Thách thức trong cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy là không hề đơn giản, bởi là vấn đề khó, nhạy cảm, liên quan đến con người. Liên quan đến những thách thức đó, Tổng Bí thư Tô Lâm đã từng đề cập “thậm chí có cả những lực cản quyết liệt”. Song trong bối cảnh hiện nay, đây là việc phải làm, không thể chậm trễ hơn được nữa.
Ngay sau khi cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy do Tổng Bí thư Tô Lâm khởi xướng, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, triển khai quyết liệt. Quốc hội, Chính phủ, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội, các bộ, ngành và địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo để tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18 NQ-TW tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu quả. Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng Ban chỉ đạo, khối Chính phủ do Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban chỉ đạo; các bộ, ngành do Bộ trưởng, Trưởng ngành làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Các tỉnh, thành phố do Bí thư Tỉnh uỷ, Thành uỷ làm Trưởng Ban chỉ đạo.
Từ phương án nghiên cứu sắp xếp được đưa ra thì phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đối với các cấp uỷ, tổ chức Đảng giảm được 4 cơ quan Đảng trực thuộc Trung ương, 25 ban cán sự Đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung tương; tăng 2 Đảng ủy trực thuộc Trung ương. Đối với khối Chính phủ giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ. Đối với khối Quốc hội, giảm được 4 Ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Với tinh thần “thần tốc”, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW (do Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng Ban Chỉ đạo) đã yêu cầu, các đơn vị hoàn thành đề án sắp xếp, tinh gọn bộ máy trong tháng 12/2024 để phục vụ Hội nghị Trung ương và kỳ họp Quốc hội bất thường sẽ được tổ chức vào tháng 2/2025.
Với tinh thần đó, Chính phủ đã đưa ra phương án sau sắp xếp, theo đó sẽ có 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, giảm 5 bộ và 3 cơ quan trực thuộc Chính phủ. Các tổ chức sau khi sắp xếp, hợp nhất giảm từ 35-40% đầu mối, các tổ chức còn lại sắp xếp bên trong thì giảm tối thiểu 15%. Cơ bản bỏ các tổng cục và các tổ chức tương đương, bước đầu dự kiến giảm 500 cục thuộc bộ, các tổng cục. Đối với Quốc hội, sau khi sáp nhập, tinh gọn, dự kiến số đầu mối các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giảm gần 36%; các vụ, đơn vị của Văn phòng Quốc hội sẽ giảm trên 40%.
Đến nay các cơ quan, ban Đảng, đơn vị sự nghiệp của Đảng; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương đã triển khai nghiêm túc việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW (Nghị quyết 18), xây dựng đề án, phương án sắp xếp tổ chức bộ máy.
Đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngay sau Hội nghị toàn quốc quán triệt triển khai việc tổng kết Nghị quyết Nghị quyết 18, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã chủ trì cuộc họp quán triệt triển khai Nghị quyết 18. Cơ quan Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã hoàn thành xong đề án, theo đó sẽ giảm 8 đầu mối cấp vụ (từ 16 còn 8 đầu mối); tăng thêm 4 đơn vị cấp phòng.
Điều đáng nói, không chỉ các Ban, Bộ, Ủy ban thuộc diện sáp nhập, chấm dứt hoạt động phải tăng tốc lên phương án sắp xếp; mà “lời hiệu triệu” do Tổng Bí thư Tô Lâm khởi xướng đã đốc thúc ngay cả các bộ, ngành không nằm trong diện sáp nhập. Đơn cử, Bộ Công thương đã có phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của bộ mình khi giảm 5 đơn vị (từ 28 đơn vị xuống còn 23 đơn vị), tức giảm 17,8% số đầu mối.
Còn đối với cấp tỉnh, thành phố, hưởng ứng “Trung ương gọi, địa phương trả lời”, các địa phương hiện đang thực hiện các phương án sắp xếp. Tại Nghệ An đã đưa ra phương án hợp nhất 12 sở, kết thúc hoạt động 11 đảng đoàn. Như vậy, theo đề án sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tỉnh Nghệ An sẽ giảm 6 sở và 1 cơ quan trực thuộc tỉnh.
Trong khi đó, Hải Phòng cũng lên phương án dự kiến sáp nhập Ban Tuyên giáo Thành ủy với Ban Dân vận; kết thúc hoạt động của Ban bảo vệ - chăm sóc sức khỏe cán bộ thành phố, Đảng ủy khối các cơ quan thành phố, Đảng khối doanh nghiệp thành phố và các đảng đoàn-ban cán sự đảng trực thuộc thành ủy. Đồng thời hợp nhất Sở Kế hoạch và đầu tư với Sở Tài chính; hợp nhất Sở Tài nguyên và môi trường với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn; hợp nhất Sở Văn hoá, thể thao với Sở Du lịch; hợp nhất Sở Khoa học công nghệ với Sở Thông tin và truyền thông; hợp nhất Sở Lao động, thương binh và xã hội với Sở Nội vụ, đồng thời chuyển một số chức năng về Sở Giáo dục và đào tạo và Sở Y tế.
Theo kế hoạch, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị căn cứ nhiệm vụ được phân công, chủ động xây dựng, hoàn thiện Đề án (hoặc phương án) sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo nhiệm vụ được phân công và gửi về Ban Tổ chức Thành ủy trước ngày 15/1/2025 để tổng hợp, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố.
Báo cáo của Bộ Nội vụ cho thấy, trong giai đoạn 2019-2022, tinh giản biên chế đã giúp ngân sách tiết kiệm được trên 25.600 tỷ đồng để đưa vào thực hiện cải cách tiền lương. Đến nay dẫu chưa có ước tính cụ thể về số chi phí ngân sách tiết kiệm được sau tinh gọn tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị. Song thực tế, trong cải cách thủ tục hành chính nhằm cải thiện hiệu quả công việc và giảm chi phí ngân sách thì Hà Nội đã thông qua Đề án thí điểm thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công TP Hà Nội. Với việc thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công sẽ giảm số lượng bộ phận “một cửa” (giảm từ 673 bộ phận “một cửa” còn 30 chi nhánh). Theo UBND TP Hà Nội, Trung tâm hành chính công thay cho bộ phận “một cửa”, qua đó tiết kiệm khoảng 231 tỷ đồng mỗi năm.
Nêu ví dụ trên tại Hà Nội để thấy, nếu quá trình sắp xếp tinh gọn, tổ chức bộ máy được triển khai đồng bộ trên cả nước thì chi ngân sách cho bộ máy sẽ giảm được đáng kể, qua đó dành nguồn lực lớn để cho chi đầu tư phát triển đất nước sẽ vô cùng lớn.
Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương) lấy ví dụ và nêu phân tích rằng: trong sắp xếp, nếu giảm đi 1 Bộ thì ít nhất giảm đi 63 Sở ở các tỉnh, thành phố. Khi giảm 63 Sở thì giảm đi hàng nghìn phòng ở dưới huyện và các đơn vị trực thuộc của Sở.
Thế nhưng, những khó khăn khi triển khai tinh giản bộ máy là không hề đơn giản. Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu rõ rằng “đây là vấn đề đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, hy sinh của từng cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, tất cả vì sự phát triển của đất nước”.
Từ kinh nghiệm thực tiễn nhiều năm nghiên cứu về vấn đề công tác cán bộ, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, tinh gọn bộ máy đã được đặt ra nhiều năm nay nhưng chưa thực hiện được do có nhiều vướng mắc. Giờ không còn thời gian lùi nên bây giờ phải “vừa chạy vừa xếp hàng”, nghĩa là vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, trong quá trình làm thấy khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn ở chỗ nào thì tập trung tháo gỡ vướng mắc ở chỗ đó.
Cho rằng, đây là vấn đề rất khó, đụng chạm tới lợi ích, tâm tư tình cảm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, theo ông Cuông, vướng mắc nhất vẫn là giải quyết vấn đề con người. Do đó, với những người sau sắp xếp tự nguyện có đơn xin nghỉ thì giải quyết dễ dàng nhưng cần có chế độ chính sách thỏa đáng một cách công khai, minh bạch. Do đó, bây giờ để giải quyết vấn đề trên cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ vượt trội để khuyến khích đối với những người xin nghỉ sớm.
Về thách thức đối với những người “chưa muốn nghỉ”, theo ông Cuông trong tinh gọn con người cần có “thời kỳ quá độ”, tức là có lộ trình. Lý giải cho đề xuất trên, ông Cuông cho rằng, trước mắt nên tiến hành công tác sắp xếp tổ chức bộ máy để thu gọn đầu mối. Qua đó, xác định chức năng nhiệm vụ quyền hạn của tổ chức mới sau khi sắp xếp, sáp nhập, bước đầu đã giảm được cấp trưởng và cấp phó.
Riêng đối với con người theo ông Cuông, cần từng bước, có lộ trình. Bởi nếu dùng áp lực sẽ khiến cán bộ, công chức, viên chức “tâm tư”.
Từ thực tế trước đây Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa sau sáp nhập có đến 6-7 Phó Giám đốc Sở nhưng đến nay đã ổn định, chỉ còn 3 Phó Giám đốc, ông Cuông nói: “Mục tiêu quan trọng nhất khi tinh gọn, sáp nhập thì bộ máy phải mạnh và hiệu quả, công việc không được gián đoạn, trì trệ mà phải liên thông, trong đó yếu tố con người chính là để đảm bảo hoạt động của nền hành chính Nhà nước. Vì thế trước mắt chúng ta nên sắp xếp để tinh gọn đầu mối. Còn con người là vấn đề khó, nhạy cảm thì cần từng bước để bộ máy tổ chức sau sắp xếp được ổn định, tiến hành Đại hội xong xuôi thì mới tính đến vấn đề con người”.
Theo ông Nguyễn Đức Hà, chúng ta phải luôn luôn chú ý khắc phục cả 2 khuynh hướng. Nếu chủ quan, nóng vội quá có những cái tác động tiêu cực; nhưng cũng không được thận trọng, tỉ mỉ quá mức đến mức trì trệ.
Ông Hà nói, tinh gọn tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị, tinh giản biên chế cán bộ của cả hệ thống chính trị là việc lớn, việc nặng nề, phức tạp rất nhạy cảm. Cho nên, cần quan tâm đến công tác chính trị tư tưởng để ai cũng nhận thức được rõ, sâu sắc đây là vấn đề cấp thiết, bắt buộc phải làm.
“Khi sắp xếp tổ chức cán bộ đụng chạm đến cán bộ rất nhiều, tâm tư là đương nhiên vì đụng chạm đến quyền lợi, lợi ích, công ăn việc làm. Bởi với cán bộ là cả gia đình đằng sau nữa. Cho nên Đảng, Nhà nước, và các tổ chức cũng phải xem xét, cân nhắc, tính toán toàn diện nhiều giải pháp”, ông Hà nói.
Liên quan đến phương án sắp xếp tại Hải Phòng, ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng cũng cho rằng, cần tiến hành sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trước. Sau đó sẽ tiến hành tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nhằm loại bỏ những vị trí không cần thiết, trùng lặp chức năng nhiệm vụ, giảm những công việc không hiệu quả, tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực then chốt, những con người thực sự xứng đáng và phù hợp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét