Cách đây 79 năm, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập là mốc son chói lọi trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc. Hằng năm, cứ đến ngày này, nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài lại hân hoan đón chào Tết Độc lập. Đó cũng là ngày mà nhân dân ta tưởng nhớ đến công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các vị anh hùng dân tộc, các liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc.
Thế nhưng, với những kẻ bán nước, cơ hội chính trị và các thế
lực thù địch, phản động thì Ngày Quốc khánh lại là ngày mà chúng hậm hực, vì thế
từ nhiều năm nay, cứ vào dịp Tết Độc lập, lại xuất hiện những tiếng nói lạc
lõng của chúng, đi ngược lại với tâm tư, nguyện vọng của tuyệt đại đa số quần
chúng nhân dân. Năm nay, nhân xảy ra các cuộc xung đột lớn trên thế giới, chúng
đưa ra những “bình luận” , tổ chức cái được gọi là “tọa đàm” về chiến tranh, về
hòa bình, về thời cuộc... rồi “chém gió” trên mạng xã hội rằng: “Giá như không
có ngày 2-9, Việt Nam sẽ tránh được chiến tranh, sẽ giàu như nước Pháp, nước Nhật”...
Trang của tổ chức khủng bố Việt Tân còn đưa ra “Tác phẩm thơ” với tựa đề “Nếu
không có cộng sản”, trong đó đưa ra những “nhận định” xuyên tạc lịch sử, phủ nhận
lịch sử như “Nếu không có cộng sản/Chắc chắn Việt Nam ta/Như các thuộc địa
khác/Sẽ độc lập ngon lành/Tự do và dân chủ/Mà không cần chiến tranh…”.
Có lẽ những người phát biểu lạc lõng nói trên không biết hoặc
cố tình không biết rằng, trước ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập,
đất nước ta đã trải qua 87 năm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. Nước Việt đã
không còn trên bản đồ thế giới, đã bị chia làm 3 miền, đã bị lẫn vào địa danh
“xứ Đông Dương thuộc Pháp”. Người dân một cổ hai tròng, sống đời nô lệ, đói
rách lầm than, oằn lưng, tối mặt với sưu cao, thuế nặng, lao dịch, phu phen...
Cuốn sách “Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - những chứng tích lịch
sử” được thực hiện bởi Tiểu ban Hợp tác Việt - Nhật nghiên cứu về nạn đói năm
1945 ở Việt Nam, do GS. Văn Tạo và GS. Furuta Motoo làm chủ biên đã đưa ra con
số thống kê, nạn đói năm 1945 đã cướp đi mạng sống của hơn 2 triệu người, tương
đương với khoảng 10% dân số Việt Nam lúc đó.
Những người phát biểu lạc lõng nói trên hãy xem các nước từ
thuộc địa của Pháp giành được độc lập không bằng con đường đấu tranh cách mạng
như Việt Nam mà được Pháp “trao trả”? Trong 11 nội dung ràng buộc chính của Hiệp
ước thuộc địa mà Pháp áp đặt lên châu Phi để làm điều kiện “trao trả độc lập”
cho họ, có việc “hoàn trả chi phí “xây dựng thuộc địa”. Các nước châu Phi bị buộc
phải gửi dự trữ tiền tệ Quốc gia của họ vào ngân hàng Trung ương Pháp. Pháp có
quyền là người đầu tiên được mua bất kỳ tài nguyên thiên nhiên nào được tìm thấy
trong vùng đất thuộc địa cũ của họ. Thông qua các chương trình học bổng, trợ cấp
và “Hiệp định quốc phòng” phức tạp gắn liền với Hiệp ước thuộc địa, người châu
Phi buộc phải gửi các sĩ quan quân đội của họ đến đào tạo tại Pháp hoặc các cơ
sở đào tạo bên ngoài của Pháp...
Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Pháp Macron đã phát biểu
khi ghé thăm Bờ Biển Ngà ngày 21-12-2019 rằng: “Chế độ thực dân ở châu Phi
trong quá khứ là “một sai lầm nghiêm trọng”, và là lỗi của nước Pháp”.
Giá trị đích thực của độc lập, tự do mà cuộc Cách mạng Tháng
Tám mang lại là thiêng liêng và cao quý. Bất cứ người Việt Nam yêu nước chân
chính nào cũng đều cảm nhận được điều đó. Nếu ai đó còn có tư tưởng bóp méo,
xuyên tạc, bôi nhọ những giá trị tinh thần, niềm tự hào lớn lao của dân tộc, phủ
nhận ý nghĩa thiêng liêng của hòa bình, độc lập, tự do, làm vẩn đục bầu không
khí vui tươi phấn khởi của toàn dân tộc trong Ngày Quốc khánh thì cần phải xem
lại bản thân mình. Nếu không, chắc chắn sẽ bị quần chúng nhân dân vạch mặt chỉ
tên và trở thành tội đồ với dân, với nước./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét