Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2024

Phải chăng “Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa chỉ là nỗi lo hão huyền”?*


 

Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy là tư tưởng nhất quán, xuyên suốt, thượng sách giữ nước của dân tộc Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử. Tư tưởng đó tiếp tục được Đảng ta kế thừa, phát triển cả trong hiện tại và tương lai xuất phát từ yêu cầu cấp thiết của nó đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chứ không phải “nỗi lo hão huyền” như luận điệu các thế lực thù địch rêu rao, xuyên tạc.

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc cho thấy, ông cha ta luôn coi trọng việc bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng nhiều biện pháp. Hiện nay, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa đã trở thành quan điểm lớn của Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo lĩnh vực quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng đã khẳng định quan điểm này. Nghị quyết Đại hội XIII tiếp tục khẳng định: “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa”1. Thế nhưng, đâu đó lại có luận điệu cho rằng: “Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa chỉ là nỗi lo hão huyền”, không có cơ sở thực tế, không có thật (?!). Để làm rõ vấn đề này, cần làm sáng tỏ những cơ sở khoa học và thực tiễn để khẳng định tính chân lý trong quan điểm của Đảng ta.

Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa là sự kế thừa sâu sắc kinh nghiệm quý trong truyền thống dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam

Đây là vấn đề có tính quy luật phổ biến của nhiều quốc gia - dân tộc. Đối với Việt Nam, “giữ nước từ khi nước chưa nguy” luôn là vấn đề thường trực của đất nước. Thật vậy, kể từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên đến nay, trong khoảng gần 23 thế kỷ, với hàng chục cuộc chiến tranh giữ nước cùng hàng trăm cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng, tính ra thời gian kháng chiến giữ nước và đấu tranh chống đô hộ ngoại bang của dân tộc ta đã chiếm tới 12 thế kỷ. Hầu như mọi triều đại phong kiến Việt Nam đều phải lo trước việc phòng bị và chăm lo bảo vệ đất nước; đều phải tổ chức chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Ngoài ra còn những cuộc trấn áp đối với các thế lực phản loạn, tiếm quyền, các cuộc nổi dậy ly khai, đòi tự trị, v.v. Như vậy, bảo vệ Tổ quốc bao hàm ứng phó với cả “thù trong, giặc ngoài”.

Trong lịch sử, ông cha ta luôn coi trọng công việc giữ nước, thực hiện phương châm “giữ nước từ khi nước chưa nguy”, “nội yên, ngoại tĩnh”. Những tư tưởng và hành động biểu thị sự nghĩ trước, biết trước, lo xa, luôn cảnh giác, đề phòng bất trắc từ trước, từ sớm, từ xa đều nhằm thực hiện mục tiêu chủ yếu ấy. Thực tiễn lịch sử chỉ ra, triều đại nào biết chăm lo sức dân, yên dân, chuẩn bị tốt phòng bị đất nước thì nước yên, kẻ thù không dám nhòm ngó, xâm phạm; còn nội bộ mất đoàn kết, lòng dân ly tán thì nguy cơ bị thôn tính, xâm lược trở nên hiện hữu hơn bao giờ hết. Có những bài học đau xót từ việc coi nhẹ việc giữ nước, tách rời dựng nước với giữ nước, chủ quan khinh địch, lơ là mất cảnh giác, để khi giặc đến đánh thì trở tay không kịp, chuốc lấy thất bại, đẩy dân tộc vào vòng nô lệ ngoại bang. Như vậy, phương châm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa là sự đúc kết thực tiễn qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc ta. Kế thừa tư tưởng của ông cha ta về chăm lo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngay từ khi nước chưa nguy có một căn cứ lịch sử quan trọng không thể phủ nhận trong tư tưởng bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa của Đảng ta. Đó là sự thật chứ không phải hão huyền như luận điệu thù địch đã rêu rao, xuyên tạc.

Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa xuất phát và đúc kết từ thực tiễn cách mạng Việt Nam

Sự hình thành, phát triển nhận thức và hệ thống quan điểm của Đảng ta về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa đã phản ánh trung thành học thuyết Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phù hợp với tình hình, nhiệm vụ trong từng thời kỳ của cách mạng Việt Nam. Từ khi ra đời cho đến nay, Đảng ta luôn coi trọng lãnh đạo sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, coi đó là một nội dung lãnh đạo của cách mạng Việt Nam. Khi chưa giành được chính quyền cũng như khi trở thành Đảng cầm quyền, Đảng ta luôn phân tích khoa học tình hình thế giới, khu vực, trong nước và căn cứ vào nhiệm vụ của cách mạng, xác định đúng đắn nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc phù hợp với mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể của đất nước.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, bên cạnh giặc ngoài, các thế lực thù địch, phản động trong nước tăng cường chống phá chính quyền cách mạng. Cùng với đó là nạn đói, nạn dốt, tài chính kiệt quệ,… đã đặt vận mệnh quốc gia - dân tộc vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Để chủ động ứng phó với những thách thức trên, ngày 25/11/1945, Trung ương Đảng ra chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc”, nêu rõ nhiệm vụ cấp bách trước mắt là củng cố chính quyền, chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân; trong đó, nhiệm vụ bao trùm là củng cố chính quyền. Bên cạnh lực lượng Quân đội được thành lập từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lực lượng Công an nhân dân được thành lập ngay sau khi giành được chính quyền ở Hà Nội. Đây là những lực lượng nòng cốt bảo đảm thắng lợi cho nhiệm vụ chống thù trong, giặc ngoài, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa ngay từ những ngày đầu mới xác lập chính quyền cách mạng.

Sau khi cuộc đàm phán ở Phôngtennơblô năm 1946 tan vỡ, Đảng ta đã nhận định không sớm thì muộn Pháp sẽ đánh mình và mình cũng nhất định phải đánh Pháp. Theo đó, tinh thần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy lúc này được thể hiện ở sự tích cực, chủ động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nhằm ngăn chặn, loại trừ các nguy cơ gây mất an ninh cho đất nước, cho chế độ ngay từ những ngày đầu mới giành chính quyền; đồng thời, mở rộng phạm vi không gian, nội dung, nhiệm vụ, lực lượng, phương tiện bảo vệ; gắn bảo vệ trực tiếp với bảo vệ gián tiếp, bảo vệ bằng phương thức vũ trang kết hợp với các phương thức phi vũ trang, giữa bảo vệ bên trong với bảo vệ bên ngoài đất nước.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, phương châm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa là sử dụng tổng hợp các biện pháp, cả kinh tế, chính trị, tư tưởng - văn hóa, khoa học, quân sự, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; trong đó, chú trọng các biện pháp đối ngoại, đấu tranh chính trị, pháp lý để ta có được thế chủ động, sẵn sàng ứng phó với các diễn biến của chiến tranh. Từ thực tiễn lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, Đảng ta đã rút ra kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến giải phóng dân tộc, một trong những kinh nghiệm đó là: “Vừa chiến đấu, vừa phát triển lực lượng và xây dựng hậu phương kháng chiến”2.

Đến kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng ta đã một mặt vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ động nắm bắt đúng tình hình thực tiễn cách mạng xác định nhiệm vụ, mục tiêu, đường lối bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa kịp thời, không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống. Mặt khác, tích cực chủ động vừa đánh vừa đàm, phát huy đấu tranh ngoại giao bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy. Với dự đoán chính xác việc Mỹ sẽ đưa máy bay B-52 đánh phá Hà Nội và chỉ chịu thua khi bị thua trên bầu trời Hà Nội là một biểu hiện sinh động về tư duy bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đó, sớm chỉ đạo quân và dân ta, làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” lịch sử, buộc Mỹ phải trở lại bàn đàm phán và ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa xuất phát từ âm mưu, thủ đoạn chống phá của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch

Thực tiễn cho thấy, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, phản động chưa bao giờ từ bỏ âm mưu, hành động chống phá cách mạng nước ta; các thế lực hiếu chiến ngoại bang cũng chưa khi nào ngừng dã tâm xâm chiếm, thôn tính Việt Nam. Những năm qua, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị luôn âm mưu, tìm mọi cách thức, thủ đoạn chống phá nền tảng tư tưởng Đảng, chống phá Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Thực tế những “điểm nóng” ở Thái Bình (năm 1997); vụ gây rối ở Tây Nguyên (năm 2001, năm 2004); Mường Nhé (năm 2011); bạo động ở Bình Thuận (năm 2018); vụ gây rối trật tự ở xã Đồng Tâm, Hà Nội (năm 2020); vụ khủng bố xảy ra tại huyện Cư Kurin, Đắk Lắk gần đây (ngày 11/6/2023) đã cho thấy các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước câu kết với nhau tăng cường chống phá toàn diện về chính trị, quân sự, kinh tế, tư tưởng, văn hóa,… lợi dụng vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo”; tuyên truyền kích động, khoét sâu vào những bất đồng, mâu thuẫn để chống phá cách mạng nước ta, phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng, nội bộ đất nước. Đảng ta đã nhận định: “Các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta”3. Đây là nguy cơ và cũng là thách thức lớn đối với đất nước ta trong thời gian sắp tới. Hóa giải nguy cơ này chính là phương thức bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Và bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa không chỉ có trong nhận thức, tư duy mà còn thể hiển cả trong hành động thực tế. Tư duy không ảo tưởng, thì hành động sẽ không hão huyền.

Từ những cơ sở trên có thể thấy, thực chất luận điệu “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa chỉ là nỗi lo hão huyền” là luận điệu ru ngủ người tiếp nhận thông tin và truyền tải một tinh thần lơ là, mất cảnh giác đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc để thực hiện âm mưu thâm độc: bác bỏ nội dung quan trọng trong nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của lĩnh vực quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Do không có bản lĩnh và không nhận thức được bản chất và tính quy luật của vấn đề bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa nên một số người đã ngộ nhận trước luận điệu này, rơi vào chủ quan, thậm chí ảo tưởng, không thấy được những nguy cơ, thách thức đã, đang đe doạ đến vận mệnh của Tổ quốc. Từ không nhận thức được bản chất vấn đề bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, nên họ cũng không thấy, không biết trách nhiệm của mình phải làm gì và ở đâu?

Đến đây, có thể khẳng định rằng, chính luận điệu phủ nhận “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa” mới là không có sơ sở thực tế, là “hão huyền”. Bởi,  quan điểm “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa” của Đảng ta được dựa trên những căn cứ khoa học và cơ sở lý luận, thực tiễn xác đáng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét