Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2024

Những chỉ huấn sâu sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác cán bộ

  Với 80 năm tuổi đời, gần 57 năm tuổi Đảng, 14 năm trên cương vị Tổng Bí thư, người đứng đầu Đảng ta luôn trăn trở, tâm huyết với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đặc biệt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều chỉ huấn sâu sắc để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ có tâm, có tầm để phục vụ sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới.

Vận nước đặt tất cả vào đội ngũ cán bộ cấp chiến lược

Ngày 13/3/2024, trên cương vị Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng, phát biểu tại Phiên họp đầu tiên của Tiểu ban, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những định hướng chiến lược và sâu sắc về công tác chuẩn bị nhân sự cấp chiến lược cho Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. 

Tổng Bí thư nhấn mạnh, nói đến chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng là nói đến chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhân sự lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước. Ban Chấp hành Trung ương là cơ quan lãnh đạo cao nhất giữa hai kỳ Đại hội Đảng, là bộ tham mưu chiến đấu, hạt nhân lãnh đạo chính trị và là trung tâm đoàn kết, thống nhất cao của toàn Đảng, toàn dân tộc. Đây là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, là tinh hoa của Đảng, đòi hỏi phải thật sự vững vàng, có đủ bản lĩnh, phẩm chất, trí tuệ và có uy tín cao để giải quyết những công việc ở tầm chiến lược, xử lý kịp thời, đúng đắn, có hiệu quả những tình huống phức tạp có quan hệ đến sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, sự sống còn của chế độ.

Thực tế cho thấy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhất là vào những thời điểm quyết định hoặc có tính bước ngoặt lịch sử, vận nước đặt tất cả vào đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. (Lênin đã từng nói: "Hãy cho tôi một tổ chức những người cách mạng, tôi sẽ làm đảo lộn cả nước Nga"). Chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và một số nước Đông Âu sụp đổ là do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân rất quan trọng là lựa chọn, bố trí sai một số cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược, nhất là cấp cao nhất. Cần phải khẳng định và thấm nhuần sâu sắc vị trí, ý nghĩa của công việc cực kỳ quan trọng này không chỉ đơn thuần đối với việc tổ chức một Đại hội Đảng mà đây là công việc có ý nghĩa chiến lược gắn liền với vận mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ và sự phát triển của đất nước.

Danh dự mới là điều quan trọng nhất

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022 vào ngày 30/6/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc xây dựng tổ chức, xây dựng con người, là công tác con người, rất dễ đụng chạm đến danh dự, lợi ích, quan hệ của con người. Vì vậy, đòi hỏi mỗi chúng ta phải tự phê bình, phân tích, mổ xẻ những ưu, khuyết điểm của chính bản thân mình; phải nhận xét, đánh giá về người khác.

Tại nhiều cuộc họp khác nhau, Tổng Bí thư đều nhất quán quan điểm: "Mọi đảng viên đều phải tự gột rửa, tự sửa mình". Về công tác đánh giá cán bộ thì "Đừng nhìn gà hoá cuốc", "Đừng thấy đỏ tưởng là chín". Trong công việc, công tác, cần tránh thói cục bộ, bản vị, bè phái, kiểu "Cua cậy càng, cá cậy vây". Tổng Bí thư cũng không ít lần căn dặn lãnh đạo, cán bộ, đảng viên: "Đừng bị cám dỗ bởi những lợi ích xấu xa, những việc làm vô liêm sỉ". Điều quan trọng là đạo đức, danh dự.

"Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những việc làm ti tiện đớn hèn vô liêm sỉ; tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất", Tổng Bí thư căn dặn tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng ngày 15/9/2021.

Cán bộ phải “đúng vai, thuộc bài”

Phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; và Quy định mới về những điều đảng viên không được làm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phân tích sâu sắc và tập trung vào trả lời 3 câu hỏi: (1) Lâu nay, chúng ta đã từng bàn nhiều, làm nhiều về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; vì sao lần này Trung ương lại tiếp tục bàn và ra Nghị quyết về vấn đề này? (2) Những tinh thần mới, nội dung mới của lần này là gì? và (3) Chúng ta phải làm gì và làm như thế nào để thực hiện có kết quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 lần này, biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động?.

Nói về công tác cán bộ, Tổng Bí thư nhấn mạnh, bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; quán triệt sâu sắc vai trò của công tác cán bộ là "then chốt của then chốt", có ý nghĩa quyết định mọi thành công của cách mạng nước ta, cả trước mắt và lâu dài. Công tác cán bộ phải gắn với việc thực hiện chủ trương của Đảng về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, giữ vững vị thế cầm quyền và bảo đảm vai trò lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước; đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức cách mạng trong sáng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. “Cán bộ dù ở vị trí nào cũng phải luôn luôn có ý thức đầy đủ về trách nhiệm của mình, làm "đúng vai, thuộc bài", thật sự có chất lượng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tin yêu, quý trọng” – Tổng Bí thư lưu ý.

Miễn nhiệm, cho từ chức, thay thế những cán bộ năng lực hạn chế, uy tín thấp

Tổng Bí thư cũng yêu cầu thực hiện thí điểm một số chủ trương như: Người đứng đầu được lựa chọn, giới thiệu và phải chịu trách nhiệm về việc giới thiệu cán bộ trong quy hoạch để thực hiện quy trình bầu cử, bổ nhiệm cấp phó của mình; bí thư cấp uỷ giới thiệu để bầu uỷ viên ban thường vụ và phải chịu trách nhiệm về việc giới thiệu của mình; giao quyền cho người đứng đầu bổ nhiệm cán bộ trong quy hoạch, miễn nhiệm đối với cấp trưởng cấp dưới trực tiếp và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Tổng kết việc thí điểm thi tuyển, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ, sở, phòng...

Nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ theo hướng thật sự công tâm, khách quan, có tiêu chí rõ ràng và thông qua sản phẩm cụ thể; gắn việc đánh giá cá nhân với đánh giá tập thể, với kết quả thực tế thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị. Kịp thời miễn nhiệm, cho từ chức, thay thế những cán bộ năng lực hạn chế, uy tín thấp, mắc sai phạm; mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm. Tuyệt đối chống tư tưởng cục bộ, bè phái, "lợi ích nhóm", tiêu cực.

Xây dựng cán bộ “7 dám”

Tại Hội nghị Quân ủy Trung ương lần thứ 6, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương đã nhấn mạnh đến công tác bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ quân đội vững mạnh, đủ đức, đủ tài, có uy tín cao; cấp trên phải làm gương cho cấp dưới, chỉ huy phải mẫu mực trước toàn đơn vị; theo tinh thần “7 dám”: “Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, và dám hành động vì lợi ích chung”. Đây là nét đặc sắc trong tư duy lý luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác cán bộ, là sự đúc kết, khái quát sâu sắc về lý luận và thực tiễn, mang tính biện chứng, lôgic, dễ nhớ, dễ thuộc. Tinh thần “7 dám” không chỉ là định hướng tư duy, hành động, mà còn thể hiện tình cảm, niềm tin và yêu cầu cao của người đứng đầu Đảng, Quân ủy Trung ương đối với đội ngũ cán bộ quân đội trong thời kỳ mới. Đây là bài phát biểu quan trọng mang tầm chiến lược, định hướng căn bản để Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quân đội thực hiện tốt mọi nhiệm vụ đề ra trong những năm tới, nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Không phải hễ cứ có chức vụ là đã có uy tín

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết một năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh (ngày 19/6/2023), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Có một bộ phận cán bộ, công chức, nhân viên trực tiếp có quan hệ với dân thì cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, gây đủ thứ phiền hà, khó khăn cho dân. Một số người có chức, có quyền giữ tác phong quan cách, gia trưởng, phụ trách địa phương nào, đơn vị nào thì như một "ông vua con" ở đấy".

Theo lời của Tổng Bí thư, những “ông vua con” này chỉ lo thu vén cá nhân, xoay xở làm giàu, vô trách nhiệm với dân, vô cảm trước những khó khăn, đau khổ của quần chúng, lợi dụng chức quyền để đục khoét, vơ vét của cải của Nhà nước, của tập thể, trở thành những con sâu mọt tệ hại của xã hội.

Và vì là “ông vua con” nên các cán bộ có nhiều chức quyền mà ít tu dưỡng đạo đức này rất chuyên quyền, độc đoán. Họ chỉ đạo cấp dưới phải phục tùng vô điều kiện, bất luận việc đó có đúng pháp luật, có xâm phạm lợi ích của Nhà nước hay không. Như ông cha ta đã luận giải, đây là kiểu “cua cậy càng, cá cậy vây".

Mô tả về những “ông vua” đời mới, Tổng Bí thư đã dùng đến câu hò vè vừa dễ nhớ vừa thâm thúy trong dân gian: “Họp thì có người ghi, đi thì có người chở, ở thì có người chăm, nằm thì có người bóp...”.

Trong cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Thông thường, bất cứ người lãnh đạo nào cũng phải có một uy tín nhất định; chức vụ càng cao thì uy tín càng lớn. Bởi vì không có uy tín thì không thể lãnh đạo, thuyết phục và tập hợp người khác được.

Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng phân tích, không phải hễ cứ có chức vụ là đã có uy tín, càng không phải đã có uy tín đầy đủ. Chức vụ không đẻ ra uy tín, không quyết định uy tín. Thực tế đã chẳng có những người ở cương vị khá cao, thậm chí rất cao nhưng lại không có uy tín hoặc uy tín quá thấp đó sao? Ở nơi này nơi nọ, đã chẳng có những “thủ trưởng” nói mà quần chúng và cấp dưới không muốn nghe, thậm chí còn bị quần chúng chê trách, muốn “tẩy chay” đó sao?”.

Theo Tổng Bí thư, một người lãnh đạo chứng tỏ bằng hành động là mình thật sự có phẩm chất và tài năng thì “hữu xạ tự nhiên hương”, tự nhiên họ sẽ được quần chúng tin yêu, kính trọng và tín nhiệm.

Còn cán bộ nào khoe mẽ, chạy theo hình thức theo kiểu "trời cho cái mã bên ngoài, nó che đậy cái sơ sài bên trong" thì trước sau cũng bị lật tẩy, dù có nắm giữ chức vụ gì, tự đề cao bao nhiêu, được tán tụng như thế nào thì vẫn không thể có uy tín.

Đồng thời, theo lời Tổng Bí thư, họ “chỉ cần một phút thiếu cảnh giác với mình, buông thả mình là có thể phạm sai lầm lớn, làm mất uy tín của mình, làm hại thanh danh của Đảng. Không phải ngẫu nhiên mà ông cha ta đã đúc kết: “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”.

Đất nước không cần cán bộ “quan bảy cũng ừ, quan tư cũng gật”

Trong cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu phải nâng cao tính chiến đấu của cán bộ, đảng viên và tổ chức cơ sở đảng.

Đồng chí phê phán việc một số đảng viên thụ động, không dám đưa ra chính kiến nhằm vụ lợi theo cách nói dân gian là “quan bảy cũng ừ..”, “ngậm miệng ăn tiền”; phê bình những cán bộ thiếu gương mẫu nhưng lại chăm chăm “cầm bó đuốc đi rê chân người”.

Tổng Bí thư cho rằng không phải chỉ từng cá nhân cán bộ, đảng viên mà cả các tổ chức cũng phải nâng cao tính chiến đấu: "Chúng ta đã nói nhiều về chống tham nhũng nhưng có thấy mấy chi bộ phát hiện ra đâu. Khi bình chọn cuối năm thì hầu hết đảng viên là đủ tiêu chuẩn và chi bộ trong sạch, vững mạnh, nhưng đơn thư tố cáo thì rất nhiều và tình trạng tham nhũng có cả ở đấy.

Nói là tự phê bình và phê bình chứ vẫn ca ngợi nhau là chính, chưa nhìn thẳng vào sự thật, chưa dám nói thẳng, cũng e dè, nể nang với trăm thứ lý do, nhất là sợ bị trù dập, cho nên cứ bùng nhùng.

Chiến đấu ở đây không phải là “đấm đá” mà là đấu tranh chống lại những tiêu cực, những cản trở sự phát triển của chúng ta ngay từ trong Đảng và trong xã hội, trong mỗi con người chúng ta, đúng không bảo vệ, sai không dám đấu tranh, “quan bảy cũng ừ, quan tư cũng gật”. Trung bình chủ nghĩa không vươn lên là kém tính chiến đấu…

Đảng viên phải tiên phong, gương mẫu thì nói người khác mới nghe, chứ nói rất mạnh mà “chân mình còn lấm bê bê, lại cầm bó đuốc đi rê chân người” thì người ta không chịu".

Tổng Bí thư nhấn mạnh, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc xây dựng tổ chức, xây dựng con người, là công tác con người, rất dễ đụng chạm đến danh dự, lợi ích, quan hệ của con người, đòi hỏi mỗi chúng ta phải tự phê bình, phân tích, mổ xẻ những ưu, khuyết điểm của chính bản thân mình; phải nhận xét, đánh giá về người khác. Nếu không thật tự giác, chân thành, công tâm, khách quan thì rất dễ chủ quan, thường chỉ thấy ưu điểm, mặt mạnh của mình nhiều hơn người khác; trong khi chỉ thấy khuyết điểm, mặt yếu của người khác nhiều hơn mình. Tôi nhớ nhà văn Nga Mắc-xim Goóc-ky có nói: "Con người - hai tiếng ấy vang lên kiêu hãnh làm sao!". Nhưng con người cũng có không ít tật: "Kém một miếng không chịu được", "Miếng ăn là miếng tồi tàn, mất ăn một miếng thì lộn gan lên đầu!". Vì vậy, thường rất khó, rất phức tạp. Khó nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Đảng ta đã làm, làm nhiều, làm thường xuyên và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nếu không làm thì không có được những thành quả như ngày nay.

Theo Tổng Bí thư, điều quan trọng có ý nghĩa quyết định là: Tất cả chúng ta, từ trên xuống dưới, đều phải có quyết tâm rất lớn, có sự thống nhất rất cao, có biện pháp thực hiện quyết liệt, khả thi, chỉ đạo chặt chẽ với một phương pháp tư duy đúng đắn, tỉnh táo, bình tĩnh, không cực đoan, không để các thế lực xấu lợi dụng, xuyên tạc, kích động, phá hoại. Có những việc không thể chỉ làm một lần là xong. Ngược lại, phải làm rất kiên quyết, kiên trì, bền bỉ; làm thường xuyên, liên tục; làm đi làm lại nhiều lần như đánh răng, rửa mặt hằng ngày. Có khi giải quyết xong vấn đề này lại nảy sinh vấn đề khác, làm được việc này lại xuất hiện việc khác. Nếu không xác định như vậy thì mỗi khi thấy có sự việc tiêu cực trong Đảng sẽ dễ mất bình tĩnh, nảy sinh tư tưởng bi quan, hoài nghi, hoặc mất niềm tin, phủ nhận mọi sự cố gắng và kết quả chung./.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét