Thứ Hai, 30 tháng 12, 2024

Sự kết hợp giữa điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan của cách mạng xã hội chủ nghĩa

 


Điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan có mối quan hệ biện chứng với nhau, trong đó điều kiện khách quan giữ vai trò quyết định, nhân tố chủ quan giữ vai trò rất quan trọng. Khi điều kiện khách quan của sự cải biến xã hội đã có rồi nhưng nhân tố chủ quan chưa chín muồi thì tình thế, thời cơ cách mạng sẽ qua đi, có phát động cách mạng cũng sẽ gặp khó khăn, thậm chí thất bại. Ngược lại, nếu nhân tố chủ quan đã sẵn sàng nhưng tình thế, thời cơ cách mạng chưa chín muồi mà tiến hành cách mạng thì cách mạng sẽ gặp nhiều tổn thất nặng nề.

Tình thế cách mạng là kết quả của sự vận động tổng hợp của những mâu thuẫn khách quan về kinh tế, chính trị, xã hội. Tình thế cách mạng xuất hiện khi mà giai cấp thống trị không thể thống trị như trước được nữa, giai cấp bị áp bức không thể tiếp tục cuộc sống như trước, giai cấp lãnh đạo cách mạng đã sẵn sàng… Nhưng để tình thế cách mạng xuất hiện cần phải có sự tác động của nhân tố chủ quan. V.I.Lênin đã khẳng định vai trò của nhân tố chủ quan: Không phải tình thế cách mạng nào cũng làm nổ ra cách mạng, mà chỉ có trường hợp là cùng với tất cả những thay đổi khách quan nói trên, lại có thêm một thay đổi chủ quan, tức là giai cấp cách mạng có khả năng phát động những hành động cách mạng có tính chất quần chúng khá mạnh mẽ để đập tan (hoặc lật đổ) chính phủ cũ là chính phủ ngay cả trong thời kỳ có những cuộc khủng hoảng, cũng sẽ không bao giờ “đổ” nếu không đẩy cho nó “ngã” .

Cách mạng xã hội chủ nghĩa nổ ra và giành thắng lợi phải có thời cơ cách mạng. Thời cơ cách mạng là cơ hội thuận lợi nhất, tốt nhất, chín muồi nhất, trong một thời điểm nhất định có thể đưa đến sự bùng nổ và thắng lợi của cách mạng; là lúc tình thế cách mạng phát triển đến đỉnh cao đặt ra vấn đề phải chuyển chính quyền từ tay giai cấp lỗi thời sang tay giai cấp cách mạng, thực hiện bước ngoặt chính trị của cách mạng. Thời cơ cách mạng là khách quan nhưng việc nhận định đúng thời cơ hay có chớp được thời cơ để đưa cách mạng đến thắng lợi hay không lại phụ thuộc vào vai trò của nhân tố chủ quan. Chẳng hạn, việc có tình huống cách mạng ở nước Đức vào năm 1918 nhưng đã không dẫn đến thắng lợi của giai cấp vô sản, bởi lẽ, như Lênin viết “trong thời gian khủng hoảng, công nhân Đức không có một chính đảng thật sự cách mạng”[1]. Do vậy, chỉ có riêng những điều kiện khách quan là chưa đủ để thực hiện những cải biến cách mạng căn bản, các điều kiện đó chỉ biểu hiện như những khả năng hiện thực. Chính nhân tố chủ quan đã chín muồi mới là lực lượng hiện thực hóa khả năng đã có sẵn trong các điều kiện khách quan.

Điều kiện khách quan của một cuộc cách mạng xã hội không phải bao giờ cũng được hình thành một cách tự phát. Đại đa số trường hợp là kết quả nỗ lực của nhân tố chủ quan, tức là phải có chuẩn bị và tập hợp lực lượng, phải biết tạo ra thời cơ, tránh thụ động, trông chờ, mà phải năng động, sáng tạo, linh hoạt, biết chớp đúng thời cơ để phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền. Chính vì vậy, trong tiến trình cách mạng, giai cấp công nhân và chính đảng của mình phải luôn tôn trọng khách quan, chống chủ quan duy ý chí; đồng thời phải phát huy tính năng động chủ quan, chống bảo thủ, trì trệ.

Đảng ta trong quá trình lãnh đạo cách mạng rất coi trọng điều kiện khách quan, nhưng cũng rất chú ý tới nhân tố chủ quan trong việc biến đổi các điều kiện khách quan, thúc đẩy nhanh quá trình xuất hiện tình thế cách mạng. Nghệ thuật lãnh đạo cách mạng là phải biết chủ động tạo thời cơ và biết chớp thời cơ để giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn. Thắng lợi rực rỡ của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một ví dụ điển hình cho sự kết hợp tài tình giữa điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, giai cấp công nhân và nhân dân lao động nước ta đã biết chớp đúng thời cơ cách mạng; khi tình thế cách mạng đã chín muồi nhất, đã nhất loạt vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn quốc. 



[1] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 44, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 2005, tr. 107.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét