Ngày 24/12/2024 (giờ địa phương), tại New
York, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã thông qua Công ước LHQ về chống tội
phạm mạng, đánh dấu một cột mốc lịch sử trong nỗ lực toàn cầu nhằm đối phó với
tội phạm trong thời đại số.
Đặc biệt,
theo Điều 64 của Công ước, văn kiện này sẽ được mở ký tại Thủ đô Hà Nội trong
năm 2025 và mang tên gọi "Công ước Hà Nội". Đây là sự kiện không chỉ
thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế mà còn khẳng định vai trò ngày càng nổi
bật, quan trọng cũng như uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời là
bằng chứng sinh động tiếp tục bác bỏ luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch,
phản động vu cáo Việt Nam không có dân chủ, nhân quyền.
Những đóng góp của Việt Nam vào các hoạt động
thúc đẩy hoà bình, an ninh và phát triển của toàn cầu
Ngày
20/9/1977, Việt Nam chính thức gia nhập LHQ, đây là một mốc son lịch sử đánh dấu
sự ghi nhận của tổ chức toàn cầu lớn nhất hành tinh và cộng đồng quốc tế đối với
một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do và dân chủ. Trong suốt
chặng đường 48 năm là thành viên của LHQ, Việt Nam từ một nước nhỏ vừa thoát khỏi
chiến tranh, đói nghèo, lạc hậu đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia
đi đầu trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ mà LHQ đề ra;
mối quan hệ giữa Việt Nam với LHQ không ngừng được củng cố, phát triển và Việt
Nam luôn nỗ lực là một thành viên tin cậy, chủ động, có trách nhiệm của LHQ, nổi
bật là những đóng góp to lớn vì mục tiêu duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.
Ngay sau khi
gia nhập LHQ, Việt Nam đã tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ của các nước
thành viên, các tổ chức quốc tế, viện trợ, giúp đỡ Việt Nam tái thiết sau chiến
tranh, phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và Việt Nam
đã sớm trở thành một trong những quốc gia hoàn thành các Mục tiêu phát triển
Thiên niên kỷ (MDGs) của LHQ.
Bên cạnh
đó, Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia một cách có trách nhiệm nhằm hiện
thực hóa các mục tiêu của LHQ, trong đó nổi bật là việc đóng góp, xây dựng mục
tiêu duy trì hòa bình và an ninh quốc tế của LHQ: Việt Nam tích cực tham gia
đàm phán và là một trong những nước đầu tiên ký Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn
diện (CTBT), tham gia và trở thành thành viên của Hội nghị Giải trừ quân bị
(CD), Việt Nam tích cực thương lượng và trở thành thành viên chính thức của
Công ước cấm vũ khí hóa học (CWC).
Ngoài ra, Việt
Nam đã phê chuẩn và thực thi nhiều công ước quốc tế về nhân quyền như Công ước
chống tra tấn (CAT) và Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị (ICCPR); đồng
thời chủ động đưa ra các kiến nghị về việc cải thiện cơ chế giám sát và xử lý tội
ác chống lại loài người. Những cải tiến này không chỉ dừng lại ở cấp quốc tế mà
còn được Việt Nam áp dụng vào hệ thống pháp luật trong nước, như việc sửa đổi Bộ
luật Hình sự để phù hợp với các chuẩn mực quốc tế…
Là một quốc
gia từng chịu nhiều tổn thất nặng nề từ chiến tranh, Việt Nam hiểu rõ hơn ai hết
giá trị của hòa bình và nhân quyền. Từ kinh nghiệm lịch sử, Việt Nam đã biến
đau thương thành động lực để đóng góp tích cực vào các nỗ lực quốc tế nhằm đấu
tranh chống lại các tội ác chống lại loài người.
Vai trò của
Việt Nam không chỉ giới hạn ở việc tham gia, mà còn chủ động thúc đẩy hợp tác,
sáng kiến và cải tiến các cơ chế pháp lý toàn cầu. Đặc biệt, Việt Nam đã hai lần
được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, nhiệm kỳ 2008-2009
và 2020-2021. Trong suốt nhiệm kỳ của mình, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy các nỗ
lực ngoại giao, đối thoại, tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các xung đột quốc tế.
Với vai trò này, Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến quan trọng như việc thúc đẩy
các nghị quyết về bảo vệ dân thường trong xung đột, ứng phó với hậu quả của chiến
tranh và biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó,
Việt Nam còn được bầu vào Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Kinh tế - Xã hội
(ECOSOC) và nhiều cơ chế quan trọng khác của LHQ. Những đóng góp tích cực của
Việt Nam vào các cơ chế này đã giúp nâng cao vị thế của quốc gia trên trường quốc
tế, đồng thời khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc bảo vệ và thúc đẩy các
giá trị nhân quyền, bình đẳng giới, và phát triển bền vững.
Từ khi Hội đồng
Nhân quyền LHQ được thành lập (năm 2006), Việt Nam hai lần trúng cử vào Hội đồng
này: Năm 2013, lần đầu tiên trúng cử nhiệm kỳ 2014-2016; năm 2022 trúng cử nhiệm
kỳ 2023 - 2025 và đang tái ứng cử nhiệm kỳ 2026-2028 để tiếp nối những đóng góp
và cam kết. Đồng thời, Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận khi có cách tiếp cận
xây dựng trong thúc đẩy đối thoại trong khuôn khổ Hội đồng Nhân quyền giữa các
nước liên quan, các tổ chức khu vực và các cơ chế của LHQ về quyền con người nhằm
giải quyết những quan tâm cụ thể về các vấn đề liên quan đến nhân quyền, nhân đạo;
gắn với việc phối hợp với các nước đang phát triển đấu tranh để bảo đảm Hội đồng
Nhân quyền hoạt động đúng nguyên tắc, thủ tục, không chính trị hóa, không can
thiệp vào công việc nội bộ các nước.
Với những
đóng góp của mình, Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào nhiều vị trí, cơ quan
quan trọng của LHQ và ghi được nhiều "dấu ấn" Việt Nam tại các cơ
quan như: thành viên Hội đồng Thống đốc cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế
(IAEA) 2021-2023, Hội đồng khai thác Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) nhiệm kỳ
2022-2025, Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Khóa 77 (9/2022-9/2023); các cơ quan
điều hành và chuyên môn của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO) như:
Hội đồng Chấp hành UNESCO 2021-2025, Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ và phát
huy sự đa dạng của biểu đạt văn hóa 2021-2025, Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ
di sản văn hóa phi vật thể 2022-2026; Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC) 2023-2027;
Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025; Ủy ban pháp lý và kỹ thuật của Cơ
quan quyền lực đáy đại dương (LTC) nhiệm kỳ 2023-2027.
Với những
thành tựu nổi bật và đóng góp tích cực trong suốt 48 năm qua, Việt Nam đã khẳng
định vai trò của mình là một thành viên trách nhiệm và tích cực của LHQ. Hiện tại
và tương lai, Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp vào việc giải quyết các thách thức
mới nổi lên như tội phạm mạng và bảo đảm quyền con người trên không gian mạng.
Qua đó, thúc đẩy hoà bình, an ninh và phát triển của toàn cầu.
Công ước Hà Nội khẳng định vị thế và vai
trò của Việt Nam trong đảm bảo quyền con người trên không gian mạng
Với sự bùng nổ
của khoa học công nghệ, không gian mạng đang trở thành môi trường thuận lợi cho
các băng nhóm tội phạm móc nối với nhau, tạo thành những mạng lưới tội phạm lớn,
hoạt động xuyên quốc gia. Chúng triệt để lợi dụng tính ẩn danh, tạo lập, sử dụng
các trang mạng có máy chủ ở nước ngoài, nhất là các mạng xã hội có sự phát triển
nhanh, bảo mật hơn như Telegram, Viber, TikTok, Instagram, Twitter...; sử dụng
các tài khoản cá nhân nặc danh, ẩn danh, chiếm đoạt được của người khác, tài
khoản giả mạo, lập các trang, nhóm mạng xã hội ẩn thông tin quản trị để lừa đảo,
chiếm đoạt tài sản.
Tội phạm
xuyên quốc gia, nhất là tội phạm mạng hiện nay đang là vấn đề chung của quốc tế
và không một quốc gia đơn lẻ nào có thể tự mình giải quyết được vấn đề này. Do
đó, hợp tác giữa các nước trong phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia đóng vai
trò hết sức quan trọng. Với nguyên tắc "không đi sau tội phạm, không để tội
phạm lộng hành", Việt Nam đã và đang nỗ lực, kiên quyết, kiên trì, đấu
tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, nhất là tội phạm mạng trong thời đại số
hiện nay.
Sự ra đời của
Công ước Hà Nội đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong hơn hai thập niên, khi
lần đầu tiên một văn kiện quốc tế về tội phạm xuyên quốc gia được thông qua.
