Dân chủ xã hội chủ nghĩa là một bước tiến lịch sử so với
chuyên chế phong kiến, chế độ quân chủ và nền dân chủ tư sản. Con đường mở rộng
dân chủ là sự phủ định biện chứng chế độ dân chủ tư sản; kế thừa và phát triển
giá trị truyền thống văn hóa dân chủ của dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại.
Những nhân tố về quản lý nhà nước trong lịch sử được đúc rút, phát huy và bổ
sung bằng các nhân tố mới, bằng thành quả đấu tranh, xây dựng nền dân chủ xã
hội chủ nghĩa của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Đó là nền dân chủ mà: “trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và cá nhân, mới bắt
đầu có một sự tiến lên mau chóng, thật sự, thực sự có tính chất quần chúng, lúc
đầu được đa số dân cư tham gia, rồi về sau được toàn thể dân cư tham gia”[1]. Mở rộng dân chủ với nhân
dân gắn liền với hoàn thiện nhà nước xã hội chủ nghĩa. Nó ngày càng được hoàn
thiện trong quá trình đất nước tiến dần lên chủ nghĩa cộng sản. Nhưng càng hoàn
thiện bao nhiêu, nó càng tự tiêu vong bấy nhiêu. Như V.I.Lênin đã chỉ ra rằng: “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới có thể đưa lại một chế độ dân
chủ thật sự hoàn bị, và nó càng hoàn bị bao nhiêu thì lại càng mau trở nên thừa
và tự tiêu vong bấy nhiêu”[2].
Thực chất của sự tiêu vong này theo V.I.Lênin, đó là tính
chính trị của dân chủ sẽ mất đi trên cơ sở không ngừng mở rộng dân chủ đối với
nhân dân, xác lập địa vị chủ thể quyền lực của nhân dân, tạo điều kiện để họ
tham gia ngày càng đông đảo và ngày càng có ý nghĩa quyết định vào sự quản lý
nhà nước, quản lý xã hội (xã hội tự
quản). Quá trình đó làm cho dân chủ trở thành một thói quen, một tập quán trong sinh hoạt xã hội... để đến lúc nó không
còn tồn tại như một thể chế nhà nước, một chế độ, tức là mất đi tính chính trị
của nó. Xã hội lúc đó, là một xã hội: “Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do
của tất cả mọi người”. Đó là quá trình phát triển lâu dài từ “vương quốc tất yếu” sang “vương quốc tự do”.
[1] V.I.Lênin toàn tập, Tập 33, “Nhà nước và cách mạng” (1918), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, tr.123.
[2] V.I.Lênin toàn tập, Tập 33, “Nhà nước và cách mạng” (1918), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, tr.110.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét