Đại hội XIII của
Đảng đã xác định nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường sự lãnh đạo tập
trung, thống nhất, đề cao trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong
công tác cán bộ, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ. Thời gian tới, để tiếp tục
hoàn thiện cơ chế thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ
của Đảng, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ,
giải pháp chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục
nâng cao nhận thức, quán triệt và thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ
trong công tác cán bộ. Quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo, các quy định, quy
chế của Đảng về công tác cán bộ trong tình hình mới; thực hiện nghiêm, nhất
quán nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ
và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị. Những vấn đề về đường lối,
chủ trương, chính sách, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử
dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cho thôi giữ chức, đình chỉ chức vụ, điều động,
luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật cán bộ phải do cấp ủy, tổ chức
đảng và tập thể lãnh đạo có thẩm quyền thảo luận dân chủ, quyết định theo đa
số. Trường hợp ý kiến của người đứng đầu và ý kiến của tập thể cấp ủy, tổ chức
đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị có sự khác nhau thì phải báo cáo lên cấp có thẩm
quyền xem xét, quyết định. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị
có trách nhiệm đề xuất và tổ chức thực hiện quyết định của tập thể về công tác
cán bộ trong phạm vi được phân công phụ trách. Cán bộ, đảng viên phải chấp hành
nghị quyết, quyết định của cấp ủy, tổ chức đảng; cấp ủy cấp dưới phải chấp hành
quyết định của cấp ủy cấp trên trong công tác cán bộ.
Thứ hai, tiếp tục rà
soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản của Đảng về công tác cán bộ. Xây dựng quy
định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và
quản lý cán bộ. Tiếp tục hoàn thiện quy định, quy chế về tiêu chuẩn chức danh,
tiêu chí, cơ chế đánh giá cán bộ; lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hoặc đột xuất; cụ
thể hóa cơ chế nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng; bổ sung các quy định có
liên quan, nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch trong tuyển chọn, bổ
nhiệm cán bộ, cụ thể là việc ứng viên trước khi bổ nhiệm phải trình bày chương
trình hành động và cam kết thực hiện; rà soát, hoàn thiện, đổi mới công tác bầu
cử trong Đảng, thực hiện bầu cử có số dư; mở rộng thí điểm thi tuyển cán bộ
lãnh đạo, quản lý cấp vụ, sở, phòng. Thực hiện một số chủ trương thí điểm, như
người đứng đầu lựa chọn, giới thiệu cán bộ trong quy hoạch để thực hiện quy
trình bầu cử, bổ nhiệm cấp phó của mình; bí thư cấp ủy giới thiệu để bầu ủy
viên ban thường vụ theo một quy trình nhất định, bảo đảm nguyên tắc tập trung
dân chủ và phải chịu trách nhiệm về việc giới thiệu của mình; giao quyền cho
người đứng đầu bổ nhiệm cán bộ trong quy hoạch, miễn nhiệm đối với cấp trưởng
cấp dưới trực tiếp và chịu trách nhiệm về quyết định của mình... Trên cơ sở các
quy định, quy chế của Trung ương, các cấp ủy, tổ chức đảng cần cụ thể hóa, ban
hành các quy chế, quy định về công tác cán bộ, bảo đảm tính đồng bộ, thống
nhất, phát huy dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ.
Thứ ba, thường xuyên
rà soát, hoàn thiện và thực hiện nghiêm quy chế làm việc của cấp ủy, tổ chức
đảng. Xây
dựng, hoàn thiện và thực hiện tốt quy chế làm việc của cấp ủy có ý nghĩa đặc
biệt quan trọng, nhằm thực hiện tốt vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, phát huy
tốt trách nhiệm cá nhân của cấp ủy viên, nhất là người đứng đầu và giải quyết
tốt các mối quan hệ của cấp ủy trong công tác cán bộ. Căn cứ quy định, quy chế
của Trung ương, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện
quy chế làm việc để phù hợp với tình hình thực tế; quy định rõ trách nhiệm,
quyền hạn của tập thể và cá nhân cấp ủy viên, các mối quan hệ công tác giữa cấp
ủy cơ sở với thường trực, ban thường vụ cấp ủy, các cơ quan tham mưu, giúp việc
của cấp ủy cấp trên; với thủ trưởng cơ quan, đơn vị. Tổ chức thực hiện nghiêm
quy chế làm việc sẽ góp phần tạo sự nhận thức đúng đắn, đầy đủ về các nguyên
tắc sinh hoạt đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá
nhân phụ trách trong công tác cán bộ. Gắn việc kiểm điểm tập thể, cá nhân về
vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị với công
tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ; kiểm điểm sâu sắc việc chấp hành quy chế
làm việc, rút ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện quy
chế, xem việc xây dựng và thực hiện tốt quy chế là một trong những biện pháp để
nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tăng cường đoàn kết, thống nhất của
tổ chức đảng.
Thứ tư, phát huy đầy
đủ vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, thành viên tập thể lãnh đạo và bí thư cấp
ủy trong công tác cán bộ. Để thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong công
tác cán bộ, tập thể cấp ủy, tổ chức đảng, bí thư cấp ủy, tập thể lãnh đạo các
địa phương, cơ quan, đơn vị cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đầy đủ,
nghiêm túc các nguyên tắc, quy định, quy chế, quy trình về công tác cán bộ;
thường xuyên tự kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh những sai sót và chịu trách nhiệm
về những hạn chế, khuyết điểm trong công tác cán bộ thuộc phạm vi, thẩm quyền,
trách nhiệm được giao. Thành viên tập thể lãnh đạo phải thực hiện đúng, đầy đủ
quyền hạn, trách nhiệm của mình trong công tác cán bộ; phản ánh kịp thời, đầy
đủ, chính xác, trung thực đến cấp có thẩm quyền những nội dung có liên quan đến
nhân sự mà cá nhân được phân công theo dõi, quản lý; thể hiện rõ chính kiến và
chịu trách nhiệm về ý kiến của mình, được bảo lưu ý kiến và chịu trách nhiệm cá
nhân trong việc đề xuất nhân sự và trong việc nhận xét, đánh giá, xác nhận hồ
sơ, lý lịch, các giấy tờ có liên quan của nhân sự thuộc thẩm quyền phụ trách;
chịu trách nhiệm khi để xảy ra tiêu cực, sai phạm trong công tác cán bộ ở địa
phương, cơ quan, đơn vị, lĩnh vực thuộc thẩm quyền được giao quản lý, phụ
trách. Phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của bí thư cấp ủy, người đứng đầu
trong chỉ đạo thực hiện nghiêm nguyên tắc, quy định, quy chế, quy trình về công
tác cán bộ; thực hiện công khai, minh bạch các nội dung về công tác cán bộ theo
quy định; chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ hồ sơ nhân sự và cung cấp cho các thành viên
liên quan theo quy chế làm việc của cấp ủy; kịp thời chỉ đạo thực hiện quy
trình nhân sự; dành thời gian thỏa đáng để tập thể thảo luận thật sự dân chủ;
không vận động, thao túng, áp đặt ý kiến chủ quan, tác động, gây nhiễu thông
tin, gây sức ép để người khác nhận xét, đánh giá, biểu quyết, bỏ phiếu, quyết
định nhân sự theo ý mình; kết luận đầy đủ, chính xác, trung thực, khách quan
những nội dung thảo luận; báo cáo kịp thời, đầy đủ, trung thực, khách quan,
đúng bản chất ý kiến của tập thể lãnh đạo với cấp có thẩm quyền, nhất là những
vấn đề còn có ý kiến khác nhau về công tác cán bộ.
Thứ năm, tăng cường
kiểm tra, giám sát công tác cán bộ. Cấp ủy, ủy ban kiểm tra
các cấp cần coi trọng việc xây dựng, thực hiện tốt chương trình, kế hoạch kiểm
tra, giám sát công tác cán bộ và việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ
trong công tác cán bộ. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra định kỳ,
đột xuất; theo chuyên đề, chuyên ngành; của cấp trên đối với cấp dưới; cấp dưới
giám sát cấp trên; coi trọng cả cảnh báo, phòng ngừa và xử lý sai phạm. Chú
trọng kiểm tra, giám sát các cơ quan tham mưu, giúp việc, các cơ quan cấp dưới
và cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý trong thực hiện nhiệm vụ về công tác
cán bộ. Kịp thời kiểm tra, xác minh, kết luận những vấn đề mới phát sinh trong
công tác cán bộ ở các cấp, các ngành. Hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng
về công tác cán bộ; xử lý kịp thời, nghiêm minh tập thể, cá nhân vi phạm nguyên
tắc tập trung dân chủ, kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm kỷ
luật, kỷ cương trong công tác cán bộ. Thực hiện công khai, minh bạch các tiêu
chuẩn, quy trình, thủ tục và hồ sơ nhân sự; cung cấp, trao đổi thông tin và
giải trình khi có yêu cầu. Phát huy vai trò giám sát của các cơ quan dân cử;
vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức
chính trị - xã hội và nhân dân trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ
cán bộ. Tăng cường cơ chế chất vấn, giải trình trong công tác cán bộ. Nghiên
cứu mở rộng các hình thức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với
cán bộ lãnh đạo, quản lý một cách phù hợp. Hoàn thiện cơ chế tiếp nhận và xử lý
kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của nhân dân gửi đến cấp ủy, tổ chức
đảng, người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị và qua các phương tiện thông
tin đại chúng với các hình thức phù hợp, hiệu quả./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét