Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2024

 Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với những tư tưởng phi mác-xít để bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lê-nin

Không chỉ thấm nhuần, kiên định vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh còn kiên quyết đấu tranh với những tư tưởng phi mác-xít để bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lê-nin.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người am hiểu hơn ai hết giá trị của những quan điểm về dân tộc và thuộc địa mà V.I. Lê-nin đã đưa ra, nên khi đi theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Người cũng đi theo Quốc tế III. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thấy sự phức tạp, nguy hiểm của những tư tưởng cơ hội, xét lại, dân túy xuất hiện ở Nga những năm sau Cách mạng Tháng Mười, nên Người đã luôn nêu cao tinh thần “tiến công mạnh mẽ những kẻ chống lại Lê-nin và Quốc tế thứ ba”. Là thành viên của Quốc tế Cộng sản, Chủ tịch Hồ Chí Minh “không chỉ tranh luận trong chi bộ”, mà còn đi đến các chi bộ khác để đặt câu hỏi: “Nếu các đồng chí không lên án chủ nghĩa thực dân, nếu các đồng chí không đoàn kết với các dân tộc thuộc địa, thì các đồng chí làm thứ cách mạng gì?”(10).

Một trong những tư tưởng phi mác-xít mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đấu tranh một cách trực diện, kiên quyết chính là tư tưởng của những phần tử tờ-rốt-xkít. Với nhiều năm kinh nghiệm hoạt động quốc tế và sự nhạy bén về chính trị, ngay từ sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận rõ bản chất và mưu đồ của các phần tử tờ-rốt-xkít; bởi, bọn họ luôn có tư tưởng phá hoại phong trào cách mạng ở nhiều nước, như Liên Xô, Nhật Bản, Trung Quốc, Tây Ban Nha... và cài cắm các phần tử chống phá vào trong nội bộ tổ chức Quốc tế Cộng sản. Ngày 23-6-1939, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Về chủ nghĩa Tờ-rốt-xkít” đăng trên báo Notre Voix để vạch trần bản chất của các phần tử tờ-rốt-xkít. Người viết: “Bọn tờ-rốt-xkít không chỉ là kẻ thù của chủ nghĩa cộng sản, mà còn là kẻ thù của nền dân chủ và tiến bộ. Đó là bọn phản bội và mật thám tồi tệ nhất”(11). Người còn chỉ rõ thêm: “Trong tất cả các nước, bọn tờ-rốt-xkít đều dùng những tên gọi hoa mỹ để che giấu những công việc kẻ cướp bẩn thỉu của chúng”(12). Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đấu tranh một cách trực diện với những phần tử tờ-rốt-xkít bằng những ngôn ngữ rất gay gắt. Điều đó cho thấy tinh thần đấu tranh không khoan nhượng của người cộng sản kiên trung với những tư tưởng phi mác-xít.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đấu tranh với chủ nghĩa Tờ-rốt-xkít trên thế giới,  mà còn kiên quyết đấu tranh với những tư tưởng tờ-rốt-xkít ở Việt Nam. Trong giai đoạn 1936 - 1939, trước tình trạng những phần tử tờ-rốt-xkít công khai phá hoại đường lối của Đảng Cộng sản Đông Dương, lôi kéo, lừa bịp nhân dân bằng những lời lẽ hoa mỹ; từ nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc đề nghị các đồng chí trong Đảng cảnh giác đối với những phần tử này: “Đối với bọn tờrốtxkít, không thể có thoả hiệp nào, một nhượng bộ nào. Phải dùng mọi cách để lột mặt nạ chúng làm tay sai cho chủ nghĩa phát xít, phải tiêu diệt chúng về chính trị”(13). Như vậy, nhóm tờ-rốt-xkít không chỉ phá hoại nền hòa bình, dân chủ trên thế giới, mà còn là tay sai cho chủ nghĩa phát xít. Điều này đi ngược lại với lý tưởng của chủ nghĩa cộng sản mà chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã gây dựng, nên Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên quyết cho rằng không thể có một sự “thỏa hiệp” hay “nhượng bộ” nào!

Ngoài ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn cảnh giác và đấu tranh không khoan nhượng với khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa để bảo vệ thành quả cách mạng cũng như bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Tại Hội nghị đại biểu các Đảng Cộng sản và công nhân các nước xã hội chủ nghĩa (tháng 11-1957), Người nhắc lại tinh thần của Bản Tuyên bố của Hội nghị: “Chúng ta cần phải tăng cường giáo dục theo tinh thần chủ nghĩa Mác - Lênin và đấu tranh chống những khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa như chủ nghĩa dân tộc tư sản, chủ nghĩa sôvanh, chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa xét lại, đặc biệt là chủ nghĩa xét lại”(14). Đây chính là lời cảnh tỉnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với những người cộng sản, nhằm giữ vững lập trường của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và nêu cao tinh thần cảnh giác trước sự chống phá của những khuynh hướng tư tưởng phi mác-xít lúc bấy giờ.

Sau này, khi nói về nguyên nhân thắng lợi của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đảng ta luôn luôn đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản, tuyệt đối trung thành với lợi ích của giai cấp và của nhân dân, biết vận dụng lý luận Mác - Lênin vào tình hình thực tế của nước ta và đề ra đường lối, chính sách đúng đắn. Đảng ta không ngừng đấu tranh chống những khuynh hướng cải lương của giai cấp tư sản và những khuynh hướng manh động của tầng lớp tiểu tư sản trong phong trào dân tộc; chống luận điệu “tả” của bọn tơrốtxkít trong phong trào công nhân; chống những khuynh hướng hữu và “tả” trong Đảng khi quy định và chấp hành chiến lược và sách lược cách mạng của Đảng ở mỗi thời kỳ”(15). Có thể thấy rõ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra hai yếu tố cơ bản mang lại những thắng lợi của cách mạng Việt Nam: Đó là luôn vững vàng với lập trường giai cấp vô sản, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào thực tiễn cách mạng; đồng thời, đấu tranh không khoan nhượng với những khuynh hướng tư tưởng phi mác-xít, như khuynh hướng cải lương của giai cấp tư sản, khuynh hướng manh động của tầng lớp tiểu tư sản và các khuynh hướng cơ hội, xét lại khác... Đây là nhận định vừa mang tính lý luận, vừa mang tính tổng kết thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn lãnh đạo cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giúp sự nghiệp cách mạng nước ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức để đạt được những thành quả to lớn ở thế kỷ XX.

Có thể khẳng định, việc kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin cũng như kiên quyết đấu tranh chống những khuynh hướng tư tưởng phi mác-xít không chỉ nằm trong quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh, mà còn được Người thực hành một cách nghiêm túc, thường xuyên trong thực tiễn lãnh đạo cách mạng. Do đó, ở Người, lý luận và thực tiễn, “tri” và “hành” có sự thống nhất với nhau rất đặc sắc.

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Tạp chí Cộng sản, Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức họp báo phát động “Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ tư, năm 2024” _Nguồn: dangcongsan.vn

Hiện nay, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đây được coi là nhiệm vụ cơ bản, xuyên suốt, sống còn, liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ ta. Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đồng thời kiên quyết đấu tranh với những tư tưởng phản mác-xít có ý nghĩa phương pháp luận rất quan trọng đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân ta trong thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Bộ Chính trị khóa XII, về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Điều đó nhắc nhở mỗi chúng ta phải thực hiện tốt cả hai nhiệm vụ: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng để tiếp tục tuyên truyền, lan tỏa những nội dung, giá trị của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phản bác hiệu quả các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị ở trong nước và nước ngoài. “Bảo vệ” và “đấu tranh” có mối quan hệ biện chứng với nhau, có sự tác động qua lại nhau; bởi lẽ, muốn bảo vệ tốt phải đấu tranh hiệu quả và ngược lại, đấu tranh hiệu quả góp phần bảo vệ tốt hơn, vững chắc hơn.

Trong những năm qua, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường với sự leo thang của các cuộc xung đột vũ trang, quân sự trên quy mô lớn. Ở trong nước, bên cạnh những thành tựu to lớn, tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội còn chậm, chưa vững chắc; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ còn nhiều diễn biến phức tạp... Điều này đòi hỏi chúng ta tiếp tục kiên định, vững vàng trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng bổ sung, phát triển sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam; đồng thời, thường xuyên đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Điều này cũng phù hợp với phương châm kết hợp hài hòa giữa “xây” và “chống” mà Đảng ta đã xác định rõ trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng giai đoạn hiện nay.

Là người cộng sản kiên trung, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quán triệt rất sâu sắc di huấn của V.I. Lê-nin: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống”(16). Sự kiên định, vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin và sự kiên quyết, kiên trì đấu tranh với những tư tưởng phản mác-xít của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ cho chúng ta một phương pháp luận quan trọng, mà còn tiếp tục cổ vũ, động viên, khích lệ chúng ta trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong giai đoạn hiện nay./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét