Thứ Năm, 8 tháng 8, 2024

VIỆT NAM SẼ ĐÓNG GÓP THỰC CHẤT CHO HỘI ĐỒNG NHÂN QUYỀN

 

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhận định trúng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ "có ý nghĩa rất quan trọng" và Việt Nam sẽ đóng góp thực chất cho công việc chung của tổ chức.

"Việt Nam sẽ chung tay với cộng đồng quốc tế xây dựng một thế giới hòa bình, mọi người dân và mọi quốc gia, dân tộc đều thụ hưởng thành quả phát triển và tiến bộ xã hội, không ai bị bỏ lại phía sau", Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nói trong cuộc phỏng vấn tại Hà Nội hôm nay, sau khi Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhận định Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ "có ý nghĩa rất quan trọng trên nhiều phương diện", góp phần khẳng định chủ trương, quan điểm của Việt Nam về "đặc biệt coi trọng và phát huy hiệu quả nhân tố con người trong phát triển đất nước, gắn kết chặt chẽ tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, con người, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội".

Sự kiện này cũng khẳng định thành tựu mà Việt Nam đạt được trong thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp và pháp luật.

Việc trúng cử Hội đồng Nhân quyền không chỉ minh chứng cho nỗ lực bền bỉ của Việt Nam trong thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế về con người, mà còn khẳng định sự ủng hộ, tín nhiệm và kỳ vọng của quốc tế với các đóng góp của Việt Nam trong thúc đẩy quyền con người trên thế giới.

Đây cũng là cơ hội lớn để Việt Nam tiếp tục đóng góp vào nỗ lực chung của LHQ và cộng đồng quốc tế trong thúc đẩy và bảo vệ những giá trị phổ quát về quyền con người, cùng phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác phát triển và tiến bộ xã hội.

"Tham gia và đóng góp tích cực trong Hội đồng Nhân quyền LHQ sẽ truyền tải thông điệp mạnh mẽ về hình ảnh Việt Nam yêu chuộng hòa bình, đề cao các giá trị nhân văn và nhân đạo", Bộ trưởng nói. Ông cho rằng điều này góp phần quan trọng giúp người dân và bạn bè quốc tế hiểu hơn về chủ trương, chính sách và thành tựu quyền con người ở Việt Nam.

Đề cập đến định hướng và ưu tiên lớn trong nhiệm kỳ thành viên Hội đồng Nhân quyền 2023-2025, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá Việt Nam có nhiều lợi thế quan trọng, khi có kinh nghiệm là thành viên Hội đồng Bảo an và Hội đồng Nhân quyền trước đây, cũng như thế và lực của đất nước sau 35 năm Đổi mới.

"Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên, đóng góp thực chất vào công việc chung của Hội đồng Nhân quyền, thúc đẩy đối thoại và hợp tác quốc tế trên tinh thần tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy quyền con người, đáp ứng điều kiện, nhu cầu và lợi ích chính đáng của các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển", Bộ trưởng nói.

Ông cho biết Việt Nam cũng sẽ cùng các nước thành viên Hội đồng Nhân quyền thúc đẩy sáng kiến, giải pháp trong các lĩnh vực như quyền được sống trong hòa bình, quyền phát triển, quyền của các nhóm dễ tổn thương, bình đẳng giới, quyền tiếp cận y tế, giáo dục và việc làm, ứng phó với biến đổi khí hậu, dịch bệnh.

Trong nhiệm kỳ 2023-2025, Việt Nam sẽ thực hiện các nghĩa vụ báo cáo theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV cùng các công ước quốc tế trong lĩnh vực quyền dân sự - chính trị, chống phân biệt đối xử, quyền phụ nữ, quyền của người khuyết tật...

Trong cuộc bỏ phiếu ngày 11/10 tại trụ sở LHQ ở New York, Mỹ, Đại hội đồng LHQ chọn là 14 quốc gia làm thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025, trong đó có Việt Nam. Việt Nam nhận được 145 trên tổng số 189 phiếu, chiếm gần 80%, thuộc nhóm cao nhất, trong bối cảnh cạnh tranh giữa các ứng viên rất quyết liệt.

13 nước còn lại trở thành thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025 gồm Algeria, Bangladesh, Bỉ, Chile, Costa Rica, Gruzia, Đức, Kyrgyzstan, Maldives, Moroco, Romania, Nam Phi và Sudan.

Các thành viên LHQ tham gia ứng cử được chia thành 5 khu vực địa lý, trong đó nhóm châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có sự cạnh tranh cao nhất với 7 nước giới thiệu ứng cử từ giữa năm 2020, nhưng một nước rút ứng cử vào phút chót.

Việt Nam được các thành viên ASEAN nhất trí ủng hộ là ứng viên duy nhất của khối cho vị trí này, đồng thời cũng là ứng viên châu Á duy nhất của Cộng đồng Pháp ngữ. Đây là lần thứ hai Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ sau lần đầu vào năm 2013, nhiệm kỳ 2014-2016.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét