Từ thực tế xây dựng, phát triển đất
nước và quá trình nhận thức lý luận của Đảng
Cộng sản Việt Nam qua gần 40 năm đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước
theo con đường XHCN cho thấy, Việt Nam nhận thức ngày càng toàn diện hơn, sâu sắc hơn về động lực và nguồn lực
xây dựng chủ nghĩa xã hội mang
bản sắc Việt Nam, đặc biệt là đề cao vai trò của văn hóa với tư cách là sức
mạnh nội sinh, xung lực quan trọng của quá trình phát triển đất nước. Trên
nền tảng quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, trong
gần 40 năm đổi mới, Đảng ta đã xác định và chỉ rõ những động lực chủ yếu để xây
dựng CNXH Việt Nam, bao gồm phát huy dân chủ XHCN; đại đoàn kết toàn dân tộc;
văn hóa (mà cốt lõi là phát huy nhân tố con người); kết hợp hài hòa lợi ích xã
hội, tập thể và cá nhân, quan tâm lợi ích thiết thân của con người; giáo dục và
đào tạo, khoa học và công nghệ; công bằng xã hội, đổi mới sáng tạo. Đó là kết
quả của quá trình tìm tòi, nghiên cứu lý luận, gắn với tổng kết thực tiễn xây
dựng CNXH để điều chỉnh nhận thức, bổ sung và phát triển lý luận cho phù hợp
với giai đoạn phát triển mới.
Tinh thần ấy tiếp
tục được kế thừa, khẳng định và hiện thực hóa qua các kỳ Đại hội lần thứ XI, XII
của Đảng. Đến Đại hội XIII của Đảng, quan điểm về 3 động lực phát triển được
coi là một trong những điểm mới nổi bật. Theo đó, Đảng ta nhấn mạnh tới “khơi
dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết
toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”; phát huy
dân chủ XHCN, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa,
con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có
cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh
mẽ khoa học và công nghệ, nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần
thứ tư; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội
lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó có nguồn lực nội sinh, tạo động lực mới cho
quá trình phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới (năm
1986) đến nay, tư duy lý luận của Đảng về nguồn lực nội sinh được phát triển
theo hướng nhấn mạnh đến vai trò ngày càng lớn của văn hóa
trong bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Văn hóa là nền tảng tinh thần
của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững
của đất nước. Lần đầu tiên, tại Đại hội XIII của Đảng, giá trị văn
hóa trở thành một nội dung quan trọng trong ba “đột phá chiến
lược”, là điểm khác so với trước đây khi chỉ đề cập đến đột phá về kinh tế là
chính. Đặc biệt, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra nhiệm vụ mới cần thực
hiện, mà trước đó mới chỉ dừng lại như một sự gợi mở, định hướng, đó là “Tập
trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá
trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia
đình Việt Nam trong thời kỳ mới”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét