Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2022

Vấn đề tự do ngôn luận, tự do báo chí trên thế giới

 Trong tiến trình phát triển của nhân loại, tự do và dân chủ thuộc những giá trị vĩ đại nhất mà nhân loại vẫn hằng theo đuổi. Cuộc tranh luận về tự do, dân chủ và cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ bắt đầu từ khi con người biết tự thiết định các quy tắc, chuẩn mực để tổ chức cuộc sống, nhất là từ khi quyền lực xã hội được trao cho những cá nhân, tổ chức nhân danh xã hội, thoát ly chủ thể gốc của quyền lực, đó là nhân dân.

Ngày nay, khi con người đã có những bước tiến vũ bão trong chế ngự tự nhiên, mở rộng năng lực về mọi chiều kích, thì tự do, dân chủ đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu, là mục tiêu, động lực của phát triển. Cùng với sự phát triển của nhân loại, các quan hệ xã hội được cải biến theo hướng tiến bộ hơn, các quyền cơ bản của con người dần được thừa nhận và được thực hiện đầy đủ hơn.

Trong các quyền tự do, dân chủ được cộng đồng thế giới thừa nhận, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí là một bộ phận quan trọng. Sau chiến thắng của nhân loại trước chủ nghĩa phát xít, tổ chức Liên hợp quốc được thành lập. Sau đó, vào ngày 10-12-1948, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền - bản Tuyên ngôn về các quyền cơ bản của con người, được nhiều quốc gia trên thế giới ủng hộ, tham gia. Điều 19 của Tuyên ngôn xác định: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và biểu đạt; bao gồm tự do giữ ý kiến mà không bị can thiệp, cũng như tự do tìm kiếm, thu nhận và truyền bá thông tin và tư tưởng bằng bất cứ phương tiện truyền thông nào và không giới hạn về biên giới”(1).

Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 1966 cũng quy định tại khoản 2, Điều 19: “Mọi người có quyền tự do biểu đạt. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tùy theo sự lựa chọn của họ”(2).

Tự do, bao gồm cả tự do ngôn luận, tự do báo chí là một giá trị xã hội vĩ đại. Đó là kết quả của cuộc đấu tranh không mệt mỏi của con người trước tự nhiên để hoàn thiện xã hội và chính con người.

Tuy nhiên, khi con người được hưởng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, ngay lập tức xuất hiện những bất cập. Vì nhiều lý do, trong đó bị thôi thúc bởi tư tưởng vị kỷ cực đoan, nhân danh tự do, một số người, một số cộng đồng, thậm chí ở tầng nấc quốc gia đã có những hành vi gây phương hại cho người khác và cho xã hội như vu khống, bôi nhọ, tuyên truyền giá trị phi luân, kích động bạo loạn, chiến tranh, v.v.. Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí đứng trước những thử thách nghiêm trọng, nó không còn là công cụ để giải phóng con người, mà đe dọa chính cuộc sống con người. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét