Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2024

TÌM HIỂU GIÚP BẠN: MỐC SON TẠO NÊN SỨC MẠNH BẢO VỆ CHỦ QUYỀN BIỂN, ĐẢO TỔ QUỐC!

     Ngày 2 và 5/8/1964 trở thành mốc son có ý nghĩa quan trọng, đáng tự hào của quân, dân miền Bắc và trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Đây là chiến thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là chiến thắng trận đầu của quân và dân miền Bắc trong chống chiến tranh phá hoại, bảo vệ miền Bắc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tròn 60 năm trôi qua, nhưng giá trị lịch sử, cùng những bài học kinh nghiệm, những tấm gương chiến đấu dũng cảm của các anh hùng liệt sĩ vẫn luôn sống mãi với thời gian, là niềm tự hào của các thế hệ hôm nay và mai sau!

Sống lại những ký ức hào hùng
Ngày 1/8/2024 bầu trời Bãi Cháy (TP Hạ Long) như xanh và êm ả hơn sau nhiều ngày mưa lớn kéo dài. Giữa tiếng sóng và gió lộng của vùng biển Cửa Lục, gần 500 đại biểu đã không giấu nổi niềm xúc động khi được có mặt trên chiếc tàu mang số hiệu 511 (Hải đội 4, Lữ đoàn 169, vùng 1 Hải quân) dự Lễ tượng niệm các anh hùng liệt sĩ và nhân dân hy sinh trong Chiến thắng trận đầu ngày 2 và 5/8/1964.

Trong không khí linh thiêng và xúc động, nhiều đại biểu tham dự đã không kìm được nước mắt khi thắp nén hương thơm tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Ông Lê Đăng Nhự (SN 1940, quê ở xã Thiệu Giao, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hoá), nguyên Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 127, một trong những người có mặt tại vùng biển Bãi Cháy - Quảng Ninh đúng vào thời điểm máy bay địch tập kích, xúc động cho biết: Năm nay tôi 85 tuổi, nhưng ký ức của những ngày chiến đấu ác liệt và hào hùng cách đây 60 năm vẫn vẹn nguyên như ngày nào. Trận chiến đấu ngày 5/8/1964, quân Mỹ không kích nhiều mục tiêu như căn cứ Hải quân ta ở Cửa Hội (Nghệ An); khu vực Vinh, Bến Thủy, Lạch Trường (Thanh Hóa), Cửa Lục (Quảng Ninh) và Cảng Gianh (Quảng Bình). Nhưng quy mô chiến tranh và ác liệt nhất là chúng bắn phá quân cảng Của Lục (TX Hồng Gai nay là TP Hạ Long). Lúc ấy các tàu vừa chiến đấu, vừa cơ động tiến ra vịnh Hạ Long để tận dụng hình thế có núi đá che chắn, đồng thời phối hợp với lực lượng phòng không bờ biển bắn rơi 2 máy bay Mỹ, bắt sống Trung úy phi công An-vơ-rét (phi công Mỹ đầu tiên bị bắt ở miền Bắc) và cũng là sự khởi đầu bản hùng ca oanh liệt của Hải quân nhân dân Việt Nam trong lịch sử xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành. Tuy vậy, trong trận chiến ấy chúng tôi cũng đã mất đi những người đồng đội của mình. 60 năm qua đi, nhưng nỗi nhớ đồng đội của tôi chưa bao giờ nguôi ngoai. Điều quý giá nhất đối với tôi là được tự tay thắp nén nhang cho những đồng đội từng vào sinh ra tử với mình ngay trên vùng biển Cửa Lục này.

Là một trong những người trực tiếp tham gia cuộc chiến đấu, ông Phạm Hồng Thanh (SN 1939, ở xã Nghĩa Lộ, huyện Cát Hải, TP Hải Phòng) chia sẻ: Tham gia trong chiến thắng trận đầu, lúc đó tôi đảm nhiệm vai trò pháo thủ trên tàu 136 có nhiệm vụ di chuyển vào vùng biển Lạch Trường (tỉnh Thanh Hóa) để chiến đấu. Lạch Trường lúc đó là một trong 5 cửa lạch lớn đổ ra Biển Đông ở tỉnh Thanh Hóa và là nơi neo đậu tàu thuyền lý tưởng của nhân dân và hải quân, cũng như tàu vận tải mỗi khi vận chuyển hàng từ Hải Phòng vào miền Nam. Âm mưu, thủ đoạn của địch là dùng lực lượng lớn không quân bất ngờ đánh ồ ạt, uy hiếp tinh thần của quân và dân ta ngay từ đầu cuộc chiến. Mặc dù có số lượng tàu ít và nhỏ bé, chỉ có 3 tàu phóng lôi, còn nhiều hạn chế về tính năng kỹ thuật, lại trong tình huống chiến đấu hoàn toàn độc lập, không có lực lượng hỗ trợ, nhưng chúng tôi đã kiên cường tiến công tàu khu trục và đánh trả máy bay của địch.

“Đến với lễ tưởng niệm, tôi cảm thấy mình thật may mắn vì còn được chứng kiến ngày đất nước hòa bình và chúng tôi càng thêm thấu hiểu, biết ơn các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho đất nước độc lập, hạnh phúc hôm nay. Trong trận chiến đấu ngày 5/8/1964 đã có 78 cán bộ, chiến sỹ hải quân anh dũng hy sinh. Máu của các anh đã thấm đẫm, hoà quyện vào từng tấc đảo, từng sải biển thiêng liêng của Tổ quốc, tô thắm lá cờ vinh quang của Đảng, của Tổ quốc, làm sáng đẹp hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, làm rạng rỡ trang sử vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng. Đó là những tấm gương sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, hy sinh quên mình vì Tổ quốc, vì nhân dân” - ông Thanh xúc động cho biết.

Chung nỗi niềm như ông Nhự, ông Thanh, những người trực tiếp tham gia trận đánh 60 năm trước đều tuổi đã cao, chân đã yếu, nhưng đều cố gắng có mặt tại lễ tưởng niệm để thắp cho những người bạn, đồng đội đã ngã xuống một nén hương thơm.

Khơi dậy niềm tự hào cho thế hệ trẻ
Trận chiến đấu ngày 2 và 5/8/1964 đã lùi xa 60 năm, nhưng khí thế hào hùng và những bài học từ chiến công đánh thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị. Đó là chiến thắng của sức mạnh chính trị, tinh thần toàn dân tộc và ý chí quyết tâm chiến đấu, dám đánh, quyết đánh, biết đánh, đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của Hải quân nhân dân Việt Nam và quân dân miền Bắc; là biểu tượng của bản lĩnh Việt Nam kiên cường bất khuất, của dân tộc yêu tự do, độc lập, không bao giờ chịu khuất phục trước kẻ thù xâm lược; của trí tuệ, lòng yêu nước, căm thù giặc và nghệ thuật quân sự Việt Nam được kế thừa, phát triển trong thời đại Hồ Chí Minh.

Những bài học kinh nghiệm, những giá trị lịch sử, cùng những tấm gương chiến đấu dũng cảm của bộ đội Hải quân, Phòng không - Không quân và quân dân miền Bắc trong Chiến thắng trận đầu vẫn luôn sống mãi với thời gian. Đây là niềm tự hào, cũng là động lực tinh thần to lớn để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục nỗ lực, cống hiến đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong lời tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại vùng biển Cửa Lục (phường Bãi Cháy, TP Hạ Long), Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Chính ủy Hải quân đã khẳng định: Xương máu của các anh hùng liệt sĩ đổ xuống cho sự nghiệp giải phóng dân tộc đã góp phần cho biển, đảo Tổ quốc ngày càng giàu đẹp. Tinh thần “dám đánh, quyết đánh và biết đánh thắng” của Chiến thắng trận đầu đã lan tỏa, thấm sâu, trở thành điểm tựa tinh thần vô giá đối với bộ đội Hải quân và quân dân cả nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp bước công lao và sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thế hệ chúng tôi hôm nay - những cán bộ, chiến sĩ Hải quân, Phòng không - Không quân và các lực lượng vũ trang nguyện tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, của Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng, phát huy truyền thống vẻ vang của quân đội, quân chủng, truyền thống đánh thắng trận đầu, đoàn kết, hiệp đồng, không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu và sức mạnh chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, làm nòng cốt bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, biên giới, vùng trời của Tổ quốc.

Là người chỉ huy con tàu mang số hiệu 511 của Hải đội 4, Lữ đoàn 169, Vùng 1 Hải Quân - con tàu được vinh dự lựa chọn tổ chức Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và nhân dân đã anh dũng hi sinh trong Chiến thắng trận đầu, Thuyền trưởng Ngô Văn Trường cũng thể hiện quyết tâm nỗ lực phấn đấu lập thêm nhiều chiến công oanh liệt. Thuyền trưởng Ngô Văn Trường khẳng định: Kế tục truyền thống và tri ân sâu sắc tình cảm thiêng liêng đối với những đóng góp to lớn của lớp cha anh đi trước, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 169 sẽ vận dụng trong thực tiễn huấn luyện chiến đấu; làm chủ phương tiện kỹ thuật hiện đại; sẵn sàng chiến đấu để hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Với thế hệ trẻ, lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng trận đầu là sự kiện quan trọng, nhắc nhớ về công lao của cha ông trong công cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Niềm tự hào và tinh thần trách nhiệm tiếp bước thế hệ cha anh chính là động lực để thế hệ trẻ ra sức học tập, lao động, sản xuất, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh.

Nguyễn Thị Hải Yến, học sinh Trường THPT Bãi Cháy (TP Hạ Long) chia sẻ: Được tham dự lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và nhân dân đã anh dũng chiến đấu và hi sinh trong Chiến thắng trận đầu là vinh dự to lớn, tự hào đối với chúng em. Không chỉ có cơ hội được tri ân các anh hùng liệt sĩ, chúng em còn có dịp gặp gỡ các nhân chứng lịch sử, trực tiếp nghe những câu chuyện sống động của thời chiến, để từ đó càng cảm nhận sâu sắc hơn và tự hào hơn về truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc.

“Được may mắn sinh ra và lớn lên trong hòa bình, thế hệ trẻ chúng em hôm nay nguyện tiếp bước cha anh, ra sức thi đua học tập, rèn luyện trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ. Đồng thời, tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện, nhân đạo, từ thiện vì cuộc sống cộng đồng, như "Đền ơn đáp nghĩa" và các cuộc vận động, phong trào thi đua của địa phương. Qua đó, góp phần công sức nhỏ để xây dựng tỉnh Quảng Ninh ngày càng kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại; xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.” - Nguyễn Thị Hải Yến thể hiện quyết tâm./.
Yêu nước ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét