Thứ Năm, 1 tháng 8, 2024

PHÁT HUY VÀ LAN TỎA GIÁ TRỊ VĂN HÓA “BỘ ĐỘI CỤ HỒ” TRONG TÌNH HÌNH MỚI


Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Đối với Quân đội, quan điểm về xây dựng nền văn hóa đó đã được kết tinh thành những giá trị cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” và không ngừng lan tỏa bằng những hành động, việc làm vì Tổ quốc, vì nhân dân của cán bộ, chiến sĩ Quân đội trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành.
Phẩm chất của “Bộ đội Cụ Hồ” cũng là đại diện tiêu biểu cho phẩm chất đạo đức của người chiến sĩ cộng sản, người quân nhân cách mạng; được Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI khái quát: “Kiên định vững vàng, động cơ trong sáng, trách nhiệm cao, hành động đẹp; đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh, thực sự cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư; có tri thức khoa học, trình độ quân sự, năng lực, phương pháp, tác phong công tác và sức khỏe tốt; dân chủ, kỷ luật tự giác, nghiêm minh; đoàn kết, tôn trọng, gắn bó máu thịt với Nhân dân, có tinh thần quốc tế trong sáng”. Đó cũng là những giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” mà dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã được phát huy, lan tỏa để hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, làm tròn chức năng đội quân công tác. Sự lan tỏa đó được biểu hiện rõ trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, toàn quân đều thực hiện tốt công tác dân vận, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia xây dựng, củng cố cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, xóa đói, giảm nghèo,... làm sâu sắc hơn mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Quân đội với nhân dân, góp phần tăng cường lòng tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Trên thực tế, các phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Quân đội chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; chương trình “Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân”, “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”, “Nâng bước em tới trường”, “Bò giống giúp người nghèo nơi biên giới”, “Con nuôi đồn biên phòng”,… đã được triển khai phù hợp thực tiễn ở từng cơ quan, đơn vị, mang lại hiệu quả cao trong công tác dân vận. Riêng từ năm 2020 đến 2022, Quân đội vừa huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, vừa tích cực, chủ động đi đầu trong phòng, chống dịch Covid-19; phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân. Đặc biệt, trong năm 2022, Quân đội đã huy động 119.503 lượt cán bộ, chiến sĩ và 5.634 lượt phương tiện tham gia cứu nạn hiệu quả 1.105 vụ, cứu được 1.107 người, 231 phương tiện; dập cháy 629 nhà và 310,43 ha rừng; di dời 32.142 hộ dân đến nơi an toàn tránh bão lũ; sửa chữa 3.559 nhà, 198 km đường giao thông; thu hoạch 23.540 ha lúa và hoa màu, v.v.
Những kết quả trên đã tiếp tục khẳng định truyền thống “Trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam. Hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” luôn có mặt kịp thời ở những nơi khó khăn gian khổ, kề vai sát cánh giúp đỡ nhân dân trong ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân, góp phần lan tỏa giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” trong đời sống xã hội; được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Quân đội luôn là lực lượng nòng cốt, xung kích đi đầu trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố môi trường; qua đó, ngày càng làm sâu sắc hơn, tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong tình hình mới,... cán bộ, chiến sĩ toàn quân đã thực sự là chỗ dựa vững chắc, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, xứng đáng là Quân đội của Nhân dân, Quân đội trong lòng dân”3.
Ở nước ta, những năm gần đây, cùng với sự xuất hiện các giá trị văn hóa mới, những hiện tượng phản văn hóa ngày một gia tăng, làm sói mòn, thậm chí phá vỡ một số chuẩn mực thiêng liêng đã được xây dựng từ ngàn đời trong văn hóa dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, mặt trái của nền kinh tế thị trường đã ảnh hưởng tiêu cực đến đạo đức, văn hóa, xã hội; làm phân hóa giàu nghèo, cạnh tranh không lành mạnh, gia tăng tội phạm, tệ nạn xã hội, v.v. Một số người đề cao các yếu tố vật chất đã hình thành, phát triển lối sống thực dụng, bỏ qua những giá trị, chuẩn mực đạo đức, nhân cách con người, văn hóa xã hội để làm giàu, kiếm tiền bằng mọi thủ đoạn, kể cả chiếm đoạt tài sản của Nhà nước. Tất cả đều thuộc về những nhận thức, hành vi phản văn hóa đã và đang tồn tại trong đời sống xã hội nước ta, đòi hỏi phải đấu tranh khắc phục, xóa bỏ trong quá trình xây dựng đời sống văn hóa mới và con người mới xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng hiện nay.
Để đấu tranh loại bỏ những hành vi phản văn hóa hiện nay, bên cạnh những biện pháp hành chính và pháp luật mang tính răn đe, cần lan tỏa những điều tốt đẹp, nhân rộng những tấm gương bình dị và trong sáng, người tốt, việc tốt trong toàn xã hội; để “mỗi người tốt, việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp” như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phát huy và không ngừng lan tỏa giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” trong đời sống xã hội chính là nhằm thực hiện phương châm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, góp phần làm trong sạch, lành mạnh môi trường văn hóa xã hội ở nước ta hiện nay. Theo đó, cần tập trung vào một số nội dung, giải pháp chủ yếu sau:
Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đó là truyền thống quyết chiến, quyết thắng, mưu trí, dũng cảm, kiên cường, bất khuất, “trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Theo đó, trong điều kiện hiện nay, các cơ quan, đơn vị cần phát huy và làm lan tỏa tinh thần kiên định với mục tiêu lý tưởng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và tìm mọi biện pháp để vượt qua; dám đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần; luôn đấu tranh với tư tưởng bàn lùi, né tránh, trông chờ, ỷ lại, không nỗ lực phấn đấu vươn lên, v.v. Giữ vững và tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó máu thịt quân - dân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chức năng “đội quân công tác” trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Trong thực hiện, lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần coi trọng việc tuyên truyền, vận động cán bộ, chiến sĩ tích cực tham gia phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng đời sống văn hóa và nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; nhất là ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, góp phần xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh. Tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” và công tác tuyên truyền đặc biệt, góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ mật thiết quân - dân, giữa nhân dân với Đảng.
Phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì các cấp và vai trò xung kích của đoàn viên, thanh niên khi tổ chức lực lượng thực hiện nhiệm vụ tuyến đầu. Cán bộ chủ trì các cấp cần có tinh thần quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức cho bộ đội tham gia phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu giúp nhân dân; tập trung cao độ tinh thần, trí tuệ để tìm ra những phương pháp, cách thức tổ chức điều hành linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả. Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải hăng hái, xung phong nhận việc khó, nơi phức tạp, vị trí tiềm ẩn nhiều nguy hiểm để làm gương, mang lại sức mạnh hiệu triệu, cổ vũ tinh thần cho bộ đội trong thực hiện chức năng “đội quân công tác”. Bên cạnh đó, cấp ủy, chỉ huy đơn vị cần có biện pháp huy động sức trẻ, sự năng động, sáng tạo, xung kích của thanh niên Quân đội. Cần xác định đây là lực lượng nòng cốt ở các vị trí, thời điểm thiết yếu để thường xuyên giáo dục, động viên, nêu cao tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng xả thân vì nhân dân của đoàn viên, thanh niên. Tăng cường huấn luyện, rèn luyện và thường xuyên định hướng, uốn nắn, chỉ bảo để đoàn viên, thanh niên hoàn thành mọi nhiệm vụ trong tham gia phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; nhất là, khi hoạt động độc lập, dưới sự quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Đổi mới tư duy và hành động trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp đối với tổ chức thực hiện Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Đặt trọng tâm Cuộc vận động vào việc giữ vững và phát huy phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” với nội dung mới phù hợp với sự phát triển của thực tiễn. Đồng thời, cũng cần hướng vào việc thu hút nhân tài, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của quá trình hiện đại hóa Quân đội trong những năm tới; nhất là, nguồn nhân lực phục vụ trực tiếp cho các lĩnh vực tiến thẳng lên hiện đại, như: tác chiến không gian mạng, tác chiến điện tử, không quân, hải quân, công nghiệp quốc phòng, thông tin liên lạc, v.v.
Tiếp tục triển khai các hoạt động xây dựng môi trường văn hóa trong Quân đội nhân dân Việt Nam, xây dựng cảnh quan, môi trường ngày càng “sáng, xanh, sạch, đẹp” và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội. Trong đó, tập trung xây dựng các mối quan hệ văn hóa ngày càng tốt đẹp, chuẩn mực, trở thành hình mẫu trong đời sống xã hội, như: quan hệ cấp trên - cấp dưới, đồng chí - đồng đội; đoàn kết gắn bó máu thịt quân - dân; đoàn kết hữu nghị, hiểu biết, tin cậy với quân đội và nhân dân các nước láng giềng của các đơn vị đóng quân ở các địa bàn biên giới, v.v. Cùng với đó, thường xuyên quan tâm đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức Quân đội ngày càng đông đảo về số lượng, tinh mạnh về chất lượng; có cơ chế mạnh mẽ động viên, khuyến khích đội ngũ này phát huy tối đa năng lực sáng tạo, lòng nhiệt huyết trong nghiên cứu làm sáng tỏ những vấn đề lý luận, thực tiễn xây dựng và phát triển văn hóa quân sự Việt Nam trong tình hình mới. Đây cũng là lực lượng nòng cốt trong sáng tác, biểu diễn, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng cao phản ánh đầy đủ đời sống của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hôm nay, góp phần làm lan tỏa những giá trị cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” trong đời sống xã hội.
Bằng những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả, cán bộ, chiến sĩ toàn quân tiếp tục phát huy và làm lan tỏa những giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” cao đẹp để góp phần đẩy lùi, dẹp bỏ những nhận thức, hành vi phi văn hóa, phản văn hóa, xây dựng xã hội mới, con người mới xã hội chủ nghĩa./.
Tạp chí Quốc phòng toàn dân
Có thể là hình ảnh về 5 người và văn bản
Tất cả cảm xúc:
2

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét