Thứ Năm, 3 tháng 10, 2024

Kết hợp và phát huy sức mạnh tổng hợp trong bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 


Đây là phương hướng chiến lược có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đó làKết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại”[1], nhằm xác định thống nhất nhận thức quan điểm mới về bảo vệ tổ quốc là: gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên. Việc kết hợp này không những là yêu cầu nhiệm vụ của nền kinh tế, văn hóa, xã hội, mà còn là yêu cầu thường xuyên nhằm củng cố và xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh.

Việc kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại cần được thực hiện trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trên tất cả mọi vùng, miền của tổ quốc, trong đó chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Khắc phục triệt để những sơ hở, thiếu sót trong việc kết hợp kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh tại các địa bàn, nhất là địa bàn chiến lược.

Không những vậy, việc kết hợp này phải được quán triệt và thực hiện ở mọi doanh nghiệp, cơ sở kinh tế, ở từng địa phương và trong phạm vi cả nước, ở các đơn vị của lực lượng vũ trang. Bảo đảm trong thời bình cũng như trong thời chiến đáp ứng kịp thời mọi yêu cầu xây dựng, chiến đấu của các lực lượng vũ trang. Mỗi xí nghiệp, nhà máy là một pháo đài, mỗi địa phương là một mặt trận, đánh bại mọi mưu đồ xâm lược phá hoại của kẻ địch. Trong điều kiện mở cửa, hội nhập, nước ta thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, các thế lực thù địch sẽ lợi dụng để thâm nhập, kích động, móc nối, lôi kéo, mua chuộc, đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình” để phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Bởi vậy, một mặt, quốc phòng, an ninh phải phối hợp chặt chẽ với công tác đối ngoại, làm tốt nhiệm vụ bảo vệ bí mật quốc gia, bí mật quân sự, an ninh quốc gia, kịp thời phát hiện và ngăn chặn ý đồ và hành động đen tối của địch. Mặt khác, phải phối hợp làm tốt việc tuyên truyền, nâng cao vị thế, mở rộng quan hệ của Đảng, Nhà nước và Quân đội ta với thế giới; phát hiện âm mưu của các thế lực thù địch để chủ động đối phó, ngăn chặn và đập tan hành động phá hoại của chúng; đồng thời, mở rộng quan hệ hợp tác trong nghiên cứu khoa học quân sự, mua sắm trang bị kỹ thuật quân sự, vũ khí, đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng của ta với các nước anh em, bè bạn và các nước khác trên thế giới, góp phần tăng cường sức mạnh bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Cần khắc phục quan điểm kinh tế đơn thuần, không chú ý đến phương án bảo vệ hoặc coi nhẹ lợi ích kinh tế, hiệu quả kinh tế khi đề ra các phướng án bảo vệ, hoạt động quốc phòng, an ninh.



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 157.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét