Thứ Hai, 15 tháng 4, 2024

PHÁT HUY VAI TRÒ TRÁCH NHIỆM NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU TRONG BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG

 


 

Người đứng đầu, dù đứng đầu ở tổ chức nào trong hệ thống chính trị cũng là cán bộ của Đảng, là người đại diện cho Đảng để lãnh đạo tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện chủ truơng, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, họ là đội ngũ cán bộ có vai trò quan trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

 “Người đứng đầu” bao gồm người đứng đầu cấp ủy (cơ quan Đảng), người đứng đầu chính quyền (cơ quan Nhà nước), các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến địa phương; cán bộ, sĩ quan, đứng đầu các lực lượng vũ trang, v.v.. Họ là những người được Đảng, Nhà nước, nhân dân tin tưởng, giao phó nắm giữ quyền lực ở vị trí lãnh đạo, quản lý cao nhất của tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương. Khi người đứng đầu nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình, nêu cao tinh thần chủ động và quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, nói đi đôi với làm, chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tiền phong gương mẫu thì việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng mới đi vào thực chất, hiệu quả. Hiện nay, tình trạng một số cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực; bè phái cục bộ... phai nhạt lý tưởng cách mạng; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; không làm tròn bổn phận, chức trách được giao... làm tổn hại đến bản chất, uy tín, sức chiến đấu của Đảng và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Nguy hại hơn, đây là cái cớ cho các thế lực thù địch thực hiện “diễn biến hòa bình”, xuyên tạc, kích động tư tưởng chống đối, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ chế độ, xóa bỏ con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Đảng ta xác định rõ: phát huy vai trò của người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng luôn là nhiệm vụ cấp bách quan trọng, là tất yếu khách quan để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ.

Để phát huy vai trò người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cần tập trung một số vấn đề sau:

Thứ nhất, chọn đúng người đứng đầu. Họ phải thật sự là tấm gương tiêu biểu về trình độ, năng lực chuyên môn, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống trong sáng, có trí tuệ, tầm nhìn, tư duy chiến lược, có tinh thần quyết đoán, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, có uy tín đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân. Khi đó, người đứng đầu mới đủ năng lực để quy tụ, thu hút, đoàn kết lực lượng thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh mới. Việc lựa chọn người đứng đầu phải được thực hiện nghiêm túc, đúng theo quy định của Đảng và Nhà nước về quy trình lựa chọn, đánh giá, sử dụng, quy hoạch, đào tạo, bố trí sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý, “Phải bằng mọi biện pháp dứt khoát không đưa vào cơ quan lãnh đạo những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn…, nếu “Để những người đó lọt vào cương vị lãnh đạo là tai họa cho Đảng, là tạo điều kiện cho họ càng hại nước, hại dân nhiều hơn”.

Thứ hai, nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. Việc rèn luyện bản lĩnh chính trị phải được tiến hành đồng bộ thông qua việc thường xuyên bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức, trình độ lý luận chính trị, trình độ chuyên môn, phương pháp làm việc, năng lực công tác… gắn liền với việc tự giác tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị của mỗi người. Từ đó, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền mới nâng cao nhận thức, nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, đề ra phương thức đấu tranh phù hợp chống quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. 

Thứ ba, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ chủ chốt về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là học tập, rèn luyện phong cách lãnh đạo, quản lý, chú trọng nêu gương về phẩm chất, lối sống, đạo đức cách mạng; tính khách quan, khoa học trong xử lý, giải quyết công việc.

Thứ tư, lãnh đạo, kiểm tra thực hiện nghiêm quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo 35 các cấp. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế, cán bộ người đứng đầu các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, sát thực trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên các phương diện cụ thể, xây dựng đội ngũ tham mưu, giúp việc và phát triển lực lượng 35 (chuyên gia, thư ký, cộng tác viên…)

Năm là, phát huy trách nhiệm nêu gương cán bộ đứng đầu. Nêu gương là một phương thức lãnh đạo của Đảng và là thành phần cốt yếu của văn hóa Đảng. Người đứng đầu phải là người thực hành nêu gương đầu tiên, Hồ Chí Minh lưu ý “Một đảng viên ở địa vị càng cao, thì càng phải giữ đúng kỷ luật của Đảng, càng phải làm gương dân chủ”. Và khi nêu gương tốt, họ chính là “hình mẫu” để mọi người dân tin tưởng, nghe và làm theo. Đó cũng là biện pháp tốt nhất để “bịt kín” mọi âm mưu chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, cũng là nhân tố quan trọng nhất để nhân dân củng cố niềm tin, từ đó một lòng theo Đảng, theo chế độ, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét