Bàn về bình đẳng, Từ điển Bách khoa Việt Nam viết: “Bình đẳng
là sự được đối xử như nhau về các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá... không phân
biệt thành phần và địa vị xã hội, trong đó trước tiên là bình đẳng trước pháp
luật”. Trong mỗi giai đoạn phát triển của lịch sử, người ta có những quan niệm
và đánh giá khác nhau về bình đẳng, nó phụ thuộc vào địa vị, lợi ích của từng
giai cấp, tầng lớp và trình độ phát triển của giai đoạn lịch sử ấy.
Dưới chế độ công xã nguyên thủy, trong điều kiện kinh tế, xã
hội còn thấp, bình đẳng mang tính tự phát và đồng nhất với công bằng giữa các
thành viên trong xã hội. Trong xã hội chiếm hữu nô lệ, vấn đề bình đẳng và bất
bình đẳng tồn tại song song với nhau, bình đẳng thuộc về giai cấp chủ nô và bất
bình đẳng thuộc về giai cấp nô lệ. Dưới xã hội phong kiến, về cơ bản không có sự
bình đẳng giữa người với người vì mọi quyền hành đều tập trung trong tay vua
chúa phong kiến.
Dưới xã hội tư bản, tư tưởng “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” là một
giá trị văn minh tiến bộ của nhân loại đã bị giai cấp tư sản lợi dụng làm
phương tiện để lừa bịp quần chúng nhân dân. Họ cho rằng, bình đẳng là ai cũng
có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu tài sản riêng. Quan niệm đó không bao
hàm sự cần thiết phải thủ tiêu giai cấp bóc lột, chế độ bóc lột và sự bất bình
đẳng. Cho nên, trong xã hội tư bản, không thể có bình đẳng triệt để vì còn tồn
tại tình trạng không bình đẳng trong quan hệ sở hữu đối với tư liệu sản xuất -
cơ sở của sự bóc lột giai cấp, áp bức dân tộc, đặc quyền, đặc lợi và bất bình đẳng
trong xã hội.
Chủ nghĩa Mác cho rằng, bình đẳng là một sản phẩm mang tính
lịch sử, phụ thuộc vào điều kiện xã hội - lịch sử nhất định. Không thể có sự
bình đẳng thật sự nếu không thủ tiêu chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất
và xoá bỏ các giai cấp bóc lột. Theo đó, bình đẳng thật sự, hoàn toàn chỉ được
tạo ra và thực hiện dưới chủ nghĩa cộng sản.
Bình đẳng dân tộc là một mặt của bình đẳng xã hội, đó là sự
ngang nhau về nghĩa vụ và quyền lợi; về cơ hội và điều kiện phát triển giữa các
dân tộc trong một quốc gia đa dân tộc, giữa các quốc gia - dân tộc trong quan hệ
quốc tế, diễn ra trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, không phân biệt
trình độ phát triển, chế độ chính trị, dân tộc đa số hay thiểu số, quốc gia lớn
hay nhỏ.
Bình đẳng dân tộc cần được hiểu một cách đầy đủ cả ở phạm vi
quốc gia, dân tộc và phạm vi quốc tế. Trên phạm vi quan hệ quốc tế, bình đẳng
dân tộc là sự ngang nhau về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các quốc gia, dân tộc,
không phân biệt quốc gia, dân tộc lớn hay nhỏ, văn minh hay lạc hậu, phát triển
hay đang phát triển. Trong phạm vi quốc gia, bình đẳng dân tộc là sự ngang nhau
giữa các tộc người trong cộng đồng dân tộc trên tất cả các lĩnh vực, cả cơ hội
và điều kiện để phát triển, không phân biệt dân tộc đa số hay dân tộc thiểu số,
miền núi hay miền xuôi.
Mặt khác, bình đẳng dân tộc trong quốc gia đa dân tộc là một
giá trị định hướng xã hội nhằm đảm bảo thực hiện quyền và nghĩa vụ của mỗi tộc
người hoàn toàn bình đẳng trong tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội,
trong quan hệ gắn bó hữu cơ với các tộc người khác trong một quốc gia đa dân tộc,
luôn phụ thuộc vào điều kiện của quốc gia dân tộc đó.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về bình đẳng dân tộc là hệ thống luận điểm về tính tất yếu được hưởng quyền bình đẳng của các dân tộc - quốc gia trong quan hệ quốc tế, cũng như giữa các dân tộc trong quốc gia đa tộc người; bình đẳng dân tộc thực sự chỉ có thể được xác lập thông qua con đường cách mạng vô sản, gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội; quyền bình đẳng giữa các dân tộc phải được xác định trong Hiến pháp, pháp luật và được thực hiện trên thực tế, thể hiện toàn diện trên mọi lĩnh vực; bình đẳng cả về quyền và nghĩa vụ, gắn với trình độ phát triển của đất nước, là quá trình phấn đấu lâu dài; bình đẳng dân tộc phải luôn gắn với đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ giữa các dân tộc; thực hiện bình đẳng dân tộc phải luôn nêu cao ý thức độc lập, tự chủ, tự lực tự cường, tự vươn lên của từng dân tộc, khắc phục, loại trừ những nguy cơ gây bất bình đẳng dân tộc ở nước ta./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét