Dối trá là một thói xấu nhưng vẫn có ở nhiều người, trong cả cán bộ, đảng viên, gây ra những hậu quả khó lường. Người dối trá cố tình cung cấp thông tin sai sự thật, dẫn đến nhìn nhận, đánh giá không đúng sự việc, vấn đề, con người và nghiêm trọng hơn là sự dối trá gây bức xúc, mất đoàn kết nội bộ, niềm tin, kìm hãm sự phát triển của cá nhân, tập thể và đất nước... Đấu tranh, ngăn chặn thói dối trá là việc rất cần thiết để phòng, chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ hiện nay.
* Nguy cơ phá vỡ tổ chức từ bên
trong
Dối trá được hiểu là những cử chỉ,
hành vi, lời nói, việc làm trái ngược với sự trung thực của cá nhân, tập thể.
Đó là hành vi đưa ra nhiều thông tin thiếu chính xác, sai sự thật, khiến cá
nhân, tập thể nhận thông tin đưa ra các quyết định có lợi cho một người hoặc
một nhóm người cung cấp thông tin. Dối trá trong xã hội là nguyên nhân căn cốt
khiến các chuẩn mực đạo đức xã hội, đạo đức công vụ và cao hơn nữa là đạo đức
chính trị và văn hóa chính trị bị ảnh hưởng, tổn thương ở các mức độ khác nhau.
Trong giai đoạn hiện nay, dối trá
chính là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng mất niềm tin ở nhân dân
vào sự lãnh đạo của Đảng. Khi nghiên cứu nội hàm của 27 biểu hiện suy thoái về
tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến, tự chuyển hóa” mà Nghị
quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra, nhận thấy các biểu hiện ấy đều có bóng
dáng nương náu của dối trá. Ví dụ gần đây nhất về hiện tượng dối trá trong cán
bộ cơ sở gây bức xúc dư luận là trường hợp ông Lương Văn Thuận, Chủ tịch MTTQ
xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu (Nghệ An). Ông này thừa nhận đã tự ký danh sách 15 hộ nghèo
nhận tiền quà Tết Nguyên đán Tân Sửu (năm 2021) để hợp thức hóa hồ sơ nộp lên
huyện. Dư luận cho rằng, đó là hành vi dối trá, vi phạm pháp luật nhằm chiếm
đoạt số tiền 7,5 triệu đồng của người nghèo.
Dối trá xuất hiện ở nhiều cá nhân, tập
thể, cơ quan, đơn vị, địa phương thông qua những lĩnh vực hoạt động khác nhau.
Nhiều cán bộ mua bằng, mua học vị để được đề bạt, bổ nhiệm, lên lương thay vì
trau dồi đạo đức, năng lực công tác vốn rất tốn công, nhọc sức và mất thời
gian. Dối trá thể hiện trong xin cấp ngân sách lớn hơn nhu cầu thực tế để sau
đó làm hợp đồng khống, hợp thức bằng hóa đơn, chứng từ để giải ngân. Hoặc có
hiện tượng thanh toán vượt giá thị trường, chi sai mục đích...
Hiện tượng dối trá trong các cơ quan,
đơn vị, địa phương đã gây ra nhiều hệ lụy, là trở ngại lớn cho xây dựng Đảng và
bộ máy Nhà nước; làm nhân dân hiểu sai lệch bản chất tốt đẹp của Đảng và chế
độ; làm băng hoại đạo đức xã hội và các giá trị truyền thống; gây khó khăn
trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội, tác động xấu đến tư tưởng, tâm lý, tình
cảm của nhân dân và là cái cớ để các thế lực thù địch xuyên tạc sự thật, kích
động chống phá sự nghiệp cách mạng.
Dối trá cũng là một trong những nguyên
nhân dẫn đến hiện tượng “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”, là
“bà đỡ” cho nịnh hót, bợ đỡ trong cơ quan, đơn vị, địa phương, có nguy cơ nhấn
chìm động cơ phấn đấu của những người trung thực; phá vỡ tổ chức đảng từ bên
trong...
* Diệt trừ dối trá, cần giải
pháp đồng bộ
Có nhiều nguyên nhân chủ quan, khách
quan khác nhau sinh ra dối trá. Theo các chuyên gia, nguyên nhân sâu xa và phổ
biến nhất là do con người ham muốn lợi ích bằng mọi giá đã sinh ra dối trá. Do
công tác kiểm tra, giám sát qua loa, đại khái, hình thức và chiếu lệ cũng khiến
dối trá không bị hạn chế mà còn có cơ hội lây lan. Bên cạnh đó, việc một số nơi
tổ chức nhiều hoạt động thi đua hình thức và bệnh thành tích cũng là tác nhân
sinh ra dối trá. Vì thành tích mà có hiện tượng che giấu khuyết điểm, "làm
láo báo cáo hay", "có ít suýt ra nhiều".
Để diệt trừ thói dối trá, nhất là
trong hệ thống chính trị và cơ quan công quyền hiện nay cần phải tổ chức, duy
trì nghiêm nền nếp sinh hoạt Đảng của các cơ quan, đơn vị, địa phương theo đúng
nguyên tắc tập trung dân chủ và tự phê bình, phê bình mạnh mẽ, triệt để. Cấp
ủy, chi bộ cần xây dựng quy định tự phê bình và phê bình, khắc phục tình trạng
nể nang, né tránh, ngại va chạm và bảo vệ người thẳng thắn, dám đấu tranh.
Trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách
mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Chế độ
sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc”(1). Người xem đây là một trong những biện
pháp hữu hiệu nhằm giáo dục đạo đức cán bộ, đảng viên nói riêng và xây dựng,
chỉnh đốn Đảng nói chung, góp phần tăng cường sức chiến đấu của Đảng. Bởi theo
Người, khi đã tổ chức sinh hoạt Đảng chất lượng, hiệu quả thì mọi dối trá của
cán bộ, đảng viên sẽ bị phơi bày ra ánh sáng, sẽ không có những việc làm khuất
tất vụ lợi, không có hiện tượng dễ làm khó bỏ, đấu đá, chọn vị trí công tác
nhiều lợi ích... Để làm được điều này thì các tổ chức đảng cần tiếp tục quán
triệt sâu sắc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa
XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đồng thời có biện pháp cụ thể về đổi mới hình
thức, nội dung sinh hoạt Đảng định kỳ và chuyên đề, không ngừng nâng cao chất
lượng sinh hoạt chi bộ.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm
tra, coi trọng kiểm tra đột xuất thay vì kiểm tra báo trước và kiểm tra trên
giấy, trên báo cáo và "nhúng" qua thực tiễn. Thực tế cho thấy, hiện
tượng dối trá trong nội bộ đã làm cho Đảng bị "bịt mắt”. Tổ chức đảng cấp
trên không thấy được thực tế đòi hỏi của nhân dân, không thấy được những
“chướng tai gai mắt” trong nội bộ cấp dưới nên dễ dẫn đến thỏa hiệp và vô tình
bảo vệ “con sâu, con mọt” thay vì bảo vệ cán bộ có tâm, có tầm và có trí, thủ
tiêu động lực phấn đấu của các cán bộ, đảng viên chân chính.
Tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt
các biện pháp nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng,
trong đó đặc biệt chú trọng đến vai trò nêu gương “cần, kiệm, liêm, chính, chí
công vô tư” trong thực thi công vụ của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng
đầu cấp ủy, người chủ trì, quản lý cơ quan, đơn vị, địa phương. Hiện nay có một
thực tế là, nhiều tổ chức cơ sở đảng chưa cụ thể hóa nghị quyết vào trong thực
tiễn nhiệm vụ lãnh đạo. Phổ biến là hiện tượng xây dựng quy chế lãnh đạo một
đằng nhưng thực hiện một nẻo; thậm chí có hiện tượng copy quy chế lãnh đạo cốt
để báo cáo. Việc này khiến công tác lãnh đạo không tập trung, sót việc nên dễ
nảy sinh tiêu cực.
Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu
và tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ có biện pháp quyết liệt trong tổ chức
phân phối ngân sách, nhiệm vụ và kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc thu, chi
ngân sách hằng năm hoặc ngân sách đầu tư công. Thường ngân sách bao giờ cũng đi
kèm với nhiệm vụ. Có nhiệm vụ thì có ngân sách và ngược lại. Thế nên không lạ
khi các cơ quan, đơn vị, địa phương đua nhau xin nhiệm vụ, xin ngân sách. Đây
chính là căn nguyên để hình thành cơ chế “xin-cho” tồn tại dai dẳng trong hệ
thống chính trị và các cơ quan công quyền.
Một số quốc gia có cách làm rất hiệu
quả để ngăn chặn sự dối trá nhằm trục lợi. Theo đó, các cơ quan, đơn vị, địa
phương và cá nhân muốn được sử dụng ngân sách hoặc được nhận tài trợ để làm một
dự án do chính phủ duyệt thì phải hội tụ những điều kiện cứng và mềm về công tác
quản lý và điều hành, bảo đảm không thất thoát, lãng phí và tham nhũng. Thế
nên, để ngân sách đến đúng đích và được sử dụng triệt để, mang lại hiệu quả
thiết thực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội thì cần có quá trình thẩm tra,
kiểm tra, giám sát xem có đủ điều kiện mới giải ngân. Đây chính là cách phân
phối công bằng, ngăn ngừa tham nhũng và thúc đẩy cách lãnh đạo, điều hành và
quản lý chuyên nghiệp, văn minh, cần được nghiên cứu thấu đáo và ứng dụng trong
thực tiễn nước ta.
Nếu trung thực được đề cao thì dối trá
khó có đất để tồn tại, phát triển. Khi trung thực của cán bộ, đảng viên bị dối
trá lấn át thì sẽ dẫn đến tình trạng né tránh sự thật. Đây là căn nguyên khiến
sinh hoạt của tổ chức đảng rơi vào hình thức, mất sức chiến đấu, khiến nguy cơ
“tự diễn biến, tự chuyển hóa” ngày càng có xu hướng nặng nề hơn. Tôn trọng sự
thật khách quan và dựa trên sự thật để tìm biện pháp xây dựng tổ chức đảng
trong sạch, vững mạnh là cách tốt nhất diệt trừ tệ dối trá hiệu quả. Việc này
chỉ thực hiện được khi cán bộ chủ trì và đứng đầu tổ chức đảng tận tâm, quyết
liệt./.
dối trá thì hỏng rồi
Trả lờiXóa