Điều kiện khách quan của cách
mạng xã hội chủ nghĩa là sự hội tụ những mâu thuẫn kinh tế - xã hội vốn có
trong lòng xã hội tư bản chủ nghĩa đến độ chín muồi.
Chủ nghĩa tư bản ra đời do tiền đề kinh tế - xã hội trong lòng xã hội
phong kiến, khi hình thành lại tạo ra những tiền đề tự phủ định mình. Giai cấp
tư sản đã đóng vai trò cách mạng to lớn trong một giai đoạn lịch sử nhất định
là lật đổ xã hội phong kiến, xây dựng một chế độ xã hội mới cao hơn là xã hội
tư bản chủ nghĩa. Nó đã xoá bỏ quan hệ sản xuất phong kiến lỗi thời, lạc hậu
kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất. Chủ nghĩa tư bản ra đời đã phát
triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất thông qua cuộc cách mạng công nghiệp, cách
mạng công cụ sản xuất, áp dụng những thành tựu khoa học - công nghệ vào sản
xuất, vì thế đã tạo ra năng suất lao động cao hơn xã hội phong kiến. Khi lực
lượng sản xuất phát triển, mang tính chất xã hội hoá cao sẽ tạo ra tiền đề
khách quan là xoá bỏ quan hệ sản xuất không còn tương dung, vì dựa trên chế độ
chiếm hữu tư nhân tư bản về tư liệu sản xuất. Đây là điều kiện khách quan sâu
sa, phản ánh mâu thuẫn trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và quy định
tính tất yếu cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Với nền sản xuất
vật chất, sản xuất công nghiệp trong xã hội tư bản đã nảy sinh ra một lực lượng
xã hội, một giai cấp mới là giai cấp vô sản. Giai cấp vô sản trải qua nhiều
giai đoạn phát triển khác nhau, nhưng là giai cấp có tinh thần cách mạng ngay
từ khi ra đời. Cuộc đấu tranh của họ chống giai cấp tư sản bắt đầu ngày từ lúc
họ mới ra đời. C.Mác và Ph.Ăngghen đã khẳng định: “Vũ khí mà giai cấp tư sản đã
dùng để đánh đổ chế độ phong kiến thì ngày nay quay lại đập vào chính ngay giai
cấp tư sản. Nhưng giai cấp tư sản không những đã rèn những vũ khí sẽ giết mình;
nó còn tạo ra những người sử dụng vũ khí ấy chống lại nó, đó là những công nhân
hiện đại, những người vô sản”[1].
Thực tế lịch sử
đã chứng minh, từ khi giai cấp tư sản giữ vai trò thống trị xã hội tư bản chủ
nghĩa đến nay luôn tìm mọi biện pháp để khắc phục, hạn chế mâu thuẫn về kinh tế
- xã hội. Nhưng do bản chất chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản về tư liệu sản xuất
đã không thể khắc phục nổi mâu thuẫn vốn có trong lòng xã hội, mà càng tạo ra
điều kiện vật chất khách quan bùng nổ cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa để xoá bỏ
xã hội tư bản chủ nghĩa. Trong giai đoạn
hiện nay, chủ nghĩa tư bản đã tận dụng những thành tựu của cuộc cách mạng khoa
học - công nghệ hiện đại, để ứng dụng vào sản xuất tạo ra năng suất lao động
ngày càng cao. Để đáp ứng yêu cầu cạnh tranh trong sản xuất, nhu cầu mở rộng
thị trường tiêu thụ sản phẩm, chủ nghĩa tư bản càng đổi mới công nghệ sẽ đặt ra
đòi hỏi khách quan cho lực lượng sản xuất luôn có sự phát triển mạnh mẽ. Vì
vậy, trong điều kiện cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại càng phát
triển mạnh mẽ, xu thế quốc tế hoá nền kinh tế quốc tế mở rộng, nền kinh tế tri
thức phát triển sẽ tạo ra cơ sở vật chất - điều kiện khách quan nổ ra cuộc cách
mạng xã hội chủ nghĩa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét