Học cách ứng xử các tình huống phát sinh
Thời gian qua, liên tiếp các sự việc, từ bạo hành trẻ em đến giáo viên có
hành vi ứng xử không phù hợp khi ở trường học nổ ra khiến người dân không khỏi
bức xúc. Nhiều người bày tỏ sự nghi ngại về đạo đức, nhân phẩm cũng như kỹ năng
nghiệp vụ của một bộ phận giáo viên trẻ hiện nay.
Khi đọc những câu chuyện và phản ứng của người dân, tâm trạng của Nguyễn
Hương Giang - sinh viên năm 3, Khoa Sư phạm Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà
Nội ít nhiều trùng xuống.
“Hành vi của nhiều giáo viên không đúng đạo đức nghề nghiệp và cần có
phương án xử lý rõ ràng. Tuy nhiên, các bình luận nghi hoặc về nghề nghiệp em
đang theo đuổi khiến em cảm thấy khá buồn bởi họ đang đánh đồng giáo viên trẻ.
Điều này có thể khiến phụ huynh học sinh có cái nhìn không mấy thiện cảm về
những giáo viên trẻ, thậm chí là sinh viên sư phạm” - Hương Giang lo lắng.
Từ câu chuyện thực tế, nữ sinh cũng rút ra được kinh nghiệm cho bản thân.
“Bên cạnh việc học tập nâng cao kiến thức chuyên môn, chúng em cần học được
năng lực ứng xử, chuẩn mực đạo đức trong môi trường học đường” - Hương Giang
cho biết.
Chia sẻ về vấn đề này, cô Phạm Thị Hằng - giáo viên dạy môn Ngữ văn, Trường
THPT Kim Liên (Nghệ An) cho rằng: “Các giáo viên trẻ thường mang đến luồng gió
mới cho lớp học với phương pháp dạy học sáng tạo, linh hoạt và gần gũi với thế
hệ học sinh mới. Họ có khả năng thích ứng nhanh với những thay đổi trong chương
trình học, biết tận dụng các nền tảng học trực tuyến, công cụ giảng dạy tương
tác và phương pháp số hóa bài giảng. Thế nhưng, giáo viên trẻ mới ra trường
chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn nên cần trau dồi và biết cách xử lý các
tình huống phát sinh trong lớp, giao tiếp khéo léo với học sinh bởi các em có
sự khác biệt và đa dạng trong tính cách. Người giáo viên cần quan tâm, linh
hoạt trong cách giao tiếp, thể hiện sự chuyên nghiệp, tận tâm, lắng nghe và
chia sẻ với từng đối tượng học sinh”.
Theo cô Hằng, với sự kết hợp giữa năng lực chuyên môn, kỹ năng mềm và tinh
thần nhiệt huyết cầu tiến, các giáo viên trẻ có thể vượt qua các thách thức,
đồng thời góp phần vào việc nâng cao chất lượng giáo dục và nuôi dưỡng thế hệ
học sinh tương lai.
Đâu là chuẩn mực đạo đức của một nhà giáo?
Có hơn 20 năm kinh nghiệm đứng trên bục giảng, cô Phạm Thị Hằng đúc kết,
chuẩn mực đạo đức nhà giáo được thể hiện trong việc giao tiếp với học sinh, phụ
huynh, đồng nghiệp, nhà trường… đến chuẩn mực khi truyền thụ bài giảng cho học
sinh. Đây là nhiệm vụ bất cứ nhà giáo nào cũng cần nắm vững và thực hành.
“Để giáo dục tốt học trò thì bản thân giáo viên phải thật sự yêu nghề, có đam mê, nhiệt tình, tâm huyết với nghề giáo. Trách nhiệm và tình thương là những yếu tố hết sức quan trọng trong quá trình dạy học. Đặc biệt hơn cả là kỹ năng giải quyết, xử lý những tình huống sư phạm ở trong môi trường giáo dục nói chung và trong lớp học nói riêng. Với đặc điểm của từng lứa tuổi, tính cách của từng học sinh. Cách ứng xử của một nhà giáo sẽ phải đáp ứng được các yêu cầu về chuẩn mực đạo đức sư phạm, đồng thời kết hợp nhuần nhuyễn màu sắc cá nhân của từng giáo viên” - cô Hằng bộc bạch.
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động về những yêu cầu trong chuyên môn sư
phạm và chuẩn mực đạo đức của một giáo viên, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ - nguyên
Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - khẳng định: “Trước nhất người giáo
viên phải là hình mẫu tốt về tác phong, đạo đức để các em học sinh noi theo.
Sau đó là sự hội tụ của đức và tài để có thể truyền thụ kiến thức tốt nhất cho
các thế hệ học trò".
Đặc biệt, công tác đào tạo nguồn giáo viên cần được chú trọng. Hiện giáo
viên không đơn giản là người đứng lớp truyền thụ kiến thức cơ bản với học sinh
mà cần tổ chức, điều hành, cố vấn trong lớp học. Thầy cô cần có năng lực tư
duy, năng lực sáng tạo giúp học sinh tiếp thu kiến thức và thực hành tốt.
"Ngoài những kỹ năng chuyên môn, thầy cô giáo phải có kỹ năng sống để
có thể tiếp xúc và giải quyết nhanh các tình huống phát sinh với người học và
gia đình. Cách tiếp cận, trao đổi, xử lý hài hòa, thấu tình đạt lý có thể tránh
những tình huống không đáng có" - PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ phân tích./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét