Thực hiện Chiến lược
“diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch, phản động không từ bỏ bất cứ thủ
đoạn thâm hiểm nào nhằm chống phá cách mạng Việt Nam. Một trong những thủ đoạn
thâm hiểm đó là lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá, coi đây là “mũi đột phá”
hướng đến xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ XHCN ở Việt Nam hiện nay.
Trong những năm gần đây, Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ (USCIRF) - cơ quan
tham vấn được thành lập theo Luật về Tự do tôn giáo quốc tế năm 1998, vẫn định
kỳ đưa ra báo cáo nhận xét, đánh giá, phê phán về tình hình nhân quyền và tự do
tôn giáo của một số quốc gia, trong đó có Việt Nam. Theo USCIRF, việc “cải
thiện nhân quyền” ở một số nước không đi theo quỹ đạo của Mỹ nên “cần được quan
tâm đặc biệt”. Từ năm 2012 đến nay, USCIRF liên tục đề nghị đưa Việt Nam vào
danh sách “các nước cần quan tâm đặc biệt, viết tắt là CPC” bất chấp thành tựu
về bảo đảm các quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam đã được cộng đồng
quốc tế ghi nhận. Tháng 5/2023, USCIRF tiếp tục khuyến nghị Bộ Ngoại giao Mỹ
đưa Việt Nam vào “danh sách CPC”, khi cho rằng Việt Nam đã “tăng cường kiểm
soát và đàn áp”, “đàn áp tôn giáo một cách nghiêm trọng”, “sách nhiễu, bức
hại”, “ép buộc”, “tước đoạt tài sản”...
Những luận điệu xuyên tạc, vu cáo trắng trợn
trên không những không phản ánh đúng sự ghi nhận và bảo đảm của luật pháp Việt
Nam về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; không phản ánh đúng bản chất tình hình
thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, mà còn cố tình phớt lờ
thành tựu của Việt Nam trong tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn
giáo. Âm mưu sâu xa, mục đích chính trị đen tối của các thế lực thù địch, phản
động là tiến hành tổng thể biện pháp nhằm tạo dựng nhiều điểm nóng về tín ngưỡng,
tôn giáo để gây ra bất ổn về chính trị, văn hóa, xã hội ở các địa phương trong
cả nước. Cùng với đó, lợi dụng “ngòi nổ” tín ngưỡng, tôn giáo để kích động mâu
thuẫn giữa các tôn giáo với nhau, giữa người theo đạo và người không theo đạo,
giữa các tôn giáo với chính quyền các cấp; từ đó, chia rẽ khối đại đoàn kết
toàn dân tộc, tiến tới can thiệp vào công việc nội bộ, chống phá Đảng và Nhà
nước Việt Nam, gây tổn hại đến công cuộc đổi mới ở Việt Nam hiện nay.
Thực tế cho thấy, thành tựu của Việt Nam
trong việc bảo đảm và thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được dựa trên
các cơ sở khoa học sau:
Thứ nhất, quyền tự do tín
ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam luôn được tôn trọng và bảo vệ, thể hiện rõ trong
các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam từ ngày thành lập nước đến nay, phù
hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế.
Thứ hai, hệ thống văn bản,
quy định về tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam ngày càng hoàn thiện hơn, dân chủ
hơn, tôn trọng, tạo điều kiện tốt nhất cho các chức sắc, nhà tu hành, tín đồ
các tôn giáo và tổ chức tôn giáo hợp pháp phát triển một cách lành mạnh, công
bằng, bình đẳng trước pháp luật.
Thứ ba, để bảo vệ quyền tự
do tín ngưỡng, tôn giáo và ước nguyện sống “tốt đời, đẹp đạo” của mỗi tín đồ
tôn giáo, pháp luật Việt Nam thể hiện tính nghiêm trị hành vi lợi dụng tôn
giáo, xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác.
Thứ tư, những năm gần
đây, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam được bảo đảm trên thực
tế là minh chứng sinh động về sự tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn
giáo ở Việt Nam.
Như vậy, pháp luật Việt Nam về quyền tự do,
tín ngưỡng tôn giáo không chỉ phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế, mà còn
đáp ứng nguyện vọng của cá nhân tham gia đời sống tín ngưỡng, tôn giáo với ước
nguyện sống “tốt đời, đẹp đạo”. Do đó, những hoạt động lén lút, lợi dụng tôn
giáo, trái với văn hóa truyền thống Việt Nam, nhuốm màu mê tín dị đoan, có dấu
hiệu trục lợi, vi phạm pháp luật, đi ngược lại đạo đức xã hội... phải bị lên
án, xử lý nghiêm. Có thể khẳng định dứt khoát rằng, ở Việt Nam hoàn toàn không
có chuyện “chính quyền Việt Nam giới hạn tự do tôn giáo”, “đàn áp tôn giáo” như
các thế lực thù địch, phản động thường rêu rao. Những luận điệu xuyên tạc, vu
cáo đó chỉ là chiêu trò mà các thế lực thù địch, phản động lợi dụng, sử dụng
nhằm phục vụ âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam hiện nay.
Chính vì vậy, cũng như các nước khác, Việt Nam không chấp nhận việc lợi dụng
quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại hòa bình, độc lập, thống nhất đất
nước hay kích động bạo lực, chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, tôn giáo,
gây rối trật tự công cộng, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự
và tài sản của người khác, cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân...
Chính sách đó luôn được Nhà nước Việt Nam khẳng định và thực hiện nhất quán.
Những luận cứ trên là cơ sở pháp lý và thực
tiễn phong phú, sinh động về những thành tựu bảo đảm và thực hiện quyền tự do
tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, là điều không ai có thể xuyên tạc, phủ nhận
được. Vì vậy, có thể khẳng định dứt khoát rằng, quyền tự do tín ngưỡng, tôn
giáo ở Việt Nam không những phù hợp với các quy định của pháp luật và thông lệ
quốc tế về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, mà còn đáp ứng tâm tư, tình cảm và
nguyện vọng chính đáng của các chức sắc, chức việc tôn giáo và đồng bào theo
đạo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.
Các luận điệu của các thế lực thù địch, phản động về quyền tự do tín ngưỡng,
tôn giáo ở Việt Nam không chỉ là sự thiếu thiện chí, cố tình xuyên tạc, vu cáo
trắng trợn, phủ nhận thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm và thực hiện
quyền con người, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, mà còn đi ngược với pháp
luật và thông lệ quốc tế, phải bị lên án mạnh mẽ và bác bỏ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét