Tư tưởng đoàn kết dân tộc, tôn
giáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh được kết tinh từ sự kế thừa và phát huy truyền
thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam; đồng thời, dựa trên sự đánh giá đúng đắn
vai trò của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước trước đây
cũng như sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước dưới sự
lãnh đạo của Đảng. Trên cơ sở xác định đoàn kết tôn giáo nằm trong khối đại
đoàn kết toàn dân tộc; là yếu tố cơ bản đưa tới thắng lợi của cách mạng Việt
Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại
hơn ai hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó”. Theo Người, hoạt động đoàn
kết người có tôn giáo và người không có tôn giáo phải được chú trọng đúng mức,
thực hiện thường xuyên, lâu dài và toàn diện, bởi đây là yếu tố chiến lược,
không thể chỉ sử dụng phương thức, biện pháp mang tính nhất thời. Người chỉ rõ:
“Đoàn kết của ta không những rộng rãi mà còn lâu dài. Đoàn kết là một chính
sách dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị. Ta đoàn kết để đấu tranh
cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc; ta còn phải đoàn kết để xây dựng nước
nhà. Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phụng sự nhân dân
thì ta đoàn kết với họ”.
Bên
cạnh đó, việc tôn trọng, chấp nhận sự khác biệt về nhận thức, tư tưởng, niềm
tin cũng như tìm kiếm và phát huy điểm tương đồng, mẫu số chung vì mục tiêu, lý
tưởng tốt đẹp để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ cao cả của dân tộc luôn được Chủ
tịch Hồ Chí Minh đề cao, coi trọng. Theo đó, Người xác định, đối với người theo
tôn giáo thì đức tin tôn giáo và lòng yêu nước không hề mâu thuẫn, ngược lại,
những giá trị đó có mối quan hệ biện chứng, thôi thúc, bổ sung cho nhau. Trong
hoàn cảnh thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn
mạnh mối quan hệ giữa dân tộc với tôn giáo, cụ thể, đất nước không độc lập thì
tôn giáo không được tự do, nên chúng ta phải làm cho nước độc lập đã. Như vậy,
có thể khẳng định, chính sự hiểu biết sâu sắc cùng tâm huyết, mong muốn giải
quyết thỏa đáng mối quan hệ tôn giáo với dân tộc của Người đã tạo cơ sở, nền
tảng vững chắc để sau này các tôn giáo tồn tại trên lãnh thổ Việt Nam xác định
đường hướng hoạt động tiến bộ, gắn bó với dân tộc, như “Sống
phúc âm giữa lòng dân tộc” của Công giáo; “Đạo
pháp - dân tộc và chủ nghĩa xã hội” của Phật giáo; “Nước
vinh, đạo sáng” của đạo Cao Đài; “Sống phúc âm phụng sự Thiên Chúa, phục
sự Tổ quốc và dân tộc” của đạo Tin lành,...
Thêm
vào đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở đồng bào và chiến sỹ cả nước phải
quan tâm chăm sóc cuộc sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các tôn giáo.
Trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện xây dựng và bảo vệ đất nước, Người yêu cầu
chính quyền các địa phương thật quan tâm đến phần đời và phần
đạo của tín đồ các tôn giáo,...; trăn trở làm thế nào để “sản
xuất sẽ ngày càng phát triển, phần xác ta được ấm no thì phần hồn cũng được yên
vui”. Mặt khác, Người có sự quan tâm nhất định đến lực lượng chức sắc và đội
ngũ trí thức các tôn giáo; đánh giá cao vai trò, ảnh hưởng của họ trong đời
sống xã hội; luôn trân trọng, lắng nghe, tiếp thu ý kiến, thể hiện sự mẫu mực,
giản dị, chân thành trong quan hệ và ứng xử với chức sắc và trí thức các tôn
giáo. Năm 1945, với tư cách là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người
đã trân trọng mời các chức sắc tôn giáo tham gia chính quyền các cấp với những
chức danh phù hợp.
Bên cạnh việc coi trọng đoàn kết tôn giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thể hiện tinh thần, ý chí kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn những hoạt động lợi dụng tôn giáo hòng gây chia rẽ, mâu thuẫn trong khối đại đoàn kết dân tộc; chủ trương “bảo vệ tự do tín ngưỡng, nhưng kiên quyết trừng trị những kẻ đội lốt tôn giáo đã phản Chúa, phản nước”. Tuy nhiên, theo Người, công tác đấu tranh chống âm mưu, hành vi lợi dụng tôn giáo vì mục đích xấu không được máy móc, cứng nhắc bởi không ít người lầm đường lạc lối do hoàn cảnh xô đẩy hoặc nhẹ dạ, cả tin nên bị dụ dỗ, mua chuộc. Đặc biệt, trong việc xử lý, giải quyết, Người luôn mở đường cho những người lầm lẫn, bị mua chuộc trở về với chính nghĩa, dân tộc bằng thái độ khoan dung, bởi: “Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Rồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ”./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét