Thứ Năm, 8 tháng 8, 2024

HỘI ĐỒNG NHÂN QUYỀN LHQ THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT DO VIỆT NAM ĐỀ XUẤT

 

Việt Nam đề xuất nghị quyết ngay trong khóa họp đầu tiên trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025 và được thông qua sau đó.

Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ) hôm 3/4 đồng thuận thông qua Nghị quyết kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (UDHR) và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna (VDPA) do Việt Nam đề xuất và soạn thảo, theo TTXVN.

Đây được coi là dấu ấn nổi bật của Việt Nam ngay trong khóa họp đầu tiên đảm nhận cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025.

98 nước cũng tham gia đồng bảo trợ nghị quyết, gồm 14 nước đồng tác giả, 34 nước thành viên Hội đồng Nhân quyền cùng các nước phương Tây, các nước đang phát triển từ 5 nhóm khu vực, trong đó có hầu hết các thành viên ASEAN.

Nghị quyết được phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Geneva soạn thảo sau khi Phó thủ tướng Trần Lưu Quang trong phiên họp Hội đồng Nhân quyền hôm 27/2 đưa ra sáng kiến kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn và 30 năm Tuyên bố trên bằng một văn kiện của Hội đồng. Văn kiện này tái khẳng định và tăng cường các nỗ lực, hành động nhằm đạt được những mục tiêu, giá trị lớn cũng như cam kết chung của cộng đồng quốc tế về quyền con người cho tất cả mọi người.

Nội dung nghị quyết nhắc lại các nguyên tắc chính về quyền con người, phản ánh quan tâm rộng rãi của các nước trong kỷ niệm hai văn kiện, nâng cao vị thế, vai trò, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân quyền và các cơ chế nhân quyền LHQ.

Nghị quyết cũng đề nghị Cao ủy Nhân quyền LHQ triển khai chương trình hoạt động kỷ niệm Tuyên ngôn và Tuyên bố.

Việc Việt Nam đề xuất, soạn thảo và thương lượng nghị quyết cho thấy trách nhiệm, nỗ lực và ưu tiên của Việt Nam trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025.

UDHR được Đại hội đồng LHQ thông qua ngày 10/12/1948, trong đó khẳng định mọi người sinh ra tự do, bình đẳng, không phân biệt, khẳng định các quyền của con người như quyền sống, quyền được xét xử công bằng, không bị tra tấn, không phải làm nô lệ và các quyền khác trong các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa.

VDPA được thông qua năm 1993, nhằm khẳng định lại các giá trị của UDHR. Tuyên bố cũng xác định vai trò của LHQ trong thúc đẩy quyền con người trên thế giới và khởi động việc thành lập Cao ủy Nhân quyền LHQ.

Việt Nam hồi tháng 10/2022 là một trong 14 quốc gia được Đại hội đồng bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025. Việt Nam nhận được 145 phiếu trên tổng số 189 phiếu, chiếm gần 80%, thuộc nhóm cao nhất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét