Thứ Hai, 13 tháng 1, 2025

 Nhận diện và đấu tranh luận điệu xuyên tạc về công tác quản lý an toàn thực phẩm ở Việt Nam.

Lợi dụng sự bức xúc, bất bình tron xã hội khi các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý các vụ việc liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, trên trang blog Việt Nam Thời báo phát tán bài viết của đối tượng Trần Dân: Thực phẩm ngâm hóa chất chết người: phát người ngâm thì chưa đủ? Trong bài viết này, Trần Dân đã đưa ra dẫn chứng về vụ việc các cơ sở sản xuất dùng hóa chất độc hại để trồng và bảo quản giá đỗ cung cấp cho nhiều cơ sở kinh doanh gây ảnh hưởng tới sức khỏe cho hàng chục triệu người dân Việt Nam và cho rằng việc xử phạt hành chính như hiện nay là quá nhẹ, “xử phạt cho có” nên không đủ sức răn đe. Từ đó hắn đã xuyên tạc, hạ thấp vai trò của cơ quan chức năng trong việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm: “Riêng về an toàn vệ sinh thực phẩm, mỗi địa phương ở Việt Nam có hơn 10 cơ quan chịu trách nhiệm, vậy mà người dân vẫn bị đầu độc mỗi ngày”, yêu cầu phải làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý, sửa đổi luật hoặc là thay đổi thể chế ở Việt Nam.

Chúng ta phải thừa nhận rằng, vấn nạn một số chủ thể sản xuất kinh doanh vì chạy theo lợi nhuận tối đa mà có hành vi vi phạm pháp luật hiện nay đang rất nhức nhối và gây bức xúc trong xã hội. Đặc biệt có vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của con người. Thực tế trong những năm vừa qua, những vụ việc vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm được phát hiện với tính chất ngày càng nghiêm trọng, mức độ ảnh hướng ngày càng lớn, thủ đoạn ngày càng tinh vi đã khiến xã hội bất bình, và tâm lý chung, mọi người đều mong muốn tăng nặng mức phạt đối với hành vi vi phạm này cho đủ sức răn đe với các cơ sở làm ăn phi pháp. 

Có thể khẳng định rằng, hiện nay hệ thống pháp luật của Việt Nam tương đối đầy đủ, chặt chẽ, kể cả việc xử lý hình sự về vệ sinh an toàn thực phẩm. Các cơ quan hữu quan, trong đó Bộ Y tế có vai trò chủ chốt cùng với các bộ, ngành khác như: Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các cấp, các tổ chức xã hội… đã vào cuộc rất tích cực. Rất nhiều cơ sở ở các địa phương được thanh tra, kiểm tra và đã phát hiện ra các vụ vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm nghiêm trọng. Tuy nhiên, có thể thấy rằng việc phát hiện và xử lý vi phạm liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm không dễ. Bởi lẽ, mặc dù Bộ luật Hình sự hiện hành có nêu rõ điều kiện để xử lý vi phạm, nhưng thực tế khi chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra thì hầu hết lại chưa đủ các yếu tố cấu thành tội phạm, không chứng minh được thiệt hại của nạn nhân... Nhiều vụ việc làm giả mức độ lớn về thực phẩm chức năng, sử dụng phụ gia, hóa chất được phát hiện nhưng vẫn chưa đủ căn cứ xử lý hình sự. Đối với các cơ quan thanh tra của các bộ, ngành, địa phương khi đến kiểm tra, người vi phạm đã có đủ các biện pháp chuẩn bị đề phòng, nhanh chóng tẩy xóa dấu vết, tang vật để tránh bị “bắt quả tang”. Bên cạnh đó, các cơ sở chế biến, kinh doanh chủ yếu là nhỏ lẻ, manh mún, công nghệ lạc hậu, thường ở những nơi khó tiếp cận, việc quản lý rất khó khăn. Thực phẩm không an toàn rất khó phát hiện bằng mắt thường, các đối tượng vi phạm lại có nhiều thủ đoạn tinh vi khiến người tiêu dùng dễ bị mắc lừa. Mặt khác, do nhu cầu, thói quen, mức thu nhập, sự hiểu biết hạn chế... của người tiêu dùng cũng đã tạo cơ hội cho loại tội phạm này hoạt động. 

Thực tế cũng cho thấy, ở các quốc gia trên thế giới, mặc dù các chế tài xử lý về vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm rất nặng song vì lợi nhuận tối đa nên cũng không ít kẻ vẫn sẵn sàng vi phạm. Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, mỗi năm ước tính có khoảng 48 triệu người Mỹ bị nhiễm bệnh liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm (tương đương bình quân cứ 6 người có 1 người bị nhiễm bệnh), trong đó khoảng 128.000 người phải nhập viện và 3.000 ca tử vong. Theo điều tra của TBIJ và The Guardian (Mỹ), các chuyên gia đã tìm được nhiều tài liệu chưa công bố trước đây có liên quan 47 nhà máy vi phạm trên khắp nước Mỹ, trong đó có cả Pilgrim’s Pride, nhà sản xuất thịt gia cầm lớn nhất nước Mỹ và Swift Pork. 

Ở Nhật Bản, Công ty Fujiya, một trong những công ty sản xuất bánh kẹo hàng đầu của Nhật đã từng phải thừa nhận dùng sữa, kem, trứng quá hạn để làm sản phẩm phân phối khắp Nhật Bản. Hay cuộc khủng hoảng an toàn thực phẩm của Kobayashi liên quan đến Thực phẩm chức năng chứa men gạo đỏ Beni-koji Choleste Help dẫn tới 5 trường hợp tử vong do bệnh thận vào năm 2024.

Như vậy, vấn đề về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề mang tính toàn cầu, nhất là khi tốc độ phát triển của sản xuất và tiêu dùng tăng lên nhanh chóng. Ở bất kỳ thể chế nào, xã hội nào việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đều phải có sự chung tay của cả hệ thống chính trị và người dân. Do đó, bên cạnh hoàn thiện thể chế và tăng cường công tác quản lý của cơ quan chức năng thì cần phải nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trở thành “người tiêu dùng thông minh” để kịp thời phát hiện, xử lý hành vi vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm sức khỏe và tính mạng của mỗi người và sự an toàn của xã hội./.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét