Thứ Hai, 30 tháng 12, 2024

Các giai đoạn của thời đại hiện nay

 


Giai đoạn 1: Từ Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 đến kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai năm 1945.

Đây là giai đoạn thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa, mở đầu sự ra đời và phát triển chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước Nga và sau đó là Liên Xô, Mông Cổ. Đó là chế độ xã hội do nhân dân lao động làm chủ, tình trạng người bóc lột người từng bước bị xóa bỏ, tạo khả năng xây dựng và bảo vệ vững chắc chế độ xã hội chủ nghĩa trong một nước, đủ sức đánh bại mọi sự chống phá, can thiệp, xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, cứu loài người thoát khỏi thảm họa phát xít trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai và mở đường cho phong trào giải phóng dân tộc phát triển mạnh mẽ.

Giai đoạn 2: từ 1946 đến giữa những năm 70 của thế kỷ XX.

Đây là giai đoạn chủ nghĩa xã hội được mở rộng và phát triển từ một nước trở thành hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới. Giai đoạn này, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa đạt được nhiều thành tựu rực rỡ, chứng tỏ tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa. Nhờ đó, phong trào công nhân, phong trào giải phóng dân tộc phát triển mạnh và giành được nhiều thắng lợi, phá vỡ hệ thống thuộc địa kiểu cũ của chủ nghĩa đế quốc. Hàng trăm quốc gia giành được độc lập dân tộc, góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh chung của loài người vì một thế giới văn minh tiến bộ. Nhưng giai đoạn này đã xuất hiện những bất đồng lớn giữa các nước xã hội chủ nghĩa, trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Đúng như trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “… tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hoà hiện nay giữa các đảng anh em”[1].

Giai đoạn 3: từ cuối những năm 70 đến đầu những năm 90 của thế kỷ XX

Đây là giai đoạn nhiều nước xã hội chủ nghĩa, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế lâm vào tình trạng khó khăn, khủng hoảng. nhiều nước xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế - xã hội bộc lộ sự trì trệ và khủng hoảng nghiêm trọng, sản xuất suy thoái, công nghệ lạc hậu, chi phí tốn kém, lãng phí; cơ chế quản lý tập trung, bao cấp trở nên lỗi thời, kìm hãm sản xuất. Bộ máy của hệ thống chính trị có nhiều yếu kém, quan liêu, tham nhũng; vấn đề dân tộc, dân chủ, tôn giáo, văn hoá, xã hội có nhiều bất cập. Tình hình đó cần thiết phải có những đổi mới, cải tổ, cải cách toàn diện và mạnh mẽ. Nhưng do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, công cuộc cải tổ ở một số nước xã hội chủ nghĩa đã mắc sai lầm. Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động ra sức chống phá dẫn đến rối loạn chính trị, hậu quả là chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, hệ thống xã hội chủ nghĩa không còn và cũng là kết thúc thời kỳ chiến tranh lạnh và thế giới hai cực. Đây là bài học kinh nghiệm về đổi mới của các nước xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay.

Giai đoạn 4: từ giữa những năm 90 thế kỷ XX đến nay.

Đây là giai đoạn chủ nghĩa xã hội tạm thời lâm vào thoái trào. Lợi dụng tình hình đó, chủ nghĩa tư bản ra sức tấn công chủ nghĩa xã hội bằng nhiều thủ đoạn thâm độc, hòng xoá bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới. Nhưng một số nước xã hội chủ nghĩa như Trung Quốc, Việt Nam, Cu Ba... đã trụ vững, tiến hành cải cách, đổi mới, phát triển mạnh mẽ. Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế cũng đang dần phục hồi, tăng cường ảnh hưởng ở nhiều nơi trên thế giới.

Chủ nghĩa xã hội thế giới sau khó khăn, thử thách, đang phục hồi và có khả năng phát triển. Chủ nghĩa tư bản hiện đại, đứng đầu là đế quốc Mỹ cho dù tạm thời đang có ưu thế nhất định về vốn, khoa học kỹ thuật, quân sự… nhưng vẫn bộc lộ nhiều khuyết tật cố hữu, những mâu thuẫn kinh tế, chính trị, xã hội vẫn không thể khắc phục; thất nghiệp, đói nghèo, bóc lột, xâm lược, hiếu chiến... ngày càng tăng. Vì thế, chủ nghĩa tư bản không đại diện cho tương lai của loài người và con đường diệt vong của nó là không thể tránh khỏi.



[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 2011, tr. 613.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét