Vừa qua tại Berlin (Đức) tổ chức có tên "Ủy ban cứu trợ người vượt biển" (BPSOS) tổ chức buổi hội luận về vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam. Đáng chú ý, trong khuôn khổ hội luận, những thông tin, tài liệu về Phật giáo Hoà Hảo do Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) công bố có nội dung phản ánh sai lệch về đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với Phật giáo Hòa Hảo khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Hình thành tự phát từ những năm 30 của thế kỷ XX, Phật giáo Hòa Hảo dưới sự sáng lập của ông Huỳnh Phú Sổ (sinh năm 1920) tại làng Hòa Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc (nay là thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) nhận được sự quan tâm và thu hút đông người tham gia.
Trên cơ sở nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đại đa số tín đồ, mong muốn có một tổ chức giáo hội để hướng dẫn, phổ truyền giáo lý Phật giáo Hòa Hảo cho bà con tín đồ tu học và có địa điểm hợp pháp để làm nơi hoạt động và sinh hoạt tôn giáo, ngày 11/6/1999, Ban Tôn giáo Chính phủ ban hành Quyết định số 21/QĐ/TGCP về việc công nhận tổ chức và hoạt động của Ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo, nay là Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo (Ban Trị sự).
Sự kiện đã được đông đảo bà con tín đồ Phật giáo Hòa Hảo vui mừng đón nhận, qua đó cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta đối với đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của người dân, thể hiện tính đúng đắn về chủ trương, chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam đối với các tầng lớp nhân dân, trong đó có các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo.
Theo thông tin từ Ban Tôn giáo Chính phủ, đến nay, trải qua 5 kỳ đại hội, Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Việt Nam không ngừng phát triển và ngày càng lớn mạnh, trở thành tổ chức giáo hội 2 cấp hành chính đạo gồm có Ban Trị sự Trung ương Phật giáo Hòa Hảo và 400 Ban Trị sự xã, phường, thị trấn (cấp cơ sở), cùng 14 Ban Đại diện tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phật giáo Hòa Hảo hiện có khoảng 2 triệu tín đồ, sinh sống rải rác trên cả nước, trong đó, chủ yếu tập trung ở 09 tỉnh miền Tây Nam Bộ là: An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, Hậu Giang, Tiền Giang, Long An và Kiên Giang.
Đáng ghi nhận thời gian qua Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo đã vận động đông đảo tín đồ tự nguyện tham gia tích cực trong hoạt động xã hội, từ thiện như: Xây mới và sửa chữa cầu nông thôn; sửa chữa và nâng cấp đường bộ; sửa chữa và xây dựng nhà tình thương; quyên góp gạo, tiền để cứu trợ cho người dân các vùng bị lũ lụt; giúp đỡ, hỗ trợ cho những bệnh nhân nghèo đi khám, chữa bệnh,...
Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, bà con tín đồ Phật giáo Hòa Hảo đã đóng góp hơn 200 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện, góp phần xây dựng nông thôn mới, xây dựng nhà đại đoàn kết, nhà tình thương, giúp đỡ người nghèo.
Trong Đại lễ kỷ niệm 85 năm Ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ khai sáng đạo Phật giáo Hòa Hảo do Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo tổ chức ngày 23/6/2024 tại An Hòa Tự, thị trấn Phú Mỹ (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang), ông Nguyễn Tấn Đạt, Trưởng Ban Trị sự khẳng định: "Trong những năm qua, toàn thể đồng đạo cùng với Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, Ban đại diện các tỉnh, thành phố, các Ban Trị sự cơ sở đã tinh tấn tu hành, giữ gìn sự trong sáng của giáo lý chân truyền và thực hiện đúng lời dạy của Đức Thầy để phát triển nền đạo "vị nhân sinh", gắn với phát huy giá trị đạo đức, tinh hoa văn hóa dân tộc.
Với đường hướng "Vì đạo pháp, vì Dân tộc", đồng hành cùng dân tộc, đồng bào theo đạo Phật giáo Hòa Hảo đã phát huy nét ưu việt của tôn giáo, thực hiện tốt các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phát động; góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bà con đồng đạo nói riêng, nhân dân nói chung; tích cực gắn bó với cộng đồng, đồng hành cùng các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc".
Sự phát triển của Phật giáo Hòa Hảo ở Việt Nam là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, với bản chất chống phá điên cuồng, các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân cực đoan, thiếu thiện chí ở hải ngoại vẫn cố tình áp đặt cái nhìn thiên kiến, thiếu khách quan đối với vấn đề tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam, nổi lên trong số đó là tổ chức BPSOS.
Tổ chức này thường xuyên tổ chức các hội thảo, diễn đàn thảo luận trên mạng xã hội với chủ đề "Tự do tôn giáo tại Việt Nam", thành lập cái gọi là "Đề án dân quyền Việt Nam", đưa ra "Dự án khảo sát tôn giáo Việt Nam",... qua đó nhằm chĩa mũi dùi, tấn công, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng, hạ thấp uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Quay trở lại vụ việc BPSOS tổ chức buổi hội luận về vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam nêu trên, chính những thông tin không chính xác, phản ảnh không đúng thực tế về hoạt động của Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo do USCIRF đưa ra đã khiến các tín đồ của Phật giáo Hòa Hảo và dư luận hết sức bất bình, phẫn nộ.
Như việc USCIRF quy kết vô cớ rằng "Chính phủ đã lập ra một chiến dịch nhằm tiêu diệt tôn giáo này"; "Chính phủ đã hạn chế các hoạt động thờ cúng bằng cách phá hủy kinh sách, bàn thờ và hình ảnh của Đức Thầy, cấm tổ chức các ngày lễ lớn của tôn giáo"...
Đây hoàn toàn là thông tin bịa đặt, bởi nếu thật sự có "chiến dịch tiêu diệt" như USCIRF đưa ra thì USCIRF giải thích như thế nào về con số hơn 2 triệu tín đồ Phật giáo Hòa Hảo tại Việt Nam hiện nay; cũng như sự tham gia của hàng vạn tín đồ trong các ngày lễ trọng của Phật giáo Hòa Hảo được tổ chức hằng năm?
Dư luận đặt câu hỏi: Buổi hội luận về vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam mà BPSOS tổ chức vào ngày 9/10 vừa qua phải chăng chỉ là cái cớ để tổ chức này tạo diễn đàn cho USCIRF đưa ra những thông tin, tài liệu thiếu khách quan, vô căn cứ để xuyên tạc tình hình tôn giáo tại Việt Nam, từ đó hai bên tiếp tục có sự bắt tay chặt chẽ hơn trong chiến dịch chống phá Việt Nam?
Quan sát các hoạt động của BPSOS, USCIRF và một số tổ chức chống cộng thiếu thiện chí, định kiến với Việt Nam khác ở hải ngoại thời gian qua, không khó nhận ra mục đích và mưu đồ của các tổ chức này đằng sau những luận điệu tuyên truyền sai lệch về đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong lĩnh vực tôn giáo hay xuyên tạc Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo là "tay sai của chính quyền cộng sản" do thành viên của Ban Trị sự Giáo hội đồng thời giữ chức vụ trong chính phủ là "vi phạm điều lệ gốc của tôn giáo".
Trong khi đó, các tổ chức này lại ra sức cổ vũ, khuyếch trương và tô vẽ cho cái gọi là "Phật giáo Hòa Hảo độc lập", một tổ chức tôn giáo đối kháng, đứng ngoài pháp luật để chống phá Việt Nam.
Chẳng thế mà USCIRF ra sức kêu gọi xây dựng "một mạng lưới các cộng đồng tự trị có liên kết chặt chẽ và tự quản trị với ít cấp bậc", theo đó "không có cơ quan Trung ương có quyền áp đặt ý chí hay kiểm soát đối với tín đồ của tôn giáo này (tức Phật giáo Hòa Hảo độc lập)"; đồng thời kêu gọi "các nhà quản lý tôn giáo từ chức khỏi ban trị sự Trung ương nếu họ đảm nhiệm các chức vụ chính trị".
Song song đó, một số đối tượng phản động ra sức tìm cách kết nối, liên hệ với bà con tín đồ, tìm mọi cách để dụ dỗ, lôi kéo bà con tham gia "Phật giáo Hòa Hảo độc lập", gây chia rẽ trong cộng đồng tín đồ theo Phật giáo Hòa Hảo, kích động người dân tham gia các hoạt động gây mất an ninh trật tự, làm suy yếu chế độ.
Thời gian gần đây lợi dụng việc một số đối tượng núp bóng tôn giáo để hoạt động chống phá chính quyền, bị cơ quan chức năng Việt Nam xử lý theo quy định của pháp luật, các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí, chống cộng lập tức lớn tiếng lu loa, cố tình đổi trắng thay đen để vu cáo Nhà nước Việt Nam "can thiệp vào các hoạt động tôn giáo của Phật giáo Hòa Hảo", "đàn áp tôn giáo", "bóp nghẹt tôn giáo", "bắt giam các nhà tu hành vì lý do tôn giáo".
Chẳng hạn các đối tượng phản động cố tình đánh tráo khái niệm, làm rùm beng vụ việc liên quan đến ông Nguyễn Hữu Tấn - người mà chúng khoác cho danh xưng là "tín đồ Phật giáo Hòa Hảo độc lập" bị cơ quan chức năng bắt giữ với lý do mà các đối tượng tự vẽ lên là "lãnh đạo Phật giáo Hòa Hảo độc lập". Thực tế ngày 2/5/2017, Cơ quan An ninh điều tra (Công an tỉnh Vĩnh Long) tiến hành bắt, khám xét khẩn cấp Nguyễn Hữu Tấn để điều tra về hành vi phát tán tài liệu chống phá Nhà nước theo quy định tại Điều 88 Bộ luật Hình sự.
Cơ quan An ninh điều tra đã dẫn giải đối tượng về cơ quan công an để làm việc. Lợi dụng lúc cán bộ điều tra vừa ra khỏi phòng, đối tượng đã tự sát bằng dao rọc giấy. Hình ảnh qua camera giám sát đã cho thấy rõ toàn bộ sự việc, và người nhà của Nguyễn Hữu Tấn cũng đã xác nhận, thế nhưng sự việc lập tức bị các đối tượng chống phá bóp méo, cho rằng ông Tấn "bị tra tấn và sát hại", từ đó chúng lôi kéo, kích động người dân khiếu kiện, biểu tình chống phá chính quyền.
Thực tế ở Việt Nam không ai bị bắt giữ hoặc kiểm soát, truy bức vì lý do tôn giáo mà chỉ có các cá nhân vi phạm pháp luật bị xử lý theo đúng các quy định của pháp luật.
Như nhiều quốc gia trên thế giới, ở Việt Nam quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của con người, được tôn trọng và bảo đảm thực hiện. Hiến pháp Việt Nam và Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 khẳng định mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Song cần phải khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không phải là tuyệt đối, mà phải trong những giới hạn do pháp luật quy định, không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.
Đây là yêu cầu cần thiết để bảo đảm việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, đồng thời không cho phép bất kỳ tổ chức, cá nhân nào lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để xâm hại tới an ninh quốc gia, trật tự xã hội, sức khỏe cộng đồng hoặc quyền và tự do cơ bản, chính đáng của người khác. Do đó, những hoạt động núp bóng tôn giáo, mê tín dị đoan, giả danh tôn giáo, gây bất ổn xã hội đều cần phải bị vạch trần, lên án mạnh mẽ và xử lý nghiêm minh../.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét