Thứ Hai, 30 tháng 12, 2024

Động lực của cách mạng xã hội chủ nghĩa

 


Cách mạng xã hội chủ nghĩa với mục đích giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động khỏi tình trạng áp bức bóc lột, thu hút được sự tham gia của giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động khác dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân thông qua đảng cộng sản. Vì vậy, động lực của cách mạng xã hội chủ nghĩa là tổng hợp sức mạnh của các giai cấp, các tầng lớp, các lực lượng xã hội, trong đó động lực chủ yếu là khối liên minh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản. Tuy nhiên, vai trò của mỗi giai cấp và tầng lớp trong cách mạng xã hội chủ nghĩa có sự khác nhau.

Giai cấp công nhân giữ vai trò lãnh đạo và quyết định thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Bởi lẽ, giai cấp công nhân là giai cấp đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến, có khả năng xây dựng và đại diện cho một phương thức sản xuất tiến bộ nhất trong lịch sử xã hội loài người. Giai cấp công nhân có hệ tư tưởng tiên tiến, có lợi ích thống nhất và đáp ứng nhu cầu lợi ích chính đáng của quảng đại quần chúng nhân dân lao động mà những giai cấp thống trị trước không thể làm được. Thực tế cho thấy, ở những nước mà giai cấp công nhân đã giác ngộ được vai trò sứ mệnh lịch sử, tổ chức ra chính đảng có đường lối lãnh đạo cách mạng đúng đắn thì cách mạng xã hội chủ nghĩa nổ ra và giành thắng lợi. Ngược lại, ở đâu giai cấp công nhân chưa ý thức được vai trò lịch sử thì phong trào đấu tranh cách mạng ở đó chưa mạnh mẽ, cách mạng xã hội chủ nghĩa không thể nổ ra và giành thắng lợi trên thực tế.

Giai cấp nông dân là lực lượng quan trọng có vai trò to lớn trong cách mạng xã hội chủ nghĩa. Vì giai cấp nông dân là một giai cấp có số lượng đông đảo trong cơ cấu dân cư của xã hội, có mối quan hệ máu thịt và có nhu cầu hợp tác tự nhiên với giai cấp công nhân. Ở trong xã hội tư bản chủ nghĩa, giai cấp nông dân cũng bị bóc lột nặng nề nhưng họ không thể tự đấu tranh giải phóng. Vì họ không có hệ tư tưởng tiên tiến, không đại biểu cho phương thức sản xuất tiến bộ và không có khả năng tập hợp được các lực lượng cách mạng. Chỉ có giai cấp công nhân mới giác ngộ, tập hợp, vận động, giai cấp nông dân tạo nên lực lượng cách mạng hùng hậu uy hiếp và làm suy yếu lực lượng phản cách mạng. Thực tế cách mạng vô sản đã chứng minh, giai cấp nông dân có vai trò rất to lớn trong giai đoạn giành chính quyền, cải tạo xã hội cũ và xây dựng chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa trên mọi lĩnh vực của đời sống. Vấn đề đặt ra là trong tiến trình cách mạng xã hội chủ nghĩa, giai cấp công nhân thông qua chính đảng phải quan tâm đến nhu cầu lợi ích chính đáng và thiết thực của nông dân thì mới phát huy sức mạnh của họ.

Trí thức là những người có vai trò quan trọng trong cách mạng xã hội chủ nghĩa. V.I.Lênin đã khẳng định, không có tri thức không thể có chủ nghĩa xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định: “Trong sự nghiệp cách mạng, trong sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa, lao động trí óc có một vai trò quan trọng và vẻ vang; và công, nông, trí cần phải đoàn kết chặt chẽ thành một khối”[1]. Trí thức là những người có đóng góp to lớn trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân, phát triển dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, tham gia xây dựng đường lối của đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước và tổ chức nhân dân thực hiện đường lối, chính sách đó. Trong thời đại khoa học công nghệ, giá trị lao động chất xám ngày càng cao, thì vai trò động lực phát triển xã hội của trí thức lại càng to lớn hơn.

Xây dựng, củng cố vững chắc khối liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và trí thức sẽ tạo nên một lực lượng cách mạng to lớn, đủ sức để lật đổ giai cấp tư sản. Đồng thời sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa luôn phải sử dụng sức mạnh tổng hợp của các lực lượng cách mạng; phát huy sức mạnh của liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và trí thức; sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Nếu chỉ tuyệt đối hoá hoặc coi nhẹ một lực lượng cách mạng nào, ở trong nước hay quốc tế thì sự nghiệp cách mạng ở nước đó khó có thể thành công. Đại hội lần thứ XIII của Đảng ta xác định: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nền văn hóa, con người Việt Nam; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”[2].



[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 2011, tr. 376.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 2021, tr. 34.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét