Vi phạm bản quyền tại Việt Nam trên môi trường số từ nhiều năm nay vẫn diễn ra phổ biến, gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng. Các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc nhưng dường như vấn nạn này vẫn chưa được đẩy lùi một cách hiệu quả.
Hội thảo khoa học quốc tế "Bảo vệ bản quyền
sách trên không gian mạng" đã đánh giá thực trạng đáng báo động của việc
vi phạm bản quyền trên không gian mạng hiện nay. |
Vi phạm bản quyền vẫn diễn ra
phổ biến
Tại Hội thảo khoa học quốc tế "Bảo vệ bản quyền sách trên
không gian mạng" do Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức đã khẳng định: sự phát
triển như vũ bão của Internet và sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ, đặc biệt là
các công nghệ số đã tạo điều kiện cho các tác giả, chủ sở hữu quyền, các đơn vị
xuất bản có thể truyền bá, lưu trữ tác phẩm nhanh chóng và rộng rãi hơn. Nhưng
chính sự phát triển này của công nghệ trong khi mà các yếu tố quan trọng khác
như năng lực quản lý nhà nước, năng lực quản trị của doanh nghiệp, nhà xuất bản
và ý thức bảo vệ bản quyền của người sử dụng còn hạn chế khiến tình trạng vi
phạm bản quyền tác giả trong hoạt động xuất bản ngày càng trở nên nghiêm trọng
với nhiều hình thức tinh vi, phức tạp, đe dọa nghiêm trọng sự phát triển ổn
định, bền vững của nhiều nền xuất bản, trong đó có các quốc gia ASEAN.
Theo Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, hiện nay nạn sách giả, sách lậu đã
có thể gọi là “quốc nạn”. Nó giống như một thứ vi rút, một thứ dịch bệnh liên
tục bào mòn sức khỏe văn hóa, sức khỏe tinh thần của cộng đồng. Nhìn xa hơn,
nạn sách giả, sách lậu còn làm xấu hình ảnh của đất nước, làm ảnh hưởng đến môi
trường kinh doanh nói chung và kinh doanh văn hóa của Việt Nam nói riêng. Với
một quốc gia mà nạn xâm phạm bản quyền diễn ra ngang nhiên từ năm này qua năm
khác với quy mô ngày càng lớn, các nhà đầu tư hiển nhiên sẽ dè dặt khi hợp tác.
Dẹp hay không dẹp được tệ nạn này, nó sẽ cho thấy năng lực quản lý và quyết tâm
của nhà nước trong việc làm trong sạch hóa môi trường văn hóa và kinh doanh của
đất nước.
Theo số liệu nghiên cứu năm 2022 của Media Partners Asia, Việt
Nam đứng thứ ba trong khu vực (sau Indonesia và Philippines) về tỷ lệ vi phạm
bản quyền trên không gian số. Tính theo đầu người, Việt Nam đứng thứ nhất, với
khoảng 15,5 triệu người xem bất hợp pháp, làm thất thoát khoảng 348 triệu USD.
Vi phạm quyền tác giả trên không gian số được thể hiện với nhiều hình thức khác
nhau, và ảnh hưởng đến hầu hết các nội dung văn hóa - nghệ thuật: văn học, hội
họa, âm nhạc, điện ảnh... Chưa bao giờ, vấn nạn xâm phạm quyền tác giả đối với
các nội dung trên nền tảng số gióng lên hồi chuông báo động không chỉ cho các
lực lượng chức năng mà còn là các cá nhân, tập thể liên quan như hiện nay.
Năm 2023, Thanh tra Bộ VHTTDL phối hợp với các cơ quan có liên
quan ngăn chặn, bảo đảm thuê bao/người sử dụng dịch vụ viễn thông của doanh
nghiệp trên toàn lãnh thổ Việt Nam không truy cập được vào 2.763 wesbite, 3.611
link có nội dung vi phạm; xem xét, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi xâm
phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Đồng thời, gửi hàng nghìn khuyến cáo tới
doanh nghiệp khai thác, sử dụng hình ảnh, âm thanh, video, sử dụng chương trình
phần mềm máy tính trong sản xuất, hoạt động kinh doanh thương mại, hoạt động
quảng cáo chấp hành các quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên
quan…Mặc dù hành lang pháp lý liên tục hoàn thiện, với nhiều quy định chặt chẽ
được bổ sung nhưng thực tế vẫn cho thấy nạn xâm phạm bản quyền vẫn diễn ra phổ
biến và chưa mấy thuyên giảm.
Tại Hội thảo khoa học “Quản lý hoạt động phổ biến phim trên
không gian mạng tại Việt Nam - Thực trạng và giải pháp” vừa được Cục Điện ảnh
tổ chức, các nhà quản lý, nhà phát hành, phổ biến phim… tiếp tục “kêu trời” khi
quản lý phổ biến phim trên không gian mạng vẫn vấp phải vô vàn thách thức bởi
nạn xâm phạm bản quyền.Theo đại diện BHD, tình trạng ăn cắp bản quyền phát hành
trên không gian mạng vẫn còn rất phổ biến, gây thiệt hại vô cùng lớn cho nhà
sản xuất, phát hành và phổ biến phim. Nhiều tên miền cung cấp phim miễn phí cho
người xem khi buộc phải gỡ phim lại chạy sang miền khác mà vẫn thu hút đông
khán giả thích “xem chùa”. Có những phim cơ quan quản lý nhà nước cấm thì chỉ
vài tháng sau đã xuất hiện trên mạng nhan nhản, thành ra việc cấm trở thành…
“bắt cóc bỏ đĩa”.
Hoàn
thiện hệ thống pháp luật và tăng cường các giải pháp về CNTT để bảo vệ quyền
tác giả
Trước thực trạng đáng báo động về việc vi phạm bản quyền trên
không gian mạng diễn ra từ nhiều năm nay, câu hỏi đặt ra là tại sao vấn nạn này
vẫn chưa được đẩy lùi?
Bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng nói riêng và quyền
tác giả nói chung trên không gian mạng là một thách thức lớn trong thời đại số
hóa không chỉ của riêng Việt Nam mà của chung rất nhiều quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên việc Việt Nam được liệt vào danh sách đứng đầu về tỷ lệ vi phạm bản
quyền trên không gian mạng phải chăng đã phần nào cho thấy hiệu quả thực sự của
hệ thống quy định pháp luật trong lĩnh vực này?
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của
Đảng xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ là phải “hoàn
thiện hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật về bảo hộ sở hữu trí tuệ”. Ngoài
ra, việc “tăng cường công tác bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ” cũng
được đặt ra trong nhiệm vụ chung về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới
sáng tạo, nằm trong Chiến lược của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội 10 năm
2021-2030.
Theo Cục Bản quyền tác giả, hiện tại các hành lang pháp lý của
chúng ta đã ngày càng hoàn thiện và đã quy định nhiều biện pháp để các chủ thể
quyền sở hữu trí tuệ có thể áp dụng để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình.
Ngoài việc áp dụng biện pháp công nghệ bảo vệ quyền, đưa thông tin quản lý
quyền hoặc áp dụng các biện pháp công nghệ khác nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm
quyền sở hữu trí tuệ; các chủ thể quyền có thể yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành
vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, gỡ bỏ và xóa
nội dung vi phạm trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet, xin lỗi, cải
chính công khai, bồi thường thiệt hại; yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền
xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các
quy định pháp luật khác; thậm chí, khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ
quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Tại Hội thảo khoa học “Quản lý hoạt động phổ biến phim trên
không gian mạng tại Việt Nam - Thực trạng và giải pháp” nhiều chuyên gia đều
khẳng định: Thực tế việc bùng nổ Internet đặt ra nhu cầu cấp thiết về việc ứng
dụng công nghệ vào hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng nhằm giải quyết
những thách thức, đồng thời tự tạo ra cơ hội để phát triển dịch vụ. Đối với
lĩnh vực cụ thể là bảo vệ quyền tác giả trong lĩnh vực điện ảnh trên không gian
mạng, cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp như hoàn thiện hệ thống văn bản quy
phạm pháp luật về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nói chung, quyền tác
giả tác phẩm điện ảnh nói riêng; nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ quyền, đẩy
mạnh áp dụng các biện pháp công nghệ và thông tin quản lý quyền, chủ động yêu
cầu xử lý khi có hành vi xâm phạm quyền; tăng cường công tác truyền thông,
tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan...
Để bảo vệ quyền tác giả, giá trị, công sức của việc sáng tạo giá
trị tri thức và cũng chính là bảo vệ bạn đọc, đã đến lúc chúng ta phải có những
hạnh động quyết liệt để đẩy lùi vấn nạn này. Để làm được điều chắc chắn cần có
sự chung tay phối hợp đấu tranh của tất cả các ngành, các quốc gia nhưng có lẽ
trên hết vẫn là ý thức của người dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét