Đánh thắng trận đầu là một nội dung rất quan trọng của nghệ thuật quân sự Việt Nam; có ý nghĩa lớn về tư tưởng chính trị, ý chí quyết tâm, củng cố niềm tin của cán bộ, chiến sĩ vào thắng lợi của trận đánh. Bên cạnh đó, còn giáng một đòn rất mạnh vào tinh thần, tư tưởng, ý chí của đối phương, qua đó tạo ra ưu thế về chính trị tinh thần, sử dụng lực lượng, phương tiện, phá vỡ thế trận tác chiến của chúng; tạo ra thế và lực có lợi cho ta, càng đánh càng mạnh, đẩy địch vào thế bất lợi, suy yếu, sa lầy và thất bại.
Ngày đầu thành lập và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay được thành lập. Ngay sau khi thành lập, Đội đã tiến hành thắng lợi trận đánh đầu tiên, viết nên truyền thống vẻ vang đánh thắng trận đầu. Truyền thống đó được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục kế thừa, phát huy ngày càng xuất sắc trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.
Trước ngày thành lập Đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: Trong vòng một tháng phải có hoạt động gây tin tưởng cho các chiến sĩ và gây truyền thống hành động tích cực, nhanh chóng cho bộ đội và đặc biệt là trận đầu ra quân phải đánh thắng. Tháng 11/1944, Ban Chỉ huy Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập, dưới sự chủ trì của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Ban Chỉ huy Đội đã tiến hành làm công tác chuẩn bị cho trận đánh đầu tiên. Lúc này một loạt vấn đề được đặt ra và quan trọng nhất là đánh vào đâu, đánh như thế nào để với một lực lượng nhỏ, mới thành lập lại có thể giành được thắng lợi to lớn về chính trị và quân sự mà ít bị tổn thất về người và vũ khí. Trận đánh đầu tiên này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, bởi thắng lợi của nó có tác động rất lớn tới tinh thần của các đội viên cũng như thúc đẩy phong trào cách mạng trong vùng; ngược lại, nếu thất bại sẽ ảnh hưởng tiêu cực, khôn lường về mọi mặt. Về địa điểm tác chiến, Ban Chỉ huy đội xác định là phải đánh ở khu vực mà có thể đảm bảo chắc thắng, phát huy được thanh thế, không làm tổn hại cơ sở cách mạng. Qua thăm dò một số cán bộ phụ trách cơ sở địa phương, mọi người đều cho rằng cứ đánh địch ở địa bàn mình và nên đánh một số đồn: Nà Bao, Nà Ngần, Phai Khắt. Sau khi nắm và báo cáo tình hình, đồng chí Võ Nguyên Giáp phân tích: Đồn Nà Bao chúng đóng trên đồi tương đối xa dân. Nếu đánh ở đấy, nó khủng bố chắc cũng có nhưng ít hơn. Nhưng ở đấy thì khó nắm tình hình địch. Còn đồn Nà Ngần chúng nó đóng trong nhà dân, cơ sở quần chúng tốt. Ta biết được tình hình địch ra vào, nhưng lực lượng địch ở đây mạnh về quân số và trang bị. Đồn Phai Khắt nhiều thuận lợi hơn cả. Cơ sở quần chúng ta vững, tình hình địch ta biết rõ, tiến thoái cũng dễ. Vì vậy, Đội đã chọn đồn Phai Khắt là mục tiêu tấn công đầu tiên. Sau khi chọn được mục tiêu tấn công, Đội bàn bạc, cân nhắc kỹ và quyết định lựa chọn cách đánh tập kích vào đồn trại của địch để chiếm lấy đạn dược, mặc dù cách đánh này là khó khăn. Chiều ngày 25/12/1944, toàn Đội hóa trang và tiến công đồn Phai Khắt, trận đánh diễn ra trong khoảng 30 phút, kết quả ta diệt tên đồn trưởng, bắt sống 17 tên địch, thu 17 khẩu súng. Đây là trận đánh đầu tiên của một đội quân mới được thành lập trước đó 03 ngày, thắng lợi của trận chiến đấu đã mở đầu cho truyền thống đánh thắng trận đầu của Quân đội nhân dân Việt Nam - truyền thống của một đội quân nhỏ bé, trang bị thô sơ, nhưng có ý chí quyết tâm cao, gắn bó với nhân dân, có cách đánh hợp lý, hoàn toàn có thể đánh thắng những đội quân viễn chinh chính quy, hiện đại.
Tiếp đó, trong các chiến dịch, đợt hoạt động tác chiến của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, truyền thống đánh thắng trận đầu không ngừng được bổ sung, phát triển và ngày càng hoàn thiện, mà đỉnh cao là đánh thắng trận đầu trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Đây là chiến dịch quyết chiến chiến lược trong cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, khi đó Quân đội ta có bước trưởng thành mạnh mẽ, đã tổ chức được một số đại đoàn chủ lực cơ động mạnh, nhưng vũ khí, trang bị còn rất hạn chế so với đối phương và phải đối đầu trực tiếp với một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương lúc bấy giờ. Trong chiến dịch này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Đảng ủy, kiêm Chỉ huy trưởng Mặt trận đã quyết định thay đổi phương châm tác chiến chiến dịch từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, tức là chúng ta sẽ đánh tiêu diệt lần lượt các cứ điểm, cụm cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ và vấn đề lựa chọn mục tiêu đánh trận mở đầu Chiến dịch lại được đưa ra bàn thảo. Sau nhiều lần bàn bạc, trao đổi, Bộ Tư lệnh Chiến dịch quyết định chọn cụm cứ điểm Him Lam làm mục tiêu tiến hành trận mở đầu Chiến dịch. Him Lam là cụm cứ điểm phòng ngự kiên cố nhất của địch ở Điện Biên Phủ, cách phân khu trung tâm khoảng 2,5km. Với khoảng cách này, cho phép ta tập trung sức mạnh cần thiết, cô lập Him Lam trong một thời gian nhất định để tiêu diệt. Nếu trận đánh kết thúc trong đêm, khả năng tăng viện của địch từ phân khu trung tâm hoặc các cứ điểm lân cận có thể loại trừ. Đúng 17.00 ngày 13/3/1954, pháo binh của ta bắt đầu bắn vào Him Lam cùng các mục tiêu liên quan và Đại đoàn 312 được giao trọng trách đánh trận mở đầu Chiến dịch. Đúng như tính toán của ta, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng đến 23.30 cùng ngày ta đã tiêu diệt hoàn toàn cụm cứ điểm Him Lam, hoàn thành xuất sắc trận đánh mở đầu Chiến dịch - trận đánh mở đầu điển hình về tác chiến hiệp đồng giữa bộ binh và pháo binh. Thắng lợi của trận mở đầu đã củng cố vững chắc lòng tin của cán bộ, chiến sĩ tham gia Chiến dịch về khả năng có thể đột phá thắng lợi trận địa phòng ngự vững chắc của địch; đồng thời, giáng một đòn choáng váng vào tinh thần quân địch ở Điện Biên Phủ cũng như Bộ Chỉ huy quân Pháp ở Hà Nội, Sài Gòn. Chiến thắng Him Lam tạo điều kiện thuận lợi cho các trận đánh tiếp theo, giúp quân và dân ta tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc.
Đánh bại chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ
Trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, chiến tranh phá hoại miền Bắc nằm trong ý đồ chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ. Nắm vững ý đồ đó, Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy nhận định, sớm muộn gì Mỹ cũng sẽ sử dụng không quân, hải quân đánh phá miền Bắc. Vấn đề đặt ra là, với khả năng về vũ khí, trang bị phòng không có hạn, chúng ta có thể bắn rơi được máy bay phản lực hiện đại của không quân Mỹ không? Vì vậy, chuẩn bị cho đánh thắng trận đầu với không quân Mỹ có ý nghĩa rất quan trọng. Đúng như dự báo, ngày 05/8/1964, đế quốc Mỹ dựng lên cái gọi là “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, hòng tạo cớ để tổ chức hơn 60 máy bay ồ ạt, bất ngờ tiến công đánh phá vào các khu vực Vinh - Bến Thủy (Nghệ An), thị xã Hòn Gai (Quảng Ninh), Lạch Trường (Thanh Hóa), cửa sông Gianh (Quảng Bình), v.v. Nhờ đánh giá đúng âm mưu, thủ đoạn của địch, với tinh thần cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu cao độ, quân và dân ta, nòng cốt là Bộ đội Phòng không - Không quân, Hải quân, dân quân, tự vệ,... đã anh dũng đánh trả các đợt tiến công của địch, bắn rơi 08 máy bay phản lực hiện đại, bắt sống và tiêu diệt nhiều phi công Mỹ, giáng cho chúng đòn đánh phủ đầu choáng váng, hoàn thành xuất sắc trận đánh mở đầu trong cuộc chiến đấu đánh bại chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ. Trận đánh mở đầu này tiếp tục tô thắm thêm truyền thống đánh thắng trận đầu của Quân đội ta; đồng thời, củng cố vững chắc lòng tin của quân và dân miền Bắc về khả năng có thể bắn rơi máy bay phản lực hiện đại, đánh bại cuộc tiến công phá hoại bằng không quân của Mỹ ra miền Bắc. Trận đánh cũng giáng một đòn mạnh vào tinh thần chiến đấu của binh sĩ không lực Hoa Kỳ và mở ra hướng đi mới trong tổ chức lực lượng, xây dựng thế trận phòng không liên hoàn, vững chắc để bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Bị thất bại trong “chiến tranh đặc biệt”, Mỹ đưa hàng chục vạn quân viễn chinh và quân chư hầu vào trực tiếp tác chiến trên chiến trường miền Nam, làm cho cuộc chiến đấu của quân và dân ta ở miền Nam gặp nhiều khó khăn, thách thức. Vấn đề lớn nhất lúc bấy giờ là chúng ta có thể đánh thắng Mỹ không? Và đánh bằng cách nào? Đây cũng là vấn đề lớn đối với mỗi trận đánh, mỗi chiến dịch mở đầu thời kỳ trực tiếp đánh Mỹ. Phát huy sức mạnh tổng hợp của thế trận chiến tranh nhân dân; sự kết hợp tác chiến giữa bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương; giữa tiến công tiêu diệt địch của lực lượng vũ trang với nổi dậy của quần chúng giành quyền chủ động; tinh thần chiến đấu dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân địa phương; với phương châm “cứ đánh Mỹ sẽ tìm ra cách đánh”, “bám thắt lưng địch mà đánh”, tháng 5/1965, quân và dân Khu 5 tập kích địch ở Núi Thành (diệt 139 tên), tiến công địch ở Vạn Tường (loại khỏi vòng chiến đấu hơn 900 lính thủy đánh bộ). Chiến công nối tiếp chiến công, tháng 11/1965, ta tiến hành Chiến dịch Plâyme trên chiến trường Tây Nguyên loại khỏi vòng chiến 3.000 tên (trong đó có 1.700 lính Mỹ); Chiến dịch Bầu Bàng ở Thủ Dầu Một tiêu diệt 02 tiểu đoàn bộ binh, phá hủy 39 xe tăng, xe bọc thép của địch. Đây là những trận đánh, chiến dịch mở đầu đánh Mỹ rất quan trọng, khẳng định quân và dân ta hoàn toàn có thể thắng Mỹ về quân sự, làm cho chúng bị choáng váng về tinh thần. Một cao trào “tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt” đã diễn ra sôi nổi trong lực lượng vũ trang và nhân dân miền Nam, khí thế đánh Mỹ, diệt ngụy lên cao chưa từng có. Các trận đánh, chiến dịch mở đầu thắng lợi đã tạo ra các điều kiện, thời cơ tiến hành các trận đánh, chiến dịch tiếp theo trong thời kỳ đánh Mỹ, làm cho quân Mỹ bị sát thương, tiêu hao, tiêu diệt lớn dẫn đến suy yếu, sa lầy và thất bại, đó là giá trị của truyền thống đánh thắng trận đầu.
Bị thất bại nặng nề về quân sự và chính trị ở cả hai miền Nam - Bắc, trong hội nghị đàm phán tại Paris, ngày 22/10/1972, Mỹ buộc phải thỏa thuận với ta về “Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”. Tuy nhiên, với bản chất ngoan cố và xảo quyệt, quân địch ráo riết chuẩn bị một cuộc phiêu lưu quân sự mới, chúng quyết định sử dụng số lượng lớn máy bay ném bom chiến lược B-52 để tiến hành chiến dịch đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và một số nơi khác, nhằm thực hiện âm mưu khủng bố dã man, tàn bạo, buộc chúng ta phải khuất phục và chấp nhận các điều kiện của chúng trong đàm phán. Trước tình hình đó, Trung ương và Tổng Quân ủy quyết định mở Chiến dịch Phòng không năm 1972 với mục tiêu đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của địch. Vấn đề của Chiến dịch là làm thế nào để có thể bắn rơi được nhiều máy bay B-52 của địch trong điều kiện vũ khí, trang bị của ta còn hạn chế. Mặc dù đã được nghiên cứu, chuẩn bị trước về cách đánh B-52, nhưng đây vẫn là vấn đề lớn và làm sao phải bắn rơi máy bay B-52 của chúng ngay từ trận mở đầu. Vì vậy, từ cuối năm 1968, Quân chủng Phòng không - Không quân đã cử nhiều đoàn cán bộ kỹ thuật, cùng các tiểu đoàn tên lửa vào nam Quân khu 4 và tuyến vận tải chiến lược đường Trường Sơn theo dõi, nghiên cứu nhận dạng và tìm cách đánh máy bay B-52. Qua nghiên cứu, tìm hiểu, đến tháng 10/1972, tập tài liệu mang tên “Cách đánh B-52 của bộ đội tên lửa” cuốn “Cẩm nang bìa đỏ” dày 30 trang được xuất bản. Tập tài liệu là kinh nghiệm phân biệt mục tiêu thật - giả trước màn hiện sóng để bộ đội tên lửa có thể ngắm trúng, tiêu diệt mục tiêu. Đêm ngày 18/12/1972, địch sử dụng B-52 bắt đầu tiến công Hà Nội, Hải Phòng và một số khu vực lân cận. Nhờ sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, ta sử dụng không quân đánh địch từ xa, phá thế liên kết của chúng, tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng tên lửa và pháo cao xạ đánh địch. Với việc tập trung hỏa lực tên lửa, đánh đồng thời, kế tiếp, ta đã bắn rơi 03 máy bay B-52 của địch ngay trong đợt tiến công đầu tiên, trong đó có 02 chiếc rơi tại chỗ. Đây là trận đánh mở đầu của Chiến dịch Phòng không đạt hiệu suất chiến đấu cao, có ý nghĩa là trận then chốt Chiến dịch. Thắng lợi của trận mở đầu đã củng cố lòng tin của quân và dân ta, nhất là đối với Bộ đội Phòng không - Không quân về khả năng có thể bắn rơi được máy bay B-52 tại chỗ, bắt sống giặc lái, gây hoang mang cho lực lượng không quân Mỹ; đồng thời, khẳng định tên lửa là lực lượng chủ yếu đánh B-52. Thắng lợi của trận mở đầu Chiến dịch Phòng không tiếp tục khẳng định truyền thống đánh thắng trận đầu của Quân đội ta, mở ra các điều kiện thuận lợi về tổ chức lực lượng, xây dựng thế trận và vận dụng cách đánh cho các trận đánh tiếp theo của Chiến dịch, bắn rơi nhiều máy bay B-52, đưa Chiến dịch phòng không cuối năm 1972 đến thắng lợi hoàn toàn, thực hiện xuất sắc lời dạy của Bác: “đánh cho Mỹ cút”.
Trong cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân năm 1975, Chiến dịch Tây Nguyên là chiến dịch chiến lược mở đầu của cuộc tổng tiến công chiến lược. Trong chiến dịch này, ta chọn Buôn Ma Thuột là nơi đánh trận then chốt quyết định mở đầu. Có thể khẳng định, đây là sự lựa chọn sáng suốt, bởi nơi đây hội tụ đầy đủ các yếu tố cơ bản của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Thắng lợi của trận Buôn Ma Thuột đã tạo ra thế trận và thời cơ có lợi, để các lực lượng tiến công tiêu diệt Sư đoàn bộ binh 23 (thiếu) của địch đổ bộ đường không, qua đó tạo đột biến về chiến dịch, giúp các đơn vị tiêu diệt cơ bản lực lượng của Quân đoàn 2 địch rút chạy trên Đường số 7, hoàn thành nhiệm vụ Chiến dịch đề ra. Chiến dịch Tây Nguyên - chiến dịch chiến lược mở đầu cuộc tiến công chiến lược năm 1975 thắng lợi đã tạo ra thế trận có lợi cho tác chiến chiến lược, như: chia cắt địch về chiến lược, bao vây về chiến lược các cụm quân địch, kìm giữ các lực lượng cơ động chiến lược của địch,... từ đó nhanh chóng tiêu diệt cụm quân phía Bắc của địch. Với việc tạo ra đột biến về chiến lược, Chiến dịch Tây Nguyên đã tạo ra thời cơ tiến công thần tốc và quyết thắng, tiến tới thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đó là giá trị của các trận đánh, chiến dịch mở đầu - truyền thống đánh thắng trận đầu của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), các trận đánh, chiến dịch mở đầu thường là các trận đánh, chiến dịch có nhiều khó khăn, phức tạp, nhưng thắng lợi của nó có tác dụng rất tích cực đến tiến trình tiếp theo của chiến dịch và tác chiến chiến lược. Vì vậy, người chỉ huy và cơ quan tác chiến cần lựa chọn mục tiêu mở đầu hợp lý, tốt nhất là chọn mục tiêu mở đầu hội tụ được càng nhiều yếu tố của nghệ thuật quân sự Việt Nam càng tốt, từ đó mở ra hướng phát triển tác chiến thuận lợi cho chiến dịch và tác chiến chiến lược. Tiến hành tạo lập thế trận có lợi cho trận đánh, chiến dịch mở đầu, chuyển hóa thế trận linh hoạt; chuẩn bị chu đáo cả về con người, vũ khí, trang bị và cơ sở vật chất, nhất là chuẩn bị quyết tâm chiến đấu cho bộ đội; lựa chọn cách đánh hợp lý, sử dụng lực lượng, phương tiện tạo ra ưu thế hơn địch, chú trọng sử dụng lực lượng, phương tiện hiện đại của Quân đội, bảo đảm trận đầu đánh chắc thắng, tiếp tục tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Quân đội ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét