Thứ Hai, 13 tháng 1, 2025

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) lần đầu đề ra những đặc trưng của mô hình chủ nghĩa xã hội phù hợp với thực tiễn của Việt Nam

 Trước đổi mới, nhận thức của Đảng về mô hình CNXH ở Việt Nam còn rập khuôn, máy móc, giáo điều theo mô hình của Liên Xô, chưa xuất phát đầy đủ từ hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của thực tiễn đất nước ta. Những khuyết tật, hạn chế của mô hình CNXH này là một trong những nguyên nhân làm cho đất nước rơi vào tình trạng khó khăn, lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội giai đoạn 1975 - 1986. Chính vì thế, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI (năm 1986), Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra đường lối đổi mới, từng bước đổi mới tư duy lý luận về mô hình CNXH, đánh dấu bước chuyển to lớn, có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định mô hình CNXH ở Việt Nam.

Sau 5 năm đưa đường lối đổi mới vào thực tiễn, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (tháng 6-1991) đã tổng kết: “Qua thực tiễn, chúng ta có thêm những nhận thức mới và kinh nghiệm quan trọng về con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội phù hợp với đặc điểm nước ta”(1). Trên cơ sở phân tích tình hình thế giới và trong nước, Đại hội VII thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Việc thông qua Cương lĩnh năm 1991 trong bối cảnh Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu tan rã càng thể hiện bản lĩnh chính trị, trí tuệ của Đảng trước những thách thức hiểm nghèo. Đảng khẳng định: “Sau Đại hội VII, sự tan rã của Liên Xô đã tác động sâu sắc đến nước ta. Đông đảo cán bộ và nhân dân lo lắng, một số người dao động, hoài nghi về tiền đồ của CNXH. Quan hệ kinh tế giữa nước ta với các thị trường truyền thống bị đảo lộn. Trong khi đó, Mỹ vẫn tiếp tục cấm vận. Một số thế lực thù địch đẩy mạnh những hoạt động gây mất ổn định chính trị và bạo loạn lật đổ. Nước ta một lần nữa lại đứng trước những thử thách hiểm nghèo. Đảng và nhân dân ta kiên trì đường lối đổi mới, ra sức thực hiện Nghị quyết của Đại hội VII, vượt qua khó khăn, trở ngại, giành nhiều thắng lợi to lớn”(2). Từ tư duy rập khuôn, máy móc, giáo điều, đến Đại hội VII, tư duy của Đảng có những bước chuyển biến rõ rệt, thể hiện rõ tư duy độc lập, tự chủ. Việc thừa nhận nền kinh tế xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế nhiều thành phần hoạt động theo cơ chế thị trường và hội nhập với kinh tế thế giới có thể được xem là một đột phá quan trọng về tư duy của Đảng khi xây dựng mô hình CNXH.

Nhiều nội dung lý luận, thực tiễn được Cương lĩnh đặt ra, trong đó có nội dung quan trọng là xác định những đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa. Lần đầu tiên, cụm từ “Những đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa”(3) được đưa vào Văn kiện của Đảng. Đây là một bước phát triển lý luận mang tính đột phá của Đảng, trình bày căn bản quan điểm của Đảng ta về chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân phấn đấu xây dựng.

Đảng xác định mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam gồm 6 đặc trưng cơ bản(4), là những đặc trưng bản chất hay mục tiêu cơ bản của CNXH ở Việt Nam mà nhân dân ta xây dựng và hướng tới dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tất cả những đặc trưng trên đều gắn bó mật thiết với nhau, vừa làm tiền đề, vừa làm cơ sở của nhau. Việc thực hiện thắng lợi nội dung này sẽ tác động tích cực tới việc thực hiện có kết quả các nội dung khác. Quá trình xây dựng đồng thời các nội dung đó sẽ đưa đất nước ta từng bước tiến tới mục tiêu chủ nghĩa xã hội.

Cùng với việc Cương lĩnh năm 1991 xác định những đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa, nhận thức của Đảng về CNXH đã tiệm cận tới những nét bản chất của CNXH trong điều kiện Việt Nam. Mô hình CNXH ở Việt Nam lần đầu tiên được nhận diện và khắc phục bước đầu tư duy máy móc, giáo điều, rập khuôn theo mô hình Liên Xô trước đây. Mặc dù chưa hoàn toàn đầy đủ, song các đặc trưng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quan hệ đối nội và đối ngoại đã tạo cơ sở để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hiện thực hóa thành chế độ xã hội có cơ sở hạ tầng phù hợp với kiến trúc thượng tầng, đưa đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội. Đây là lần đầu tiên, trên từng lĩnh vực của đời sống xã hội, Đảng đã khái quát được một hệ thống tư tưởng, quan điểm chỉ đạo vừa nhằm mục đích thúc đẩy công cuộc đổi mới tiến lên, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó, đáng chú ý là giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Trên cơ sở nhận thức đúng đắn, đầy đủ hơn về mô hình CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, đến Đại hội IX của Đảng (tháng 4-2001) tiếp tục có nhận thức mới về mô hình CNXH của Việt Nam, với việc lần đầu tiên chính thức đưa ra khái niệm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đại hội khẳng định: Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là đường lối chiến lược nhất quán, là mô hình kinh tế tổng quát trong suốt thời kỳ quá độ đi lên CNXH ở Việt Nam. Mô hình kinh tế tổng quát của thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam là phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Mục đích của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là phát triển lực lượng sản xuất, phát triển kinh tế để xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của CNXH, nâng cao đời sống nhân dân. Phát triển lực lượng sản xuất hiện đại gắn liền với xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp trên cả ba mặt: sở hữu, quản lý và phân phối. Lựa chọn mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là sự nắm bắt và vận dụng xu thế vận động khách quan của kinh tế thị trường trong thời đại ngày nay, nhằm sử dụng kinh tế thị trường để thực hiện mục tiêu từng bước quá độ lên CNXH. Đây là kết quả sau nhiều năm nghiên cứu, tìm tòi, tổng kết thực tiễn và là bước phát triển mới về tư duy lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam.

LHQ-ST

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét