Thứ Ba, 27 tháng 8, 2024

PHỦ NHẬN GIÁ TRỊ VĂN NGHỆ KHÁNG CHIẾN CÁCH MẠNG LÀ CÓ TỘI VỚI LỊCH SỬ

 Những gì văn nghệ cách mạng đã làm được với đất nước, nhân dân trong cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc không hề cũ vì nó đã khơi dậy sự đồng lòng, tình yêu Tổ quốc, nhân dân; nó có mặt ở mọi nơi, mọi lúc trong cuộc chiến đấu sinh tử ấy. Nền văn nghệ cách mạng vẫn là một trong những điểm tựa cho ý thức dân tộc trong giai đoạn cách mạng mới.

Thời gian qua, có một số người phê phán, thậm chí phủ nhận quan điểm “nghệ sĩ là chiến sĩ, văn nghệ là một bộ phận của công tác tư tưởng-văn hóa Đảng”, vì họ cho rằng do xuất phát từ quan niệm này mà Đảng đã giao cho văn nghệ nhiệm vụ phản ánh những vấn đề của đời sống theo chủ trương của Đảng, chủ trương này đã làm hạn chế, thậm chí tước bỏ sự phong phú, đa dạng của đời sống văn nghệ.

Cần phải hiểu đúng bản chất của quan điểm nêu trên. Chủ trương là thế, còn chất lượng phản ánh thế nào lại phụ thuộc vào tài năng và năng lực sáng tạo của nghệ sĩ, vì trên định hướng ấy, chất lượng sáng tạo của nghệ sĩ rất khác nhau, nó phụ thuộc vào trí tuệ, tài năng, tâm huyết của cá nhân mỗi người.

Có nhà nghiên cứu văn hóa dân gian từng nói, văn học cách mạng ít vấn đề vì nó chỉ lo phản ánh những gì diễn ra trong thực tiễn; ít chiều sâu mở rộng ra các khía cạnh nằm ở tầng sâu dưới bề mặt cuộc sống nên đơn điệu. Ông đã dẫn chuyện “Bà bủ” của nhà thơ Tố Hữu chỉ là một bài thơ mô tả giản đơn một cuộc sống không có xung đột, không ẩn chứa những vấn đề mang ý nghĩa triết học, nhân sinh thì có gì để nghiên cứu?

Một vài ví dụ kể trên đều là sự phản ánh, là minh họa cho lòng yêu nước, cho phẩm chất chiến sĩ của người nghệ sĩ. Họ đi sâu vào đời sống, phát hiện ra những nét mới trong đời sống và ghi lại bằng những cảm xúc của mình cho mọi người thấy; động viên, cổ vũ cả dân tộc đứng lên chống kẻ thù chung lại không phải là giá trị sao? Có bao nhiêu nhà văn ở những nền văn học khác ở vào tình trạng tương tự đã làm được điều này?

Nói thế rất võ đoán vì không có căn cứ, chưa nhìn thấy những quy luật sáng tạo đặc thù của văn nghệ; là đồng nhất định hướng tư tưởng chính trị với những quy luật sáng tạo đặc thù. Từ thời cổ đại, chưa bao giờ văn nghệ thoát ra khỏi những ràng buộc của hệ tư tưởng, thể chế. Họ là nghệ sĩ nhưng họ cũng là công dân. Cũng chưa từng có văn nghệ sĩ lớn nào tuyên bố rằng họ viết không bị câu thúc hay ràng buộc bởi các tư tưởng nào.

Đại văn hào H.Balzac (Pháp) từng nói: “Tôi viết dưới ánh sáng của hai chân lý vĩnh cửu: Chúa và nền quân chủ chuyên chế”. Nhà thờ Thiên Chúa giáo đã lập tòa và kết tội chết Galileo chỉ vì ông dám dùng khoa học chứng minh giáo lý về trái đất và sự ra đời của con người trái với những kết luận khoa học. Những nhà văn lớn khác như L.Tolstoy, F.Dostoevsky (Nga) lại không hơn một lần bị chính quyền gây phiền phức, thậm chí bắt bỏ tù vì những quan điểm chính trị, xã hội trái với quan điểm của nhà cầm quyền. Thế mà những người thổi phồng một cách sai lầm về chuyện tự sáng tạo của nghệ sĩ lại cố tình quên đi những sự thực ấy, họ chỉ vin vào một số hạn chế của văn nghệ thời kỳ kháng chiến rồi “kết tội chính quyền, hạ thấp uy tín nhà văn” là không thỏa đáng, trái với bản chất khoa học và cũng rất thiếu nhân văn.

Định hướng về vai trò chiến sĩ của người cầm bút không nên chỉ hiểu họ như một người lính chỉ biết phục tùng mệnh lệnh. Hiểu thế là thô thiển, sai lầm. Người nghệ sĩ thời nào cũng cần đứng ở tuyến đầu trong cuộc đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác, trong sự động viên mọi người vươn tới những gì tốt đẹp nhất vì đó là sứ mệnh, thiên chức của họ. Đó là một đòi hỏi chính đáng, là một nhiệm vụ cao cả mà xã hội, bạn đọc giao cho họ và kỳ vọng ở họ. Về bản chất, văn nghệ chân chính phải thuộc loại hàng hóa cao cấp, thuộc giá trị tinh hoa mà từ xưa đến nay chỉ có giới tinh hoa mới có thể dẫn dắt xã hội. Ở thời đại nào cũng thế.

Vì vậy, có thể khẳng định rằng, văn nghệ thời kháng chiến cách mạng đã làm rất tốt nghĩa vụ là một bộ phận của cuộc cách mạng và đội ngũ văn nghệ sĩ đã hoàn thành xuất sắc trách nhiệm công dân trước đất nước. Xét từ cơ sở xã hội, tư tưởng triết học đến những vấn đề về đạo đức xã hội hay mỹ học thì văn nghệ cách mạng đã tạo ra những hệ giá trị cho thời đại. Làm được như thế là một kỳ tích của văn nghệ cách mạng. Giá trị ấy không bao giờ cũ.

Hiện nay, chúng ta đang xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong giai đoạn phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc là mục tiêu phấn đấu của cả xã hội, nhưng những đường hướng đến đích cần phải được tất cả mọi người dân đồng lòng. Thực hiện nhiệm vụ này có vai trò to lớn của văn nghệ. Trách nhiệm xã hội và về bản chất của văn nghệ điều này chưa hề cũ.

Xây dựng hệ giá trị mới là do yêu cầu của hiện tại và tương lai, nhưng cũng phải căn cứ vào truyền thống để hoạch định bước đi cho cả dân tộc. Có những giá trị chỉ có ý nghĩa trong những thời điểm cụ thể, nhưng cũng có những giá trị không thay đổi. Những gì văn nghệ cách mạng đã làm được với đất nước, với nhân dân trong cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc không hề cũ vì nó đã khơi dậy sự đồng lòng, tình yêu Tổ quốc, nhân dân; nó có mặt ở mọi nơi, mọi lúc trong cuộc chiến đấu sinh tử ấy thì không bao giờ cũ. Nền văn nghệ cách mạng vẫn là một trong những điểm tựa cho ý thức dân tộc trong giai đoạn cách mạng mới hiện nay.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét