Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2024

 Nội dung cơ bản của quan điểm “nhân dân là trung tâm” và phương thức bảo đảm “nhân dân là trung tâm”

Thứ nhất, nội dung cơ bản của quan điểm “nhân dân là trung tâm”

Trong tiến trình cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò là chủ của quần chúng nhân dân trong lịch sử phát triển xã hội. Nhân dân là lực lượng cơ bản sáng tạo ra của cải vật chất và đời sống tinh thần của xã hội, là chủ thể của mọi phong trào đấu tranh cách mạng; là lực lượng cơ bản, quyết định mọi thành bại của cách mạng. Theo Hồ Chí Minh, “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân”; “Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân”(1); “Gốc có vững cây mới bền,/ Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”(2).

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và phát triển là một tất yếu lịch sử. Đảng cũng được lịch sử giao phó là người dẫn dắt, lãnh đạo nhân dân làm cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH, nhưng tất cả sức mạnh của Đảng đều có nguồn gốc từ nhân dân. Trong mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân thì Đảng là “người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”(3). Nhân dân chỉ có thể phát huy đầy đủ mọi tiềm năng, sức mạnh khi được “một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”(4) lãnh đạo, dẫn đường chỉ lối.

Quan điểm của Đảng về “nhân dân là trung tâm” trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN là tư tưởng chủ đạo, xuyên suốt. Để thực hiện quan điểm đó, Đảng “phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”… Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu… củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”(5).

Từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam không có mục đích nào khác ngoài mục đích vì nhân dân phục vụ, phấn đấu cho nhân dân có cuộc sống no ấm, tự do, hạnh phúc. Vì thế, trong “mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích; mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân”(6). Khi mọi đường lối, chính sách lấy nhân dân là trung tâm sẽ tạo thành một lực lượng lớn mạnh, tự giác bảo vệ chế độ, bảo vệ Nhà nước XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân(7).

Quan điểm “nhân dân là trung tâm” của Đảng là một nội dung quan trọng trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với các chính đảng trên thế giới năm 2021. Trong đó, Tổng Bí thư chỉ rõ: “việc xây dựng và thực hiện chủ trương, đường lối, cương lĩnh cần xuất phát từ nhận thức “lấy dân làm gốc”, lấy người dân là trung tâm, coi hạnh phúc của nhân dân là mục tiêu cao nhất, từ đó thúc đẩy Nhà nước xây dựng, triển khai thực hiện luật pháp, chính sách phù hợp, hiệu quả và cụ thể nhằm bảo đảm phát triển theo hướng đó”(8). Như vậy, quan điểm “nhân dân là trung tâm” là sự phát triển lý luận và là bài học kinh nghiệm quý báu từ thực tiễn lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam, được Đảng ta nhận thức và đúc rút.

Thứ hai, về phương thức bảo đảm “nhân dân là trung tâm” được thực hiện trong thực tiễn

Để quan điểm “nhân dân là trung tâm” đi vào thực tiễn cuộc sống, cần có những phương thức thực hiện, trước hết, cần tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị “phân định rõ chức năng và giải quyết tốt mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước và các đoàn thể nhân dân”(9). Trong hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay, Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội; Nhà nước quản lý toàn bộ hoạt động của đời sống xã hội; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động, giám sát, phản biện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị và bộ máy từng tổ chức nhằm bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân.

Tại Đại hội VIII, Đảng ta khái quát một số nội dung quan trọng thể hiện quan điểm về “nhân dân là trung tâm” trong các lĩnh vực kinh tế - chính trị và văn hóa - xã hội. Đồng thời, Đảng đưa ra phương thức cơ bản để thực hiện quan điểm này là làm tốt phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, đó là nền nếp hằng ngày của xã hội mới, thể hiện chế độ nhân dân lao động tự quản lý nhà nước của mình”(10), chủ động thực hiện các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội, Đảng ban hành chỉ thị, yêu cầu các cấp quán triệt quan điểm “Mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân là mục tiêu, đồng thời là động lực bảo đảm cho thắng lợi của cách mạng, của công cuộc đổi mới(11) và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Tổng kết 35 năm đổi mới, Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra quan điểm về “nhân dân là trung tâm” trong thời kỳ đổi mới; đồng thời, bổ sung và hoàn thiện phương châm thực hành dân chủ: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng(12). Tiếp tục thể chế hóa quan điểm của Đảng về “nhân dân là trung tâm”, ngày 10-11-2022, Quốc hội đã ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Với việc ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hành dân chủ

Thực hiện dân chủ hóa các lĩnh vực, lấy dân là gốc, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu to lớn. Từ một quốc gia nghèo trở thành nước có thu nhập trung bình, quy mô GDP của Việt Nam không ngừng được tăng lên, “năm 2023, tổng quy mô GDP đạt 430 tỷ đô la Mỹ (USD), mức độ tăng trưởng 5,05%, cao gấp 1,5 lần so với mức tăng trưởng 2,9% GDP của kinh tế toàn cầu. Nhờ có mức độ tăng trưởng kinh tế nhanh và ổn định mà quốc phòng, an ninh, đối ngoại của Việt Nam được củng cố và tăng cường (Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay, nước ta đã có quan hệ ngoại giao với 193/193 nước thành viên của Liên hợp quốc; có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 7 nước, 11 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện….); trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; an sinh xã hội được bảo đảm tốt; đời sống nhân dân được cải thiện và ngày càng nâng cao (GDP bình quân đầu người đạt 4.284 USD, bước vào ngưỡng thu nhập trung bình cao)”(13).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét