Thứ Hai, 30 tháng 12, 2024

Đổi mới tư duy, tinh gọn tổ chức: Lộ trình tất yếu của tương lai

 Trong tinh gọn tổ chức bộ máy, vấn đề không chỉ nằm ở việc “gọn” mà phải “mạnh”, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy sau sắp xếp, sáp nhập. Do đó bên cạnh các giải pháp cụ thể để thực hiện tinh giản bộ máy thì hiệu quả của bộ máy, chất lượng đội ngũ cán bộ sau sắp xếp là nhân tố đặt lên hàng đầu.

Tinh giản phải “giữ chân” được người tài

Sức nóng của tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế đã nhận được sự quan tâm lớn của Nhân dân, toàn xã hội. Báo cáo Công tác Dân nguyện tháng 10 và 11 năm 2024 của Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phản ánh, cử tri và Nhân dân mong muốn khi thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cần quan tâm đến việc đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Vì thế, điều kiện trước tiên khi đề ra biện pháp tinh giản biên chế thì yếu tố quan trọng chính là việc bảo đảm quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Về vấn đề này, ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ cho biết, hiện Bộ Nội vụ đang nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách đủ mạnh và vượt trội để làm cơ sở tiến hành sắp xếp, tinh giản đội ngũ cán bộ công chức sau sắp xếp.

Theo ông Minh, vì là vấn đề nhạy cảm, phức tạp, và tác động rất lớn tới xã hội nên sẽ có cơ chế để giải quyết cho cán bộ công chức trong bộ máy có nguyện vọng, nhu cầu chuyển sang khu vực lĩnh vực khác.

“Chính sách phải căn cơ, bao trùm và bảo đảm đánh giá đúng tác động để có cơ sở chính trị, pháp lý thực hiện sắp xếp. Bởi còn liên quan đến bố trí sắp xếp con người theo hướng phải có chính sách rất vượt trội và đủ mạnh để có cơ chế thực hiện sắp xếp với tinh thần vừa đảm bảo mục tiêu tinh gọn, và nâng cao chất lượng của đội ngũ nhưng cũng phải đảm bảo tính ổn định để phát triển. Đồng thời, quan tâm tới tâm tư nguyện vọng chính đáng của đội ngũ cán bộ công chức viên chức”-ông Minh nói.

Người phát ngôn Bộ Nội vụ cũng khẳng định, tinh thần là sẽ có những chính sách mới và tính toán đến việc ưu tiên, bố trí, sử dụng người có trình độ phẩm chất, năng lực vượt trội, kinh nghiệm, thâm niên công tác, có chiều dày uy tín nghề nghiệp, có kiến thức kinh nghiệm sâu về chuyên môn ngành và lĩnh vực đặc thù để “giữ chân” người tài để phục vụ nền công vụ.

Bên cạnh đó, theo ông Minh, phải đảm bảo nguyên tắc và sự đồng thuận của cả 2 bên. Khi cán bộ công chức, viên chức, người lao động muốn nghỉ theo chính sách này phải có nguyện vọng và phải có sự đồng thuận thống nhất của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Không có thì người có năng lực, trình độ thấy thời gian công tác còn ngắn nhưng có khoản tài chính hấp dẫn hơn thì họ sẽ tính toán xin nghỉ để ra ngoài làm công việc khác. “Do đó chính sách phải tính toán căn cơ, bài bản và đạt mục tiêu tinh gọn bộ máy nhưng tái cấu trúc và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức để có đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, trình độ năng lực ngang tầm nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu của bộ máy mới sau khi sắp xếp là vấn đề đặt ra trong thời gian này”-ông Minh nói, đồng thời cho hay yếu tố con người cần được bố trí, sắp xếp tái cấu trúc lại để bảo đảm công việc không bị gián đoạn, không ảnh hướng đến sự phát triển kinh tế xã hội và nền công vụ để nền hành chính đảm bảo tính liên tục, thông suốt, và đồng bộ hiệu quả.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu thực tế, khi đi vào sắp xếp sẽ “đụng chạm” ảnh hưởng đến quyền lợi người này, người kia nên trước tiên cần làm tốt hơn nữa, sâu sắc hơn nữa, tạo đồng thuận cao của hệ thống chính trị, cử tri và Nhân dân cả nước trong việc thực hiện các chủ trương mới, trong đó có việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy.

Bà Thanh cũng cho rằng, nội dung rất quan trọng trong việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy thì phải có cơ chế chính sách hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ cán bộ nằm trong diện sắp xếp, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức viên chức, người lao động. Nhất là nên có cơ chế chính sách hợp lý, thậm chí là phải có cơ chế thật mạnh và vượt trội so với trước đây để khuyến khích những người còn 2, 3, 4 năm có thể sẵn sàng nghỉ để cho cán bộ trẻ, được đào tạo bài bản giữ lại trong hệ thống.

Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu, tinh gọn tổ chức bộ máy đây không chỉ là vấn đề về quy mô hay số lượng, mà sâu xa hơn là phải tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị. Tinh giản không có nghĩa là cắt giảm một cách cơ học, mà là loại bỏ những vị trí không cần thiết, giảm những công việc không hiệu quả, từ đó tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực then chốt, những con người thực sự xứng đáng và phù hợp. Với yêu cầu cao hơn khi triển khai tổ chức mới, phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lại cán bộ trước và sau khi sắp xếp lại tổ chức.

Như vậy, trong cuộc cách mạng này, không chỉ cắt giảm mà phải gắn liền với công tác cán bộ. Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương nêu quan điểm, cần kết hợp tinh gọn bộ máy với công tác tổ chức cán bộ, thực hiện chính sách với cán bộ cần sắp xếp, điều chỉnh, bố trí lại. Đảng ta đã có chủ trương “không để ai bị bỏ lại phía sau”, cho nên cũng phải xử lý cho hợp tình hợp lý để cuối cùng phát huy được năng lực của cán bộ.

Ông Hà cũng cho rằng, phải xây dựng được vị trí việc làm cụ thể và rõ ràng. Dứt khoát tiến hành khách quan, xem xét năng lực, phẩm chất, hiệu quả cụ thể mới có thể bố trí phù hợp với công việc của từng cán bộ. Có như vậy mới phát huy hết năng lực sở trường của mỗi cán bộ để nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy.

Cũng phải nhìn nhận, việc đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của cả hệ thống chính trị trong bối cảnh tinh gọn bộ máy, ứng dụng công nghệ vào trong quá trình làm việc để góp phần tăng năng suất lao động đang là bài toán được đặt ra trước tác động như vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo AI. Bởi vậy, ông Trương Xuân Cừ (ĐBQH Đoàn Hà Nội) cho rằng, đầu tiên cần tinh giản để bộ máy gọn lại. Khi số lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức giảm đi, công việc tăng lên, yêu cầu cường độ làm việc cao đòi hỏi kỹ năng nghiệp vụ tinh thông là điều tất yếu.

Theo ông Cừ, đối với những người đã có nền tảng về kiến thức, khoa học thì cần bồi dưỡng để nâng cao nghiệp vụ nhằm tinh thông trong ứng dụng và sử dụng công nghệ thông tin, công nghệ điện tử để “điện tử hoá” toàn bộ hoạt động lao động, sản xuất của con người. Ngay bây giờ, đào tạo, tập huấn cũng áp dụng dạy trực tuyến, đồng thời áp dụng AI vào giải đáp các thắc mắc, hỗ trợ trong quá trình thi hành công vụ.

Ông Cừ đề xuất, sau này ngay cả trong đánh giá cán bộ cũng có thể đưa AI vào đánh giá năng lực cán bộ sẽ đem lại sự chính xác và khách quan hơn. Nghĩa là đưa khoa học công nghệ để đánh giá cán bộ. “Dùng AI để đánh giá về cán bộ có thể thấy được năng lực, trí tuệ của cán bộ. Từ đó có thể thấy cán bộ có đáp ứng được yêu cầu không? thấy cán bộ yếu ở khâu nào thì có thể bồi dưỡng tái đào tạo lại, nếu không thể đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ thì có thể tinh giản. Đánh giá năng lực cán bộ để còn tinh giản, thay thế cán bộ, và dùng công nghệ chính là AI để đánh giá lại cán bộ là khách quan nhất”-ông Cừ nói và chỉ ra thực tế thời gian qua việc đánh giá cán bộ còn nể nang nên tỷ lệ cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ để cho ra khỏi bộ máy vẫn còn ít và khiêm tốn. Khi tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực hiệu quả thì chắc chắn phải đánh giá và đào tạo lại cán bộ, khi đào tạo lại mà vẫn không đáp ứng được năng lực thì tiến hành tinh giản.

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét