Thứ Ba, 2 tháng 8, 2022

Vị trí của đạo đức trong đời sống xã hội và của mỗi người


Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định đạo đức là gốc của người cách mạng, muốn làm cách mạng phải lấy đạo đức làm gốc. Người viết: "Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang".

Hồ Chí Minh coi đạo đức là nguồn nuôi dưỡng và phát triển con người, như gốc của cây, như ngọn nguồn của sông, suối. Người viết: "Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân" .

Hồ Chí Minh quan niệm, đạo đức cách mạng là chỗ dựa giúp cho con người vững vàng trong mọi thử thách. Theo Người, có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước... khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, "lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ", lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ; không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa.

Đối với Đảng, đội tiên phong của giai cấp công nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải xây dựng Đảng ta thật trong sạch, Đảng phải "là đạo đức, là văn minh", "Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân" .

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét