Quan niệm của hồ chí minh về đảng là đạo đức, là văn minh
Sau kháng chiến chống thực dân Pháp, cách mạng Việt Nam đứng trước thách thức nghiêm trọng. Đất nước bị chia cắt làm hai miền với hai chế độ chính trị khác nhau. Trước âm mưu, hành động đi ngược lại nguyện vọng của dân tộc và xu thế phát triển văn minh nhân loại mà chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đang thực hiện trên đất nước ta, Đảng phải trở thành đại biểu xuất sắc cho trí tuệ, danh dự, lương tâm, văn minh của dân tộc và thời đại, như Đảng đã có trong hơn 20 năm trước. Trong diễn văn tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng (1-1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”(1).
Quan niệm Đảng ta là đạo đức, là văn minh là một bộ phận trong hệ thống quan niệm của Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì đạo đức và văn minh có quan hệ mật thiết với nhau, nhất là khi nhìn nhận về Đảng, nên có thể tiếp cận nội dung quan niệm của Hồ Chí Minh không theo lát cắt thuật ngữ mà theo những yếu tố của Đảng thể hiện đặc điểm đạo đức, văn minh.
Đảng là sản phẩm tất yếu của yêu cầu sáng tạo văn hóa
Văn hóa là toàn bộ các giá trị vật chất và tinh thần được con người sáng tạo ra và lấy con người làm mục đích phục vụ. Nhu cầu được thỏa mãn bởi sáng tạo văn hóa luôn mang tính tiến bộ và nhân văn, hướng đến phục vụ sự phát triển của con người. Những sáng tạo đi ngược lại tiêu chí đó, ở ngay thời điểm mới sáng tạo hay trong quá trình tồn tại, đều không đủ tư cách văn hóa. Thế nên, sáng tạo văn hóa mang giá trị văn minh và đạo đức.
Những năm cuối TK XIX đầu TK XX, đạo đức, văn minh là mối quan tâm chung của cả dân tộc. Nền quân chủ không còn chút tư cách đại diện cho dân tộc, đặt ra yêu cầu về lực lượng lãnh đạo mới. Chế độ thuộc địa của Pháp là một hiện tượng phản văn hóa, nó chà đạp, thủ tiêu văn hóa của dân tộc thuộc địa, nó đầu độc và giết dần, giết mòn dân tộc thuộc địa bằng chính sách cai trị. Trên thế giới lúc này diễn ra hai xu hướng đối nghịch nhau. Nếu như chủ nghĩa tư bản cùng giai cấp tư sản đã trải qua thời kỳ tiến bộ, chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, bộc lộ nhiều nhược điểm phi văn hóa, phi nhân tính, thì sự phát triển của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế với giai cấp công nhân đứng ở trung tâm của thời đại và đội tiền phong – Đảng Cộng sản – là tiêu biểu cho nền văn hóa tương lai – văn hóa cộng sản chủ nghĩa, nền đạo đức mới – đạo đức cộng sản chủ nghĩa. Tình thế này là tất yếu như nhau. Xét ở giác độ văn hóa, đó là tính tất yếu của sự phát triển văn hóa. Đứng trước những thử thách nghiêm trọng, văn hóa đặt ra yêu cầu và sáng tạo ra lực lượng để thực hiện yêu cầu. Đó là Đảng Cộng sản.
Trên cơ sở tố cáo tội ác và nhận thức thấu đáo bản chất của chủ nghĩa thực dân đế quốc, trên cơ sở nghiên cứu và đồng tình với Cách mạng tháng Mười Nga, với Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc hướng các dân tộc bị áp bức đi theo con đường Cách mạng tháng Mười. Thông qua nghiên cứu lý luận và hoạt động thực tiễn, nhất là sau khi đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã chuẩn bị và chủ trì Hội nghị thành lập Đảng.
Ra đời dưới ánh sáng vĩ đại của Cách mạng tháng Mười, Đảng Cộng sản Việt Nam là sản phẩm của sự kế tiếp sáng tạo văn hóa ở một nước thuộc địa. Với tư cách là tổ chức chính trị tiên tiến có tính vượt trội (văn minh) so với mọi tổ chức chính trị cùng thời kỳ, Đảng là con đẻ của sự vận động lịch sử, xuất hiện để đáp ứng yêu cầu khách quan, tất yếu của lịch sử dân tộc, gánh vác sứ mệnh dẫn dắt nhân dân đoàn kết đứng lên đấu tranh tự giải phóng cho mình khỏi cuộc đời nô lệ, khỏi mọi ách áp bức, bất công và tàn bạo, giành lấy chủ quyền (đạo đức). Đảng tự nguyện nhận làm bộ tham mưu tối cao và đội tiền phong dũng cảm trong cuộc đấu tranh ấy của nhân dân. Chỉ khi Đảng Cộng sản ra đời, sau đó là với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, lẽ sinh tồn và mục đích của cuộc sống của dân tộc mới được đáp ứng. Cũng chỉ khi cách mạng đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, dân tộc ta mới hòa vào dòng chảy phát triển của văn minh nhân loại và góp phần vào xu thế đó. Đảng ra đời từ nhu cầu văn hóa và đáp ứng tiêu chí tiến bộ, nhân văn của yêu cầu.
Đảng là sản phẩm hợp thành của các yếu tố mang giá trị đạo đức, văn minh
Khái quát quy luật đặc thù ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam, Hồ Chí Minh đã viết: “Chủ nghĩa Mác – Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn tới việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương vào đầu năm 1930″(2). Đó là sự kết hợp các giá trị đạo đức, văn minh.
Hồ Chí Minh xem chủ nghĩa Mác – Lênin là: sự kết tinh trí tuệ nhân loại, lý luận khoa học trên nhiều lĩnh vực, khoa học về giải phóng toàn diện con người, có bản chất sáng tạo, đổi mới, được sáng lập bởi những vĩ nhân kiệt xuất, được bảo vệ và phát triển bởi nhân dân tiến bộ, và tạo dựng lên những con người đạo đức, văn minh. Thế giới quan và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lênin soi sáng mọi nhận thức và hành động của Đảng. Lý tưởng được vạch ra bởi chủ nghĩa Mác – Lênin được Đảng trung thành phấn đấu thực hiện. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin là người thày vĩ đại, là tấm gương sáng dẫn dắt mỗi cán bộ, đảng viên và toàn Đảng. Giá trị đạo đức, văn minh của chủ nghĩa Mác – Lênin là vốn quý của Đảng, góp phần quan trọng để Đảng ta là đạo đức, là văn minh. Trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin với tư cách là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động, ở góc độ văn minh, đạo đức, cũng là quá trình Đảng củng cố và không ngừng vươn lên thành đạo đức, văn minh.
Phong trào công nhân Việt Nam là phong trào cách mạng xuất phát từ thực tiễn, là hoạt động của công nhân với tính cách là một giai cấp. Tính chất của phong trào xuất phát từ bản chất của giai cấp công nhân Việt Nam. Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Đặc tính cách mạng của giai cấp công nhân là: kiên quyết, triệt để, tập thể, có tổ chức, có kỷ luật”(3); “dũng cảm nhất, cách mạng nhất, luôn gan góc đương đầu với bọn đế quốc thực dân”(4). Từ bản chất của giai cấp chủ thể và sự thể hiện trong thực tiễn, phong trào công nhân nói chung, cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam nói riêng, là phong trào cách mạng mang giá trị đạo đức và văn minh.
Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam là nấc thang cao nhất trong bảng các giá trị truyền thống của văn hóa dân tộc, đồng thời là giá trị đạo đức cao nhất của nhân dân Việt Nam. Xét ở góc độ bộ phận hợp thành, chủ nghĩa yêu nước là nhân tố quan trọng tạo nên tính đạo đức, văn minh của Đảng.
Mỗi bộ phận hợp thành Đảng ta đều mang giá trị đạo đức, văn minh. Sự kết hợp các bộ phận đó trong một thể thống nhất – Đảng Cộng sản Việt Nam – giúp cho các giá trị đạo đức, văn minh của riêng mỗi bộ phận được phát huy. Chủ nghĩa Mác – Lênin chỉ là đạo đức, văn minh trên trang giấy nếu không có phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân hiện thực hóa, ngược lại, không có chủ nghĩa Mác – Lênin, phong trào công nhân sẽ không đi đúng và thực hiện được các mục tiêu đạo đức, văn minh. Ở Việt Nam, chủ nghĩa Mác – Lênin và phong trào công nhân chỉ tồn tại và phát huy vai trò được khi gắn kết chặt chẽ với phong trào yêu nước.
Đảng mang bản chất giai cấp công nhân, đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn dân tộc
Giai cấp công nhân, theo quan điểm nhất quán của Hồ Chí Minh, là người lãnh đạo cách mạng, đấu tranh cho quyền lợi của giai cấp mình và quyền lợi của toàn dân tộc. Đảng là đội tiên phong có tổ chức và là một tổ chức cao nhất của giai cấp công nhân, gồm những người ưu tú nhất, giác ngộ nhất, kiên quyết nhất của giai cấp. Nói cách khác, nếu giai cấp công nhân là giai cấp tiến bộ và đạo đức, thì Đảng là bộ phận đứng ở đỉnh cao trong đó.
Là đảng của giai cấp công nhân, Đảng mang trong mình tất cả những phẩm chất ưu việt của giai cấp công nhân, trong có có bản chất đạo đức, văn minh. Là đảng của nhân dân lao động, Đảng đại diện cho lực lượng sáng tạo ra mọi nền văn minh, mọi giá trị đạo đức; là đảng của dân tộc, Đảng kết tinh truyền thống của một dân tộc ngàn năm văn hiến, trọng đạo đức, trọng tình nghĩa. Xét cả trên phạm vi thế giới hay dân tộc, cái chung nhân loại đến cái riêng đất nước, giai cấp nòng cốt đến nền tảng tồn tại, Đảng đều đại diện cho những lực lượng tiến bộ.
Đảng có mục tiêu, lý tưởng đạo đức, văn minh
Với tư cách là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc, vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, Đảng là một tổ chức chiến đấu cách mạng, kiên trì cải tạo xã hội cũ, phá bỏ mọi cái lạc hậu; kiên trì chống lại cuộc sống mất nhân tính; nó nhân danh chính nghĩa và vì chính nghĩa mà chống phi nghĩa, tức là đấu tranh chống mọi biểu hiện của cái ác. Không phải chỉ thế, mà mục tiêu chủ yếu của Đảng là kiến tạo và dựng xây một xã hội mới tốt đẹp, nhân đạo hoàn bị tiến tới một nền văn minh mới – văn minh cộng sản chủ nghĩa. Vì vậy, bản thân Đảng là một lực lượng tiên tiến, là bộ phận tinh hoa của xã hội, là một tập thể đại diện cho văn minh và nhân danh văn minh để chống dã man, tàn bạo.
Đảng là tổ chức tập hợp những con người đạo đức, văn minh
Đội ngũ đảng viên của Đảng, kể từ khi thành lập, hầu hết xứng đáng với tiêu chuẩn người cộng sản. Hồ Chí Minh ca ngợi: “Đảng ta là một tổ chức rất tiến bộ, đã có những thành tích rất vẻ vang.Trong Đảng ta gồm có những người có tài, có đức. Phần đông những người hăng hái nhất, thông minh nhất, yêu nước nhất, kiên quyết, dũng cảm nhất đều ở trong Đảng ta. Chúng ta chắc chắn đi đến thắng lợi và thành công”(5). Nói chuyện tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng, Người ca ngợi: “Trong 15 năm đấu tranh trước Cách mạng tháng Tám và trong tám, chín năm kháng chiến, biết bao đảng viên ưu tú và quần chúng cách mạng đã vì dân, vì Đảng mà hy sinh một cách cực kỳ oanh liệt”. Người thấy cán bộ, đảng viên phần đông là tốt, có đạo đức, có năng lực, “nhiều người cúc cung tận tụy, hết sức trung thành với nhiệm vụ, với Chính phủ, với quốc dân”. Thắng lợi vẻ vang của Đảng được Hồ Chí Minh ghi nhận có công lớn bởi đảng viên của Đảng.
Chủ thể sáng tạo ra Đảng ta, cũng là chủ thể của Đảng, là hiện thân của đạo đức, văn minh. Chủ thể đó, là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng, là giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam. Sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam là quá trình Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đi từ tích hợp văn hóa Đông – Tây tạo nên bản lĩnh văn hóa vững vàng. Bản lĩnh đó như tấm màng lọc tự nhiên trong sự lựa chọn các học thuyết cứu nước. Bằng bản lĩnh văn hóa và đạo đức, Hồ Chí Minh lựa chọn con đường cứu nước theo quỹ đạo cách mạng vô sản, dẫn đến sự ra đời của Đảng Cộng sản. Hồ Chí Minh lại là người công nhân Việt Nam tiêu biểu, người tiêu biểu cho một dân tộc Việt Nam mấy ngàn năm văn hiến, dân tộc yêu chuộng và đề cao đạo lý.
Như vậy, Đảng ta là đạo đức, là văn minh là bởi vì Đảng là một tập thể bao gồm hầu hết những đảng viên hồng thắm, chuyên sâu, vững về chính trị, giỏi về chuyên môn, tài đức vẹn toàn, kết thành một tổ chức có năng lực trí tuệ cao, có trình độ văn hóa tiêu biểu của thế giới đương đại, có trình độ lý luận tiên phong đủ sức làm một đảng tiên phong dẫn đường cho quần chúng trong các giai đoạn phát triển của lịch sử.
Đảng được tổ chức và hoạt động theo các nguyên tắc tích hợp giá trị đạo đức, văn minh
Là sản phẩm văn hóa, trong mọi hoạt động Đảng luôn lấy đạo đức, văn minh là chuẩn mực. Đảng được tổ chức và hoạt động theo các nguyên tắc phù hợp với đạo đức, văn minh. Các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng là một bộ phận quan trọng trong học thuyết Mác – Lênin về Đảng Cộng sản, là sản phẩm kết tinh trí tuệ của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin trong quá trình nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, được xây dựng trên cơ sở vận dụng và phát triển những quy chuẩn đạo đức của xã hội vào tổ chức và hoạt động của một đảng chính trị. Thiếu những quy chuẩn đạo đức, xã hội sẽ rối loạn. Không có các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt, Đảng không thể ra đời, tồn tại và phát triển được. Các nguyên tắc mang tính chân lý đối với sự sống còn của Đảng và hướng đến việc tổ chức, củng cố và phát triển Đảng luôn vững mạnh để thực hiện mục tiêu, lý tưởng văn minh, đạo đức. Chấp hành các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng kiểu mới, tức là thực hiện đạo đức trong điều kiện mới, là không ngừng rèn luyện cách hoạt động và sinh hoạt văn minh.
Đảng luôn tự đổi mới, tự chỉnh đốn
Đảng luôn ý thức được rằng: điều kiện để đảm bảo cho tính tất yếu lịch sử của vai trò cầm quyền và lãnh đạo xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam là luôn luôn đổi mới và chỉnh đốn Đảng. Chỉ có luôn đổi mới và chỉnh đốn, Đảng mới theo kịp dòng chảy văn minh dân tộc và nhân loại. Thông qua đổi mới và tự chỉnh đốn, Đảng loại trừ những yếu tố lạc hậu, bổ sung nguồn lực mới, làm giàu và phát triển lên nội lực đang có.
Đảng ta là đạo đức, là văn minh vì trong bản thân Đảng và mọi hoạt động của Đảng, đạo đức văn minh luôn là giá trị mang tính bao trùm, xuyên suốt, chi phối. Trong điều kiện hiện nay, đạo đức, văn minh là chân giá trị tạo nên động lực cho Đảng trong xây dựng và chỉnh đốn. Trước những dấu hiệu đáng lo ngại về đạo đức, văn hóa, xây dựng Đảng là đạo đức, là văn minh càng có có tầm quan trọng, phải trở thành nhu cầu tự thân của mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể và người dân.
CĐ,VS (st)
bài rất ý nghĩa
Trả lờiXóa