Văn kiện này không chỉ thể hiện quyết tâm của cộng đồng quốc tế trong việc đối
phó với những thách thức ngày càng phức tạp từ không gian mạng mà còn khẳng định,
sự đoàn kết và hợp tác là chìa khóa để đảm bảo an ninh mạng toàn cầu. Công ước
gồm 9 chương, 71 điều là kết quả của gần 4 năm thương lượng liên tục và kéo dài
(2021-2024) giữa các quốc gia thành viên nhằm xây dựng một khuôn khổ pháp lý đa
phương toàn diện để đấu tranh với loại tội phạm nguy hiểm này. Đánh giá về vai
trò của Công ước Hà Nội, nhất là trong đảm bảo quyền con người trên không gian
mạng, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Philémon Yang coi đây là một công cụ mới để bảo
vệ con người trong một thế giới nơi công nghệ thông tin và không gian số cho thấy
tiềm năng to lớn nhưng cũng tiềm ẩn nhiều mối đe dọa.
Bà Ghada
Waly, Giám đốc điều hành Văn phòng LHQ về chống ma túy và tội phạm (UNODC) đánh
giá, việc thông qua Công ước Hà Nội là một chiến thắng hết sức ý nghĩa của chủ
nghĩa đa phương, đồng thời là bước tiến quan trọng trong nỗ lực của cộng đồng
quốc tế hướng tới việc xử lý các hành vi phạm tội trên không gian mạng như lạm
dụng tình dục trẻ em, lừa đảo trực tuyến hay rửa tiền… Cùng ngày, Tổ chức Cảnh
sát quốc tế (Interpol) cũng đánh giá cao việc Đại hội đồng LHQ thông qua Công ước
Hà Nội là một dấu mốc quan trọng trong cuộc chiến chống lại các mối đe dọa từ tội
phạm mạng.
Sự kiện Việt
Nam đăng cai Lễ ký Công ước tại Thủ đô Hà Nội tới đây khẳng định cam kết mạnh mẽ
của Đảng và Nhà nước trong hợp tác quốc tế phòng, chống tội phạm xuyên quốc
gia, nâng cao nhận thức và năng lực phòng ngừa của người dân đối với tội phạm mạng,
cũng như góp phần đảm bảo quyền con người trên không quan mạng, xây dựng môi
trường kinh doanh ổn định, an toàn, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Bên cạnh
đó, cho thấy lập trường nhất quán của Việt Nam là đề cao luật pháp quốc tế, chủ
trương chủ động tham gia, đóng góp tích cực vào công việc chung của LHQ để giải
quyết các vấn đề mang tính toàn cầu, trong đó, tội phạm luôn là mối đe dọa đối
với an ninh, kinh tế và ổn định xã hội của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt
là khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Trong bối cảnh
thế giới đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về nhân quyền và công lý quốc
tế, nhu cầu cấp bách về một hiệp ước toàn cầu mới để ngăn chặn tội phạm mạng, bảo
vệ quyền con người trên không gian mạng chưa bao giờ rõ ràng hơn. Với kinh nghiệm
lịch sử và trách nhiệm quốc tế, Việt Nam không chỉ góp phần xây dựng nền hòa
bình bền vững mà còn trở thành điểm sáng trong nỗ lực bảo vệ nhân quyền và đấu
tranh chống tội phạm mạng toàn cầu. Công ước Hà Nội một lần nữa thể hiện cam kết
mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế trong việc xây dựng một không gian mạng an toàn,
lành mạnh. Đây không chỉ là công cụ pháp lý quan trọng, mà còn là biểu tượng của
sự đoàn kết và hợp tác toàn cầu trước những thách thức mới của thời đại số.
Việc các quốc
gia cùng nhau tham gia và thực hiện Công ước sẽ góp phần bảo vệ lợi ích chung,
đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững trong kỷ nguyên công nghệ 4.0. Đồng
thời đây cũng là cơ hội lớn để Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực vào những nỗ
lực chung của LHQ cũng như của cộng đồng quốc tế trong bảo vệ và thúc đẩy những
giá trị phổ quát về quyền con người, cùng phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc,
dân chủ, hợp tác phát triển và tiến bộ xã hội. Qua đó, tiếp tục khẳng định
thành tựu, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, bác bỏ mọi luận điệu
xuyên tạc của các thế lực thù địch và các chiêu trò vu cáo Việt Nam trong vấn đề
dân chủ, nhân quyền.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét