Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2024

“Làm mới thông tin cũ” hòng xuyên tạc Chiến thắng 30/4/1975 là không thể chấp nhận

 Làm mới thông tin cũ” là thủ đoạn mà các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đang ráo riết thực hiện nhằm xuyên tạc, hạ thấp tầm vóc, ý nghĩa và giá trị của Chiến thắng 30/4 cũng như cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Nhưng sự thật lịch sử luôn rõ ràng và thủ đoạn chống phá đầy ác ý, rất thâm độc, mang tính thù địch này là không thế chấp nhận.

Cách đây gần 50 năm, đúng 11 giờ 30 phút, ngày 30/4/1975, lá cờ của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập - phủ Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn, đánh dấu giờ phút thiêng liêng của dân tộc Việt Nam, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Chiến thắng này “mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”1.

Thời gian thấm thoát đi qua, Chiến thắng vĩ đại này đã lùi vào lịch sử. Trong khoảng thời gian ấy, con cháu của thế hệ làm nên chiến thắng càng thấm thía hơn những mất mát, đau thương, sự hy sinh lớn lao của thế hệ cha anh; càng cảm nhận sâu sắc hơn trên mọi phương diện cuộc kháng chiến và càng tự hào về Đảng quang vinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, về dân tộc và Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Đó là nguồn động lực to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta hôm nay.

Chiến thắng 30/4/1975 còn được nhân dân thế giới hết lời ca ngợi, coi đó là chiến thắng vĩ đại của “chính nghĩa, lòng nhân đạo và chủ nghĩa anh hùng”; chứng tỏ không sức mạnh nào có thể “khuất phục được một dân tộc anh hùng”; là thắng lợi “mãi mãi ghi vào sử sách”, v.v. Chính người Mỹ cũng đã phải thừa nhận thất bại và khâm phục sức mạnh của nhân dân Việt Nam: “Lịch sử phải đánh giá họ (người Việt Nam - tác giả) cao nhất về sức chiến đấu ngoan cường và dũng cảm của con người”2.

Thế nhưng, trong gần nửa thế kỷ qua, vẫn không ít kẻ cố tình xuyên tạc lịch sử, bản chất, tính chất, ý nghĩa, tầm vóc của cuộc kháng chiến. Những luận điệu bóp méo, hạ thấp, phủ định ý nghĩa và giá trị của Chiến thắng 30/4/1975 được các thế lực thù địch tung lên trên mọi phương tiện thông tin, truyền thông với nhiều hình thức, cả ở trong nước và nước ngoài. Họ xuyên tạc trắng trợn cuộc kháng chiến của nhân dân ta là cuộc nội chiến “huynh đệ tương tàn” giữa hai miền; rằng cuộc chiến tranh này “hoàn toàn vô nghĩa, “đáng lý đã không xảy ra, nó có thể tránh được”! Tráo trở hơn, họ còn ra sức biện hộ cho hành động xâm lược của Mỹ ở miền Nam là để “giúp” Việt Nam tiếp cận văn minh phương Tây, đó không phải là xâm lược; vì miền Bắc cộng sản “xâm lược miền Nam”, nên Mỹ phải “có trách nhiệm bảo vệ đồng minh của mình”, v.v. Có người còn “thảng thốt” kêu lên “Tháng Tư đen”, ngày 30/4 là ngày “quốc hận”đó “không phải là chiến thắng của Việt Nam”, cuộc chiến tranh này “không có kẻ thua, người thắng, mà chỉ nhân dân là chịu thiệt thòi”.

Những luận điệu xuyên tạc trên thực chất chỉ là chiêu trò “làm mới thông tin cũ”, đầy ác ý, rất thâm độc, thể hiện sự thù địch, thiên kiến lệch lạc và cả sự ngộ nhận, mơ hồ trong nhìn nhận, đánh giá lịch sử ở một số người; và cứ đến dịp nhân dân ta kỷ niệm Chiến thắng, thì sự xuyên tạc đó lại dồn dập hơn. Những mỹ từ “yêu nước”, “vì dân, vì nước”, “tâm huyết”, “tôn trọng sự thật lịch sử”,… được họ tung ra nhằm làm tăng tính thuyết phục, hòng lừa gạt những người dân nhẹ dạ, cả tin, tác động mạnh mẽ, tiêu cực đến tư tưởng, tình cảm và thái độ của nhân dân đối với Chiến thắng vĩ đại 30/4/1975.

Những luận điệu công kích đó không đơn thuần để xuyên tạc, phủ nhận tầm vóc, ý nghĩa và giá trị của Chiến thắng, mà còn nhằm chống phá sự nghiệp cách mạng, công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nó còn reo rắc sự hận thù, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ người Việt Nam ở trong nước với người Việt Nam định cư, sinh sống ở nước ngoài, nhằm hạ uy tín, phá hoại các mối quan hệ quốc tế của Việt Nam nói chung, mối quan hệ ngày càng tốt đẹp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ nói riêng. Đó là mưu đồ thực sự của những kẻ đưa ra những luận điệu xuyên tạc Chiến thắng 30/4.

Chúng ta biết, sự thật luôn phải được tôn trọng, không thể xuyên tạc; đánh giá, nhìn nhận lịch sử phải khách quan, trung thực. Không thể phủ nhận, xem nhẹ những hy sinh, mất mát to lớn của nhiều thế hệ người Việt Nam đã làm nên Chiến thắng. Những người cho đây là cuộc nội chiến “huynh đệ tương tàn” đã cố tình xuyên tạc, làm méo mó bản chất, tính chất cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Cần nhắc lại cho họ rõ, cuộc chiến này là cuộc đụng đầu lịch sử giữa chính nghĩa - chống xâm lược và phi nghĩa - xâm lược, bạo tàn; giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội với chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa chống cộng do đế quốc Mỹ đứng đầu. Xâm lược Việt Nam, chúng muốn “đè bẹp mọi phong trào giải phóng dân tộc, chặn đứng bước tiến của chủ nghĩa xã hội ở bất cứ nơi nào trên thế giới”3. Mỹ đưa vào Việt Nam hơn nửa triệu quân, sử dụng tất cả các loại vũ khí, phương tiện kỹ thuật hiện đại nhất, với mưu toan đè bẹp ý chí chiến đấu, buộc nhân dân ta phải khuất phục. Đế quốc Mỹ còn thực thi chiến dịch ném bom hủy diệt Thủ đô Hà Nội và miền Bắc bằng siêu pháo đài bay B.52, hòng biến Hà Nội và Bắc Việt Nam “trở về thời kỳ đồ đá”. Đó là sự thật lịch sử.

Cần nhắc lại cho họ rõ, miền Nam là một bộ phận không tách rời của Việt Nam; đó là máu thịt của Việt Nam, chân lý đó không bao giờ thay đổi. Nhân dân Việt Nam đứng lên chống thế lực xâm lược là nhằm bảo vệ chân lý đó. Chỉ có nhân dân Việt Nam chống kẻ xâm lược chứ không có chuyện miền Bắc xâm lược miền Nam, càng không thể gọi đó là nội chiến “huynh đệ tương tàn” như sự xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Nhân dân ta vốn yêu chuộng hòa bình, không hề muốn chiến tranh xảy ra và càng không muốn đất nước mình rơi vào cảnh chết chóc, bị tàn phá. Vì thế, luận điệu về cuộc chiến này là “không cần thiết”, hoàn toàn “có thể tránh khỏi” là sự ngụy biện trơ trẽn, bởi kẻ thù đã chủ động gây chiến, đem quân xâm lược nước ta, buộc nhân dân ta phải vùng lên kháng chiến. Cũng không thể nói xằng, chiến thắng của nhân dân ta “không phải là chiến thắng của Việt Nam trước Mỹ”! Đây là luận điệu vừa phi lịch sử, vừa phi đạo đức. Cần lưu ý và nhấn mạnh cho những ai đưa ra luận điệu trên thấy rằng, Chiến thắng 30/4 là chiến thắng của cả dân tộc Việt Nam trước thế lực xâm lược hùng mạnh, trực tiếp loại trừ “một tội ác chống nhân loại”4; là sự phá sản, thất bại của thế lực xâm lược lớn nhất hòng áp đặt ách thống trị, áp bức đối với nhân dân ta ở miền Nam. Lịch sử đã chứng minh, mục tiêu chiến lược của Mỹ là áp đặt chủ nghĩa thực dân mới, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, một bàn đạp chiến lược, để thực hiện mưu đồ bá chủ thế giới, chứ không phải là “không hề muốn cai trị Việt Nam”. Việc quân Mỹ buộc phải rút khỏi Việt Nam (năm 1973) là do sự phá sản, thất bại trong chính sách xâm lược Việt Nam của Mỹ, chứ không phải là một “sai lầm lịch sử” đơn thuần. Đó cũng chính là do thắng lợi của nhân dân ta trong việc “đánh cho Mỹ cút”, để tiếp đến đánh cho “ngụy nhào”. Sự thất bại của Mỹ và bè lũ tay sai là một tất yếu và đến ngày 30/4/1975 lôgíc tất yếu ấy kết thúc; không thể nói bừa “không có kẻ thua, người thắng”.

Nếu đề cập đến “sai lầm lịch sử” ở đây, thì đó là sai lầm của Mỹ khi tiến hành dã tâm xâm lược Việt Nam. Về điều này, nhiều quan chức và học giả Mỹ đã thừa nhận. Nhà báo nổi tiếng Rubert Conwell đã phải lên tiếng phản bác quan điểm xuyên tạc cho rằng: đó không phải là chiến thắng của Việt Nam trước Mỹ và nhấn mạnh “Hôm nay cách nhìn nhận đó đã sụp đổ”5. Trong cuốn Chiến tranh Việt Nam và văn hóa Mỹ, tác giả J.C.Rowe (J.C.Râu-ơ) và R.Berg (R.Bơ-gơ) đã viết: “trên 70% dân chúng vẫn coi cuộc chiến (Mỹ xâm lược Việt Nam) “căn bản là sai lầm và phi đạo đức”; “Nói ngắn gọn, Mỹ xâm lăng nam Việt Nam, ở đó Mỹ đã tiến tới việc làm ngơ tội ác xâm lăng với nhiều tội ác khủng khiếp chống nhân loại trên khắp Đông Dương”6.

Như vậy, sự xuyên tạc của các thế lực thù địch là không thể chấp nhận, nó càng trở nên lạc lõng và lố bịch, bởi sự thật lịch sử ngày càng ngời sáng; bởi giá trị, ý nghĩa to lớn của Chiến thắng 30/4 ngày càng thẩm thấu và lan tỏa sâu rộng. Chiến thắng vĩ đại này khiến cả thế giới kính phục, trong đó có cả những học giả, chính khách, tướng lĩnh Mỹ từng trực tiếp tham gia chiến tranh, xem đó như là một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng, tinh thần anh dũng, lòng quả cảm, ý chí không chịu khuất phục trước thế lực đế quốc hung bạo và gọi Việt Nam là “lương tri của thời đại”. Nhiều người Việt bên kia chiến tuyến từng tuyên bố “không đội trời chung với cộng sản” nay đã quay về quê cha đất tổ, rũ bỏ thù hằn và được Mẹ Tổ quốc Việt Nam mở rộng vòng tay đón nhận.

Dù các thế lực thù địch và những phần tử cơ hội, chống đối có cố gắng làm mới những điều đã cũ, những thông tin cũ mà họ đã từng ra rả từ lâu và có tinh vi, xảo quyệt đến đâu, thì cũng không thể xuyên tạc, làm phai mờ được giá trị và ý nghĩa to lớn của Chiến thắng 30/4. Chính nhiều người Mỹ ngày càng có suy nghĩ đúng, nhận thức rõ hơn sự hy sinh, mất mát và chiến thắng của nhân dân ta, tin tưởng vào sự phát triển của Việt Nam trong tương lai. Chính Rôbét Mắc Namara - cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ đã phát biểu: “Điều làm tôi thực sự cảm động là tôi không hề nhận thấy sự hận thù nào trong ánh mắt của người Việt Nam đối với tôi. Một Việt Nam thanh bình dẫu chưa phồn vinh nhưng quả là đẹp. Một đất nước như thế, một dân tộc như thế thì họ từng đứng vững trong quá khứ và sẽ tiến lên trong tương lai là điều không thể tranh cãi”7.

Nhớ về lịch sử, nhưng chúng ta khép lại quá khứ, hướng tới tương lai. Người Mỹ cũng chủ trương như vậy. Việt Nam và Hoa Kỳ đã bình thường hóa, quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển và hiện đã trở thành đối tác Chiến lược toàn diện của nhau. Điều đó không thể thiếu sự ảnh hưởng, thẩm thấu và lay động bởi những giá trị và ý nghĩa to lớn từ Chiến thắng 30/4 của nhân dân Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét