Chiều ngày 10/11/2024, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp bà Pauline Tamesis, Điều phối viên Thường trú và các Trưởng đại diện các tổ chức của Liên hợp quốc (LHQ) tại Việt Nam nhân dịp kỷ niệm Ngày Liên hợp quốc 24/10.  

Tại cuộc tiếp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng bước sự phát triển mạnh mẽ trong quan hệ hợp tác Việt Nam – LHQ, đặc biệt cảm ơn sự hỗ trợ và đồng hành quý báu của LHQ trong suốt chặng đường phát triển của Việt Nam, nhất là trong giai đoạn bị bao vây cấm vận, hội nhập quốc tế, thực hiện các cam kết quốc tế, ứng phó biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh Việt Nam, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, và ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương, vai trò trung tâm của LHQ. Thủ tướng Chính phủ khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác, chia sẻ, đóng góp, cùng LHQ triển khai các giải pháp toàn cầu, toàn diện, toàn dân cho các thách thức hiện nay, ủng hộ hòa bình, thúc đẩy phát triển bền vững, bảo đảm quyền con người. 

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ cũng trao đổi về một số trọng tâm cụ thể trong hợp tác giữa Việt Nam và hệ thống phát triển LHQ trong giai đoạn tới, nhất là trong thực hiện 03 đột phá chiến lược của Việt Nam về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực, cũng như việc triển khai các văn kiện của Hội nghị Thượng đỉnh tương lai, đẩy nhanh thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), ứng phó biến đổi khí hậu và triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), chuyển đổi số, chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm… 

Thủ tướng Chính phủ thông tin về một số thành tựu Việt Nam đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, các cam kết về biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh lương thực và dinh dưỡng không chỉ của người dân Việt Nam mà cả của thế giới, trong đó có việc xuất khẩu 8 triệu tấn gạo năm 2024. Việt Nam đang tập trung triển khai 03 trụ cột chính bao gồm xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó tập trung vào 06 nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể là: đường lối đối ngoại độc lập tự chủ; phát triển kinh tế; phát triển nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thực hiện chính sách quốc phòng bốn “không”; bảo đảm an sinh xã hội; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Thủ tướng Chính phủ đề nghị các tổ chức LHQ tại Việt Nam tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, hỗ trợ tư vấn chính sách, huy động nguồn lực quốc tế, nhất là về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực quản trị quốc gia, đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu và phù hợp với các định hướng phát triển và ưu tiên của Việt Nam trong giai đoạn tới, nhất là trong việc thực hiện hai mục tiêu 100 năm là trở thành nước phát triển công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước phát triển thu nhập cao vào năm 2045.

Tại cuộc gặp, Điều phối viên Thường trú và các Trưởng đại diện các tổ chức LHQ tại Việt Nam đánh giá cao vai trò, cam kết mạnh mẽ và những đóng góp tích cực của Việt Nam tại các cơ chế LHQ. Phía LHQ đặc biệt hoan nghênh những nỗ lực của Việt Nam trong thúc đẩy thực hiện các ưu tiên chung của LHQ và cộng đồng quốc tế trong gìn giữ hòa bình và thúc đẩy phát triển bền vững. Các Trưởng đại diện các tổ chức LHQ đánh giá cao những nỗ lực và thành tựu phát triển của Việt Nam thời gian qua, đặc biệt trong thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, bảo đảm bình đẳng giới… 

Lãnh đạo các cơ quan LHQ khẳng định cam kết tiếp tục hợp tác mạnh mẽ với Việt Nam, đặc biệt để triển khai các văn kiện của Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, thực hiện thành công JETP, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực chống chịu và ứng phó với thiên tai, nâng cao sức khỏe người dân… 

Liên hợp quốc chính thức thành lập vào ngày 24/10/1945 khi Hiến chương LHQ được phê chuẩn. Liên hợp quốc bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1977, khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Liên hợp quốc. Từ đó, các tổ chức và chương trình của LHQ đã tích cực hỗ trợ Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, giáo dục, y tế, và bảo vệ môi trường.

Các Cơ quan của LHQ tại Việt Nam gồm: Văn phòng Điều phối viên Thường trú (RCO), Tổ chức Nông lương LHQ (FAO), Quỹ quốc tế về Phát triển nông nghiệp (IFAD), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), Chương trình phối hợp của LHQ về HIV/AIDS (UNAIDS), Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục LHQ (UNESCO), Quỹ Dân số LHQ (UNFPA), Chương trình Phát triển LHQ (UNDP), Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Tổ chức Phát triển Công nghiệp LHQ (UNIDO), Cơ quan LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Cơ quan của LHQ về phát triển khu dân cư và đô thị bền vững (UN-HABITAT).