Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2024

Nên điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi áp dụng mức lương mới

  Việc tăng mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 được kỳ vọng là sẽ giúp nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng bày tỏ băn khoăn bởi khi lương tăng nhưng mức giảm trừ gia cảnh vẫn giữ nguyên thì thuế thu nhập cá nhân cũng sẽ tăng lên; điều này có thể sẽ làm giảm ý nghĩa của việc áp dụng mức lương mới.

Theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ, từ ngày 1/7/2024, mức lương cơ sở là 2,34 triệu đồng/tháng thay cho mức 1,8 triệu đồng/tháng như trước đây. Mức lương này được áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Quyết định này đã cho thấy quyết tâm và nỗ lực lớn của Đảng, Nhà nước trong việc tăng lương, nâng cao thu nhập cho người lao động thuộc khối hành chính công. Bởi như tính toán của Bộ Tài chính, tổng nhu cầu kinh phí điều chỉnh lương cơ sở tăng 30%, thực hiện tiền thưởng 10% quỹ lương cơ bản, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp lũy kế 3 năm 2024 - 2026 tăng thêm là 913,3 nghìn tỷ đồng. Việc tăng mức lương cơ sở đã mang đến niềm vui không nhỏ cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Song, có một thực tế là đi cùng với niềm vui được tăng lương lại là những băn khoăn của người lao động về sự “lạc hậu” của các quy định về mức giảm trừ gia cảnh hiện hành. Anh Cao Văn Tuân, ở phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội chia sẻ: “Là công chức Nhà nước, mọi chi tiêu của gia đình tôi từ tiền thuê nhà, tiền gửi con, tiền sinh hoạt,… đều trông cả vào tiền lương hàng tháng. Với mức lương mới, thu nhập của hai vợ chồng có tăng lên so với trước đây nhưng chi phí sinh hoạt lại tăng nhiều lần so với năm ngoái, trong khi số tiền thuế thu nhập cá nhân cũng tăng lên do mức giảm trừ gia cảnh giữ nguyên. Tôi mong có những điều chỉnh như nâng mức giảm trừ gia cảnh, giảm số tiền thuế thu nhập cá nhân để phù hợp với thực tế giá cả hàng hóa và việc chi tiêu của người dân hiện nay”.

Cùng chung băn khoăn nói trên, chị Nguyễn Thu Trang ở thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh bộc bạch: "Người lao động trong khu vực hành chính công mong mỏi lương tăng để có thể bù đắp phần nào những khoản chi phí sinh hoạt tăng lên nhưng nếu giữ nguyên mức giảm trừ gia cảnh thì người lao động sẽ phải sử dụng một phần không nhỏ thu nhập có thêm từ việc tăng lương để nộp thuế thu nhập cá nhân. Trong khi đó, giá cả hàng hóa có xu hướng ngày càng tăng, nên tiếp tục áp dụng mức giảm trừ gia cảnh như hiện nay sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến ý nghĩa, mục tiêu của việc tăng lương cho người lao động”.

Tìm hiểu được biết, hiện nay, mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Điều đáng nói là mức giảm trừ này được duy trì từ tháng 6/2020 đến nay. Trong khi hơn 4 năm qua, giá của hầu hết các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đều tăng; thậm chí có một số mặt hàng, dịch vụ thiết yếu còn tăng nhanh hơn tăng thu nhập. Điển hình như theo số liệu của Tổng cục Thống kê, so với năm 2020, giá dịch vụ giáo dục hiện đã tăng 17%; giá lương thực tăng 27%, đặc biệt giá xăng tăng 105%… Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc tiếp tục áp dụng mức giảm trừ gia cảnh nói trên đã không còn phù hợp với tình hình hiện nay, nhất là đối với người lao động ở các thành phố lớn.

Trong Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV vừa qua, khi trao đổi tại hội trường về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024, đại biểu Tạ Văn Hạ, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho rằng, khi lương tăng cần quan tâm đến thuế thu nhập cá nhân, mức giảm trừ gia cảnh cũng phải nghiên cứu. “Khi tăng lương 30%, mức sống tăng lên thì giảm trừ gia cảnh cũng phải tăng 30%, thậm chí là 50% thì mới hợp lý”, đại biểu Tạ Văn Hạ chia sẻ quan điểm.

Thực tế, theo quy định tại Thông tư Số 111/2013/TT-BTC về “Hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân” ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính người phụ thuộc để tính giảm trừ gia cảnh khi đóng thuế thu nhập cá nhân là con chưa thành niên; con bị tàn tật, không có khả năng lao động; Các cá nhân không có thu nhập hoặc có thu nhập không vượt quá mức quy định… Trong khi đó, ở các đô thị lớn, các gia đình có con nhỏ phải thuê người trông trẻ thì cũng phải trả không dưới 5 triệu đồng, chưa kể các khoản chi phí cho trẻ. Gia đình có con cái đi học thì chi phí học hành hiện nay chiếm phần lớn chi tiêu chung. Với gia đình có cha mẹ già là người phụ thuộc thì không chỉ là chi phí ăn uống, sinh hoạt mà còn là chi phí y tế, thuốc men. Vì vậy, một số ý kiến cho rằng mức giảm trừ gia cảnh như hiện nay chưa thực sự phản ánh đúng mức chi tiêu cơ bản của gia đình và cá nhân cũng như chưa phản ánh mức sống thực tế của người lao động. Nên chăng, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế để theo hướng tỷ lệ thuận với mức tăng của lương. Cụ thể, mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế có thể điều chỉnh từ từ 11 triệu đồng lên 14 triệu đồng; mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc có thể điều chỉnh từ 4,4 triệu đồng có thể lên 6 triệu đồng.

Việc đóng thuế thu nhập cá nhân không chỉ là một nghĩa vụ pháp lý mà còn là một cách thể hiện trách nhiệm công dân của mỗi người đối với sự phát triể của đất nước. Nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân không chỉ giúp tăng ngân sách Nhà nước mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo công bằng xã hội. Tuy nhiên, trước sự tăng giá của rất nhiều loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, thiết nghĩ cần sớm có sự điều chỉnh về mức giảm trừ gia cảnh vốn đã áp dụng từ hơn 4 năm qua. Có như vậy, việc tăng lương mới thật sự có ý nghĩa tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người lao độn

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét