Sau gần 3 năm tôi mới có dịp trở lại thăm bản Sê Sáp. Con đường từ trung tâm huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế sang bản Sê Sáp vẫn quanh co, khúc khuỷu như ngày nào nhưng hôm nay đã được trải đá cấp phối, đi lại thuận tiện hơn và không còn những khe nước chảy tràn qua đường, vũng lầy mỗi khi mưa lớn. Dù chỉ dài hơn 4km nhưng trước đây, mỗi lần mưa xuống là người dân, các phương tiện không thể qua lại, mọi việc giao thương, trao đổi hàng hóa bị đình trệ. Năm 2020, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhâm đã hỗ trợ ngày công xây dựng các hạng mục nặng nhọc, khó khăn nhất là đổ cầu, cống... Bây giờ, trời có mưa thì người dân vẫn đi lại bình thường.

Sê Sáp ấm tình hữu nghị Việt Nam - Lào
 Trung tá QNCN Phạm Tân Thành, nhân viên quân y Đồn Biên phòng Nhâm khám bệnh cho người dân bản Sê Sáp. 

Mải trò chuyện, chẳng mấy chốc chúng tôi đã tới bản Sê Sáp. Những ngôi nhà lợp tôn xanh dần hiện ra dưới lớp sương mờ giữa đại ngàn. Biết trước hôm nay Đồn Biên phòng Nhâm sang thăm, khám bệnh cho một số người dân, Trưởng bản Sê Sáp là ông Bua Thong và một số bà con đã ra đầu bản để đón. Sau những câu chào hỏi, những cái ôm thật chặt, Trưởng bản Bua Thong dẫn chúng tôi đến nhà chị Nang Len (32 tuổi). Mấy ngày nay chị bị đau đầu, mệt mỏi nên báo với trưởng bản liên hệ quân y Đồn Biên phòng Nhâm sang thăm khám. Vừa đến nơi, Trung tá QNCN Phạm Tân Thành, nhân viên quân y Đồn Biên phòng Nhâm nhanh chóng kiểm tra, khám sức khỏe cho chị Nang Len và hỏi cặn kẽ, chi tiết về tình hình sức khỏe; kiểm tra mạch, huyết áp, lấy thuốc, dặn dò chị cách chăm sóc sức khỏe, liều lượng thuốc mỗi bữa.

Ngoài chị Nang Len, Trung tá QNCN Phạm Tân Thành còn thăm khám, phát thuốc cho 6 người dân, chủ yếu là người già và trẻ nhỏ tại bản. Với người dân bản Sê Sáp, Trung tá QNCN Phạm Tân Thành đã trở thành người thân, chỗ dựa mỗi khi đau ốm. Trưởng bản Bua Thong chia sẻ: “Từ đây đến cơ sở y tế của xã, huyện rất xa nên mỗi khi đau ốm, tôi lại liên hệ, nhờ Đồn Biên phòng Nhâm giúp đỡ. Không kể mưa gió, đêm tối, người dân bản cần là cán bộ quân y luôn có mặt kịp thời để thăm, khám và điều trị. Những trường hợp nặng sẽ được đơn vị liên hệ, đưa sang điều trị ở Trung tâm Y tế huyện A Lưới. Không chỉ khám, chữa bệnh giúp bà con, ở đây, mọi hoạt động đời sống xã hội đều có sự tham gia, giúp đỡ của bộ đội Đồn Biên phòng Nhâm”.

Nói rồi Trưởng bản Bua Thong dẫn chúng tôi tới Trường Tiểu học bản Sê Sáp. Ông nhớ lại, ngôi trường kết hợp nhà sinh hoạt cộng đồng này trước đây chỉ là một căn phòng được dựng tạm bằng tre, nứa. Sinh hoạt của bà con, việc dạy và học gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2015, tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Sê Kông nhất trí để Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế, trực tiếp là Đồn Biên phòng Nhâm khởi công xây dựng công trình này. Bây giờ, các em học sinh đã được học trong ngôi trường kiên cố, vững chắc, mái lợp tôn với 2 phòng học. Trường có gần 45 học sinh gồm 2 lớp hỗn hợp (từ độ tuổi lớp 1 đến lớp 3 thành một lớp, từ độ tuổi lớp 4 đến lớp 5 thành một lớp). Thầy giáo Khăm Đi, giáo viên khối lớp 1 đến lớp 3 chia sẻ: “Chúng tôi cũng từ trung tâm huyện về dạy nên mỗi tháng, các em chỉ học 15 buổi. Bản Sê Sáp cách xa trung tâm huyện nên các em chỉ học đến hết bậc tiểu học. Học sinh muốn học cao nữa phải vào trung tâm huyện Kà Lừm. Tuy còn khó khăn nhưng so với trước đây, điều kiện học của các em hiện nay đã khá hơn nhiều”.

Trưởng bản Bua Thong khoe thêm với chúng tôi, bây giờ dân bản đã biết áp dụng cách trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả tốt hơn. Người dân bản bây giờ không chỉ trồng ngô, trồng kiệu mà còn trồng được 2 nương lúa nếp. Vụ này lúa được mùa nên bảo đảm được nguồn lương thực cho bà con. Mấy ngày nay, các gia đình trong bản đang tất bật xây dựng các nhà kho đựng lúa kiên cố để dự trữ, bảo quản lâu dài. Tiếp lời trưởng bản, chị Nang Tụt, người dân bản Sê Sáp cho biết thêm: “Trước đây, bản chúng tôi nằm chênh vênh giữa sườn núi dốc, lúc nào cũng quẩn quanh trong bộn bề thiếu thốn. Nhằm giúp người dân bản ổn định cuộc sống, Đồn Biên phòng Nhâm đã hỗ trợ làm nhà, trường học, tặng cây trồng, vật nuôi để tạo sinh kế, hướng dẫn bà con trồng trọt, chăn nuôi... Nhờ thế mà khó khăn dần qua đi, người dân từng bước ổn định cuộc sống”.

Chia tay bản Sê Sáp, Trưởng bản Bua Thong và bà con tặng chúng tôi những bó kiệu to, xanh mướt là đặc sản của vùng đất này. Tình cảm ấy cùng với những nụ cười rạng rỡ, cái ôm thắm thiết giúp tôi cảm nhận rõ hơn tình cảm của bà con dành cho bộ đội Đồn Biên phòng Nhâm.

Bài và ảnh: VÕ VĂN TIẾN

nguồn báo quân đội nhân dân