“Nói đi đôi với làm” là một trong
những nguyên tắc căn bản của đạo đức cách mạng, là biểu hiện sinh động, cụ thể
của nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, giữa ý thức đạo đức và
hành vi đạo đức mà mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức sâu sắc và thực hành
thường xuyên, hằng ngày trong công việc và đời sống. Vì vậy, đẩy mạnh học tập
và làm theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh về “Nói đi đôi với làm” là nhiệm
vụ quan trọng và mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn phấn đấu, thực hiện. Để hiểu thấu lời dạy của Người -
Giá trị và ý nghĩa
“Nói đi đôi với làm” được diễn đạt
dưới nhiều hình thức khác nhau, mọi cách diễn đạt có thể khác nhau về mức độ,
sắc thái, cả hình thức biểu đạt bằng ngôn từ, nhưng tất cả đều có một điểm
chung, một điểm nhấn quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là sự thống
nhất, tính nhất quán về mục đích hành động, động cơ tranh
đấu, biện
pháp thực hành trong lối sống, lẽ sống ở đời và làm người của
người cách mạng. “Nói đi đôi với làm” trong tư tưởng Hồ Chí Minh là sự thống nhất,
sự gắn liền giữa nhận thức với hành động; lời nói và việc làm phải tương xứng
với nhau, phải phù hợp với nhau, không được mâu thuẫn, trái ngược. Để xảy ra
tình huống mâu thuẫn, trái ngược này là mắc vào một lỗi lớn, không chỉ là lỗi về
tư duy, mà còn là lỗi lớn hơn, nặng hơn về đạo đức; do đó, nói đi đôi với làm
là tiêu chí về đức tính trung thực. Ngược lại, nói không đi đôi với làm là bằng
chứng của sự giả dối, dối trá, trước hết là thói vô trách nhiệm và thiếu vắng
lòng tự trọng. Mệnh đề “nói đi đôi với làm”, quen thuộc, ngắn gọn, giản dị như
chân lý của đời sống, hiển nhiên ai cũng hiểu như một lẽ phải thông thường, vậy
mà trên thực tế, lại có biết bao nhiêu tình huống phức tạp vẫn xảy ra.
Suy ngẫm và trải nghiệm từ các sự
kiện, việc làm, ứng xử với người, với việc, ngay cả với
chính mình, chúng ta ngày
càng tự ý thức rằng, hóa ra nói đi đôi với làm là chỗ khó nhất ở đời, để thực
hiện được không chỉ cần sự hiểu biết, có lý trí, nghị lực và quyết tâm, mà còn
cần có tình cảm, đạo đức trong sáng, hướng thiện. Vì theo Chủ tịch Hồ Chí Minh,
trong đời thường ta gọi đó là sự tử tế, lương thiện. Nói đi đôi với làm đòi hỏi mỗi
người phải thường xuyên biết tự vấn lương tâm, biết tự trọng mình và tôn trọng
người khác, cao nhất là trọng dân, vì dân. Đạo đức có vai trò rất quan trọng và nổi bật trong đánh giá về một
con người đến mức, người mà “nói đi đôi với làm”, trong đánh giá của xã hội
là người
có đạo đức, chứ không nói đó là người có học vấn, học thức. Lẽ
dĩ nhiên, học vấn, học thức rất cần thiết để sống ở đời, để vào đời, dấn thân,
khởi nghiệp, lập nghiệp. Chính vì thế, nói đi đôi với làm, muốn thực hiện được
ở mỗi người, thì đòi hỏi người đó phải có đạo đức; đồng thời, phải thực hành
đạo đức thường xuyên, tự giác, bền bỉ và lâu dài.
Thống nhất giữa nói và làm sẽ làm
cho con người trưởng thành về đạo đức, về nhân cách, làm cho người đó có đạo
đức tốt hơn, để hoàn thiện nhân cách của mình. Đức là gốc, gốc của nhân cách,
như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh, nói đi đôi với làm không chỉ là yêu
cầu nghiêm ngặt của đạo đức, mà nó còn phải trở thành văn hóa
đạo đức, là thước đo văn hóa đạo đức, văn hóa nhân cách. Trên thực
tế, không thiếu gì trường hợp, con người ta có thể có học vấn tốt, học thức
cao, mà vẫn chưa đạt tới chuẩn mực “nói đi đôi với làm”. Những người đó, không
chỉ tách rời giữa lời nói với việc làm, mà còn tệ hơn, xấu hơn khi “nói một
đằng làm một nẻo”. Như thế, người tuy có học vấn, học thức, mà vẫn có thể giả
dối về đạo đức và cơ hội về chính trị. Trung thực và có bản lĩnh để giữ
trọn vẹn lòng trung thực, tính trung thực, biến nó thành nhu cầu trong việc
làm, trong lối sống và trong ứng xử, để “trí minh tâm sáng”; nhờ đó, nói đi đôi
với làm trở thành đặc trưng trong lối sống, lẽ sống. Con người có đạo đức biết
tự vấn lương tâm để hiểu điều phải và không phải, nên và không nên, tốt và xấu,
đúng và sai,... cũng chưa đủ; mà phải hành động theo cái đúng, cái tốt, cái đẹp
(Chân - Thiện - Mỹ - những giá trị văn hóa) và tự vượt lên chính mình, đánh bại chủ nghĩa cá
nhân, “giặc nội xâm” nguy
hiểm nhất, vô hình, ẩn nấp ở ngay trong lòng mỗi người. Đó chính là biểu hiện
của “nói đi đôi với làm”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn chúng ta rất tỉ mỉ,
sâu sắc như thế; hơn nữa, Người còn suốt đời thực hành “nói đi đôi với làm”,
nêu gương cho mọi người noi theo.
Trong tác phẩm Đường
Cách mệnh, viết từ năm 1927, Nguyễn Ái Quốc đã mở đầu tác phẩm
bằng cách nêu rõ: “Tư cách một người cách mệnh”. Một tác phẩm lý luận, viết
trên lập trường, quan điểm mác-xít, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào Việt
Nam, đặt nền móng tư tưởng lý luận, chính trị và tổ chức cho sự ra đời của Đảng
vào năm 1930, nhưng lại nhấn mạnh trước hết vào đạo đức, vào “tư cách một người
cách mệnh”; điều đó có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, thể hiện tầm nhìn vượt thời
đại và những trù tính chiến lược của Người. Cách mạng là một sự nghiệp vĩ đại,
phá cái cũ lỗi thời, lạc hậu đổi ra cái mới tiến bộ, phát triển. Người cách
mạng, đảng cách mạng, muốn thực hiện được sự nghiệp vĩ đại đó, trước
hết phải có đạo đức.
Thực tiễn và kinh nghiệm lịch sử
của các đảng cộng sản đã từng lãnh đạo và cầm quyền, chỉ vì suy thoái về đạo
đức, dẫn đến tự đánh mất vai trò lãnh đạo, địa vị cầm quyền của mình, tan rã và
sụp đổ, như điều đã xảy ra ở Liên Xô và các nước Đông Âu vào thập niên cuối
cùng của thế kỷ XX, đã xác nhận tính đúng đắn và sáng suốt của tư tưởng Hồ Chí
Minh. Người nêu lên từ rất sớm, ngay từ khi Đảng còn chưa ra đời những
điều hệ trọng, như phải “Giữ chủ nghĩa cho vững”, đồng thời “Ít lòng tham muốn
về vật chất”. Người nêu rõ trong “tư cách một người cách mệnh” ba mối quan hệ,
với 23 tiêu chí, yêu cầu cần phải thực hiện. Đó là những chuẩn mực về đạo đức
mà mỗi cá nhân phải thể hiện trong thái độ, trong ứng xử, trong việc làm và
hành vi, với tự mình, với người khác, với công việc, mà tổ chức, đoàn thể giao
cho. Trong 23 tiêu chí, yêu cầu nêu ra, Người dành tới 14 yêu cầu đối với bản
thân mỗi người, mà Người gọi là “tự mình phải”, 5 yêu cầu đối với người khác và
4 yêu cầu đối với công việc.
Trong 14 yêu cầu “tự mình phải”,
nổi bật yêu cầu nói đi đôi với làm, ”nói thì phải làm”. Đủ thấy,
theo Người, việc tự mình rèn luyện đạo đức quan trọng biết nhường nào. Tự mình
có đạo đức, thì mới có thể biểu hiện thành ý thức và tình cảm đạo đức mà đối xử
với người, với đồng chí, bạn bè, với dân chúng, đồng bào, nêu gương về tính
trung thực, khiêm tốn, vị tha, khoan dung, nhân ái. Người đòi hỏi, với mình
phải nghiêm, với người phải rộng lòng khoan thứ; phải tận tụy, trách nhiệm
trong công việc, cương trực, thẳng thắn, tôn trọng tổ chức, giữ nghiêm kỷ luật,
kỷ cương, không hiếu danh, không kiêu ngạo. Sau này, khi cách mạng đã thành
công, Đảng đã cầm quyền, Người vẫn luôn nhấn mạnh, cán bộ, đảng viên phải ra
sức tu dưỡng đạo đức, liên hệ mật thiết với dân chúng, phải dân chủ, chứ không
biến thành “quan chủ”, phải là đầy tớ trung thành, công bộc tận tụy của nhân
dân, chứ không lên mặt “quan cách mạng”, dẫn tới chỗ xa dân, quan liêu, mệnh
lệnh, hách dịch, cửa quyền. Phải sống và làm việc sao cho nhân dân tin tưởng,
nhân dân yêu mến, nếu có lỗi với nhân dân phải thật thà xin lỗi và có quyết tâm sửa lỗi. Dân vận là
việc rất quan trọng, có nhân dân giúp sức, thì việc khó mấy cũng làm được,
không có nhân dân giúp đỡ, không được nhân dân ủng hộ, thì dù có tài giỏi mấy,
cũng không làm nên việc gì. Bởi vậy, trong sáu điều dạy cán bộ, chiến sĩ công
an nhân dân tháng 3-1948, Người đặc biệt nhấn mạnh, tư cách người công an cách
mạng là: “Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính. Đối với đồng sự, phải
thân ái giúp đỡ. Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành. Đối với nhân
dân, phải kính trọng, lễ phép. Đối với công việc, phải tận tụy”. Với chiến sĩ
quân đội nhân dân “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu” phải “Trung với
Đảng, trung với Nước, hiếu với Dân”,... Những lời dạy quý báu đó của Người
không chỉ dành riêng cho công an và quân đội, mà còn chung cho tất cả cán bộ,
đảng viên, cho mỗi người cách mạng. Toát lên từ những lời dạy ấy là thước đo
đạo đức “nói đi đôi với làm”, đã “nói thì phải làm”.
Để đạt được sự thống nhất giữa nói
và làm, nói đi đôi với làm, nói thì phải làm, người cán bộ, đảng viên phải
không ngừng học tập để nâng cao hiểu biết, gắn liền học với hành, “tri để hành”,
lý luận gắn liền với thực tiễn; đồng thời, phải rèn luyện phẩm chất đạo đức
cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, suốt đời chống chủ nghĩa cá nhân, không
vụ lợi, vị kỷ, để toàn tâm, toàn ý phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Chống
chủ nghĩa cá nhân, thì phải chống những thói hư tật xấu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh
gọi là những chứng bệnh phải tẩy sạch trong tác phẩm “Sửa đổi
lối làm việc”, được Người viết năm 1947 với bút danh X.Y.Z. Ba
căn bệnh mà Người chỉ rõ là bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi và bệnh ba hoa, phải tự phê bình
và phê bình nghiêm khắc khi mắc vào những bệnh rất có hại ấy và phải quyết tâm
sửa chữa trong tư tưởng và trong hành
động, trong các mối quan hệ.
Tóm lại, để lời nói đi đôi với
việc làm, thống nhất giữa nói và làm, nói thì phải làm, mỗi cá nhân phải có
động cơ, mục đích sống đúng đắn, chân chính, có đức trung thực và khiêm tốn,
đặt lợi ích của nhân dân, của dân tộc, của Đảng, của cách mạng lên trên hết,
trước hết; có ý chí, nghị lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, có dũng khí,
bản lĩnh đứng ngoài vòng danh lợi, tuyệt đối không màng danh lợi, như Chủ tịch
Hồ Chí Minh đã thực hành và nêu gương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét