“Cốm Vòng, gạo tám Mễ Trì/ Tương bần, húng Láng còn gì ngon hơn”, là câu ca dao đã có từ xa xưa, mỗi khi người dân Thủ đô nói về món cốm đặc sản trứ danh Hà thành được làm ra từ làng Vòng, phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy).
Không ai còn nhớ nghề làm cốm ở làng Vòng có từ bao giờ, chỉ biết đến nay, cốm đã trở thành món ăn thanh tao, nức tiếng của Hà Nội. Cốm tươi có thể ăn ngay, hoặc ăn kèm với chuối. Theo đó, từ cốm còn có thể chế biến sang nhiều món ăn đặc sắc khác như: Bánh cốm, xôi cốm, chè cốm...
Cụ Đỗ Thị Khà (sinh năm 1939), là người lớn tuổi nhất làng Vòng hiện còn bán cốm đến ngày nay, chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân: “Ngày xưa, khi còn nghèo đói, các cụ trong làng Vòng đi cắt những bông lúa non về rang khô lên ăn. Từ đấy, để cải thiện hương vị cho dễ ăn hơn, mỗi lần cắt lúa về rang khô lại rút kinh nghiệm, lâu dần tạo ra hạt cốm ngày càng xanh, mỏng, dẻo, thơm ngon như ngày nay”.
Xưa kia, cách làm cốm thủ công của làng Vòng bắt đầu từ việc chọn đúng loại lúa nếp cái hoa vàng, trồng tại đất làng Vòng. Nếu chọn lúa quá non, hạt cốm sẽ nát, lúa già thì hạt cứng, ăn sẽ không ngon. Lúa gặt về mang tuốt lấy thóc, sàng bỏ rơm và các hạt thóc lép. Tiếp đến đãi sạch thóc rồi cho vào chảo rang. Thóc sau khi rang xong, đợi nguội mới cho vào cối vừa giã đều, vừa sảy bỏ trấu rồi giã tiếp. Tại làng Vòng, người làm cốm khi giã thường phân ra 3 loại gồm: Cốm rót, cốm non và cốm già. Sau đó lại giã riêng từng loại cốm. Sau cùng, khi đã ra cốm thành phẩm, người làng Vòng gói cốm vào hai lớp lá, lá sen hoặc lá ráy, xong xuôi thì buộc lại bằng dây lạt nếp để giữ mát cho cốm không bị khô.
Bà Đỗ Thị Minh (sinh năm 1962), đời thứ tư trong một gia đình làm cốm gia truyền tại làng Vòng, tâm sự: “Cốm quanh năm đều làm được, nhưng ăn cốm ngon nhất phải vào mùa thu khi tiết trời mát mẻ, còn trời nóng ăn sẽ khô miệng, khó ăn. Tiết thu còn có cốm hoa vàng ăn rất ngon, được làm từ khoảng tháng 8 đến tháng 10 hằng năm. Cốm phải có màu xanh của mạ già pha ánh vàng, còn cốm đã hồ qua màu xanh tươi, lại không còn vị cốm thật. Hiện nay, cốm làng Vòng có giá dao động từ 200.000 đến 250.000 đồng một cân. Tuy thu nhập từ việc làm và bán cốm không thấp nhưng người trẻ làng Vòng dù được động viên cũng rất ít người nối nghiệp gia truyền”.
Làng Vòng hiện không còn những cánh đồng thơm mùi lúa chín, lạch cạch tiếng chày giã gạo. Bởi làng đã lên phố, những con đường trải nhựa, những căn nhà bằng bê tông nối nhau, thay thế cảnh tượng mọi nhà cùng nhau làm cốm. Người làng Vòng đang theo nhịp phát triển đô thị hóa. Thanh niên phần lớn bỏ nghề gia truyền, khiến thế hệ lớn tuổi yêu nghề làm cốm nơi đây không khỏi đăm chiêu nhớ làng Vòng khi xưa.
Em Trần Ngọc Hà (sinh viên năm thứ 4, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết: “Mỗi khi em mua cốm làng Vòng, trong tay thơm mùi cốm quyện với hương hoa sữa, dường như có một Hà Nội rất lãng mạn. Mỗi khi về quê, quà em tặng mẹ thường là cốm làng Vòng. Em đã đến làng Vòng nhiều lần, chứng kiến các nhà bán cốm gia truyền ngày càng thưa dần. Vì thế, em hy vọng nghề làm cốm ở làng Vòng sẽ sớm tìm được hướng đi mới để không những được bảo tồn, mà ngày càng phát triển”.
Bài và ảnh: THÁI PHƯƠNG
nguồn báo quân đội nhân dân
nghề truyền thống đó
Trả lờiXóa