
giữ vai trò chủ đạo, có ý nghĩa quyết định là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt
của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong đó, nổi bật là sự sáng tạo và độc đáo của Đảng
về giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị.
Tuy
nhiên, vẫn còn một số hạn chế nhất định trong quá trình nhận thức và giải quyết
mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở nước ta, song nếu chỉ
nhìn phiến diện một chiều vào những khiếm khuyết (mặt thứ yếu, không cơ bản)
của vấn đề này mà lại vội vàng quy chụp cho rằng, ở Việt Nam chỉ có đổi mới
kinh tế, không có đổi mới chính trị; hoặc đổi mới chính trị “lệch pha” so với
đổi mới kinh tế,... thì quả là một sự “quy chụp” lố bịch; một sự xuyên tạc, bóp
méo trắng trợn, thô thiển thiếu khách quan của các thế lực thù địch. Bởi vì, sự
kết hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, sự
thống nhất biện chứng giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị là nét “độc đáo” riêng có của Việt Nam, hoàn
toàn khác với Liên Xô, với các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu trước đây, và
Trung Quốc hiện nay.
Ngay trong bước đầu của
cải tổ, Đảng Cộng sản Liên Xô đã phạm phải những sai lầm, đi vào cải tổ chính
trị vô nguyên tắc, nêu ra “dân chủ hóa”, “công khai hóa”, thúc đẩy vô chính
phủ, làm xuất hiện các lực lượng đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản,
tách Đảng khỏi Nhà nước, tách Nhà nước ra khỏi Đảng. Xét đến cùng, đây là sự vô
hiệu hóa Đảng, nên đã dẫn đến tan vỡ Đảng, sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa và sự
tan rã của Liên bang Xô-viết.
Còn
đối với chúng ta, ngay từ khi đề ra đường lối đổi mới cũng như trong quá trình
lãnh đạo công cuộc đổi mới, Đảng ta xác định: “Đồng thời với đổi mới kinh tế,
phải từng bước đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính
trị”; “Kết hợp chặt chẽ ngay từ đầu đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị”;
“Đổi mới chính trị phải đồng bộ với đổi mới kinh tế theo lộ trình thích hợp”...
Điều đó có nghĩa, ở Việt Nam, đổi mới kinh tế không phải là đổi mới một cách
tùy tiện, vô nguyên tắc mà theo một định hướng chính trị nhất định, một cơ sở
khoa học đầy đủ. Đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị vừa là cơ sở của nhau,
vừa là điều kiện để triển khai sâu rộng và vững chắc công cuộc đổi mới trên các
lĩnh vực văn hóa, giáo dục, đối ngoại, quốc phòng - an ninh,... Đổi mới, phát
triển kinh tế tạo ra môi trường và điều kiện để củng cố cơ sở kinh tế cho đổi
mới chính trị, là nhân tố suy đến cùng quyết định sự ổn định chính trị - xã
hội. Ngược lại, đổi mới chính trị tạo ra cơ sở chính trị - pháp lý cho sự phát
triển kinh tế; đồng thời, tạo động lực và gia tăng sức mạnh tổng hợp để phát
triển kinh tế.
Bằng những luận cứ, cơ
sở lý luận và thực tiễn nói trên đã minh chứng một cách rõ ràng rằng, đổi mới
kinh tế và đổi mới chính trị ở Việt Nam luôn song hành, hỗ trợ, bổ sung cho
nhau; làm cơ sở, tiền đề, điều kiện của nhau; giữa hai mặt luôn có mối quan hệ
biện chứng và thống nhất hữu cơ với nhau, không như các luận điệu xuyên tạc,
bóp méo sự thật của các thế lực thù địch./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét