Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”(1), “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”(2); “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(3),... Với tư cách là Đảng duy nhất cầm quyền, được nhân dân giao phó trọng trách lãnh đạo, để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, yêu cầu đặt ra đối với Đảng là xây dựng bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực để đảm nhận nhiệm vụ được giao.
Nhận thức rõ vị trí và tầm quan trọng của công tác cán bộ đối với việc nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, Đại hội XIII của Đảng xác định: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương đi đôi với cải cách tiền lương, chế độ, chính sách đãi ngộ, tạo môi trường, điều kiện làm việc để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phục vụ phát triển; có cơ chế lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài, khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. Đồng thời, có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, bị xử lý kỷ luật, không còn uy tín đối với nhân dân”(4).
Để thực hiện được mục tiêu này, Đại hội XIII của Đảng xác định các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá, đặc biệt là: “Đổi mới mạnh mẽ và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ...”(5); “Tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nhất là công tác tổ chức, cán bộ”(6); qua đó, khẳng định việc đổi mới mạnh mẽ trong công tác cán bộ và hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ là nhiệm vụ hệ trọng, được Đảng tập trung chỉ đạo thực hiện trong thời gian qua.
Công tác cán bộ luôn là khâu then chốt của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Trong những năm qua, công tác cán bộ của Đảng đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đáp ứng yêu cầu công cuộc đổi mới đất nước. Tuy nhiên, Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 17-11-2022, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong tình hình mới” cũng chỉ ra hạn chế trong việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị; trong đó, nhấn mạnh năng lực cụ thể hóa và lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng còn hạn chế, hiệu quả chưa cao. Chính sách cán bộ chưa thực sự tạo động lực để đội ngũ cán bộ toàn tâm, toàn ý với công việc. Một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, năng lực hạn chế, phẩm chất, uy tín thấp, vi phạm kỷ luật của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Theo Ban Nội chính Trung ương, “trong năm 2023, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 606 tổ chức đảng, hơn 24.160 đảng viên (tăng 12% về số đảng viên bị kỷ luật so với năm 2022). Trong đó, thi hành kỷ luật 459 đảng viên do tham nhũng, 8.863 đảng viên do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 19 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Trong đó, lần đầu tiên có 6 cán bộ bị xử lý kỷ luật do vi phạm trong kê khai tài sản, thu nhập. Cũng trong năm 2023, các cơ quan chức năng đã cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác đối với 9 cán bộ diện Trung ương quản lý. Các địa phương đã cho từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác khác hơn 360 trường hợp sau khi bị kỷ luật, trong đó có 92 cán bộ thuộc diện tỉnh ủy, thành ủy quản lý. Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã thi hành kỷ luật 105 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 22 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng”(7). Cách xử lý kiên quyết, nghiêm khắc đó góp phần quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và chế độ.
Công tác cán bộ là công việc, nhiệm vụ quan trọng trong việc tổ chức và thực thi quyền lực của Đảng. Vi phạm của một số cán bộ, đảng viên đã gây ảnh hưởng tới uy tín, thanh danh của Đảng, mà nguyên nhân chủ yếu là do cơ chế kiểm soát quyền lực đối với công tác cán bộ chưa hiệu quả. Đây là lĩnh vực khó và dù Đảng ta đã có nhiều văn bản quy định về vấn đề này, nhưng chưa phát huy hết hiệu quả để ngăn ngừa tình trạng chạy chức, chạy quyền, sự tha hóa, biến chất trong công tác cán bộ.
Để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, năng lực hoạch định, năng lực tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, cương lĩnh; năng lực lãnh đạo các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội..., Đảng phải lựa chọn, xây dựng được đội ngũ cán bộ “vừa hồng”, “vừa chuyên”, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn. Muốn vậy, Đảng phải tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền, vì đây là vấn đề then chốt để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong bối cảnh hiện nay.
LHQ-ST
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét