Thứ Năm, 5 tháng 9, 2024

GIÁ TRỊ CỦA “TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP” NGÀY 2 -9 LÀ KHÔNG THỂ XUYÊN TẠC

 Vừa qua trên trang “Vietnamthoibao”, Lê Bá Vận có giật tít: “Tuyên Ngôn Độc Lập 2/9 Danh Chính Ngôn Thuận Sự Thành?” đã cố tình đưa ra nhiều luận điệu sai trái, bóp méo, xuyên tạc giá trị của bản Tuyên ngôn độc lập, cho rằng: “Bản Tuyên Ngôn Độc Lập lời lẽ hằn học, lập luận ngoa ngôn hồ đồ, từ ngữ không chính xác. Không xứng đáng là một bản tuyên ngôn nghiêm túc”. Cần khẳng định ngay: đó là những luận điệu sai trái, bóp méo sự thật lịch sử của Lê Bá Vận, bởi lẽ:

Thứ nhất, “Tuyên ngôn độc lập” là áng văn chính luận đầy mẫu mực

Với hơn 1.000 chữ, bản Tuyên ngôn có ba phần theo bố cục chặt chẽ của văn chính luận: Cơ sở pháp lý – cơ sở thực tế – khẳng định. Phần đầu bản Tuyên ngôn nêu lên những chân lý về nhân quyền và dân quyền với trích dẫn lời hai bản Tuyên ngôn nổi tiếng thế giới “Tuyên ngôn độc lập” của Mỹ và “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền” của Pháp. Lời lẽ của hai bản tuyên ngôn trên tự thân đã nêu lên những chân lý không ai có thể phủ nhận tính đúng đắn của chúng. Từ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách đầy sáng tạo: “Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: Tất cả dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Phần kế tiếp, trong một đoạn ngắn hai mươi mốt câu với sự liệt kê ngắn gọn và đầy đủ những tội ác mà thực dân Pháp đã gây ra trên đất nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho cả thế giới biết chiêu bài “khai hóa, bảo hộ” với những việc làm độc ác của thực dân Pháp. Và trước những hành động tàn nhẫn của thực dân Pháp chúng ta buộc phải “rũ bùn đứng dậy”, làm cuộc cách mạng giải phóng chính mình… Kết thúc phần cơ sở thực tiễn, Tuyên ngôn đã nhấn mạnh: “Sự thật là từ mùa Thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật…” và “Sự thật là dân ta lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật..”. Sau khi đã làm rõ cơ sở pháp lý và nêu ra cơ sở thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng những lời lẽ đanh thép để tuyên bố nền độc lập của dân tộc, đồng thời khẳng định “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy”.

Thứ hai, “Tuyên ngôn độc lập” là một áng hùng văn lập quốc vĩ đại của dân tộc Việt Nam

Với lập luận chặt chẽ, sắc bén, lời lẽ đanh thép, đầy sức thuyết phục của một áng văn chính luận mẫu mực,Tuyên ngôn Độc lập có thể sánh với những áng hùng văn của các bậc tiền nhân như bài thơ Thần “Nam Quốc Sơn Hà” của Lý Thường Kiệt, “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn hay “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi. “Tuyên ngôn độc lập” là sự kết tinh khát vọng độc lập mấy nghìn năm của dân tộc và cũng tỏ rõ ý chí, quyết tâm giữ vững quyền tự do, độc lập, xứng đáng được xếp vào hàng “thiên cổ hùng văn” của dân tộc ta. Bên cạnh sứ mệnh khai sinh, đưa dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, bản “Tuyên ngôn độc lập” là bản Tuyên ngôn về nhân quyền, về cuộc đấu tranh vì quyền bình đẳng thiêng liêng giữa các dân tộc và mỗi con người của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thực hiện lời thề độc lập, dân tộc Việt Nam do Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã anh dũng chiến đấu suốt 30 năm chống sự xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Trong lịch sử, dân tộc Việt Nam phải chống lại nhiều thế lực xâm lược hùng mạnh và tàn bạo để bảo vệ quyền độc lập thiêng liêng. Hơn ai hết, người Việt Nam hiểu rõ giá trị của hòa bình, độc lập, tự do. Dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình, trọng sự hòa hiếu, luôn luôn mong muốn là bạn với tất cả các nước trên thế giới, nhưng quyết tâm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc với lời thề bất hủ: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Như vậy, “Tuyên ngôn độc lập” được Bác Hồ tuyên đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 02/9/1945 là tuyên ngôn lập quốc của dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, thể hiện sâu sắc ý chí, khát vọng của nhân dân ta về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Chỉ có những kẻ vẫn đang tự giam mình trong bóng đêm thù hận, theo đuổi mưu đồ chính trị lỗi thời, đi ngược với lợi ích, truyền thống văn hóa, nhân văn của dân tộc như Lê Bá Vận mới đưa ra nhiều luận điệu sai trái, cố tình bóp méo, xuyên tạc giá trị của bản “Tuyên ngôn độc lập”. Những luận điệu sai trái, xuyên tạc sự thật đó của y và đồng bọn cần phải bị lên án và đấu tranh bác bỏ./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét