Tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của
Đảng, nhân tố bảo đảm sự thống nhất ý chí và hành động, vừa phát huy dân chủ,
quy tụ được sức mạnh, trí tuệ của tập thể, vừa bảo đảm hiệu quả lãnh đạo, sức
chiến đấu của Đảng. Trước yêu cầu tiếp tục “quán triệt và thực hiện nghiêm
nguyên tắc tập trung dân chủ” như Đại hội XIII của Đảng đề ra, việc hoàn thiện
cơ chế thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ đáp ứng yêu
cầu của tình hình mới là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết.
Sinh thời, các nhà
sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học luôn nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của
nguyên tắc tập trung dân chủ. Đó là biểu hiện của sự lãnh đạo tập thể, bảo đảm
chủ trương, đường lối của Đảng luôn được bàn bạc, thảo luận và quyết định theo
đa số; đồng thời, tập trung được kinh nghiệm và ý kiến của đội ngũ đảng viên,
hạn chế được biểu hiện chủ quan, duy ý chí. Kiên trì nguyên tắc tập trung dân
chủ giúp nâng cao tính tích cực, sáng tạo của đội ngũ đảng viên, để các quyết
định của Đảng trở thành sản phẩm trí tuệ và thể hiện ý chí thống nhất của toàn
Đảng. V.I. Lê-nin từng khẳng định: “Các đảng gia nhập Quốc tế cộng sản phải
được xây dựng theo nguyên tắc tập trung dân chủ..., đảng cộng
sản chỉ có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình nếu đảng được tổ chức một cách tập
trung nhất, nếu trong đảng có một kỷ luật sắt, gần giống như kỷ luật quân sự,
và nếu Trung ương đảng là một cơ quan có uy tín mạnh mẽ, có quyền lực rộng rãi,
được toàn thể đảng viên tin cậy”. V.I. Lê-nin nhấn mạnh, tập trung dân chủ là
nguyên tắc tổ chức đúng đắn của đảng vô sản kiểu mới, là nguyên tắc phân biệt
chính đảng cách mạng chân chính của giai cấp công nhân với các đảng phái khác.
Theo đó, “chế độ tập trung dân chủ, một mặt, thật khác xa chế độ tập trung quan
liêu chủ nghĩa, và, mặt khác, thật khác xa chủ nghĩa vô chính phủ”; “Không có
gì sai lầm bằng việc lẫn lộn chế độ tập trung dân chủ với chủ nghĩa quan liêu
và với lối rập khuôn máy móc”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh
cũng nhiều lần nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của nguyên tắc tập trung dân
chủ. Người chỉ rõ: “Đảng tổ chức theo nguyên tắc dân chủ tập trung. Nghĩa là: có Đảng chương thống nhất, kỷ luật
thống nhất, cơ quan lãnh đạo thống nhất. Cá nhân phải phục tùng đoàn thể, số ít
phải phục tùng số nhiều, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, địa phương phải phục
tùng Trung ương”; “Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền
ấy. Thế là dân chủ. Các cơ
quan chính quyền là thống nhất, tập
trung. Từ hội đồng nhân dân và ủy ban kháng chiến hành chính xã đến Quốc
hội và Chính phủ Trung ương, số ít phải phục tùng số nhiều, cấp dưới phải phục
tùng cấp trên, địa phương phải phục tùng Trung ương. Thế là vừa dân chủ vừa tập
trung”; “Từ tỉnh, huyện đến chi bộ, phải làm đúng nguyên tắc lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách.
Nội bộ phải thật đoàn kết.
Mọi việc đều bàn bạc một cách dân
chủ và tập thể”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, “thực hành dân chủ là
cái chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn”; tuy nhiên, dân chủ phải gắn
liền với tập trung, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Người nhấn
mạnh: “Tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách cần phải luôn luôn đi đôi với
nhau... Tập thể lãnh đạo là dân
chủ. Cá nhân phụ trách là tập
trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tức là dân chủ tập trung”. Nhận thức đúng và
thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ sẽ làm cho Đảng ta ngày càng vững
mạnh, thống nhất cả về tư tưởng và hành động, để “Đảng ta tuy nhiều người,
nhưng khi tiến đánh thì chỉ như một người”.
Trong quá trình lãnh
đạo sự nghiệp cách mạng 93 năm qua, Đảng ta luôn kiên trì nguyên tắc tập trung
dân chủ và coi đây là nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng, chỉ đạo toàn bộ việc
xây dựng tổ chức và hoạt động của Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo tập trung, thống
nhất, đồng thời phát huy dân chủ trong Đảng. Kiên trì thực hiện nguyên tắc tập
trung dân chủ xuất phát từ bản chất của Đảng, từ yêu cầu, nhiệm vụ lịch sử của
Đảng và từ kinh nghiệm của các đảng cộng sản và công nhân quốc tế. Đảng ta
nhiều lần khẳng định: “Sự chặt
chẽ về nguyên tắc là vấn đề sống còn của Đảng và bảo đảm quan trọng
nhất cho sức sống, sự trong sạch và vững mạnh của Đảng”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét